"Bộ trưởng Bộ Xây dựng trả lời chất vấn có trọng tâm, trọng điểm"
VOV.VN - Chiều 3/11, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng. Rất nhiều vấn đề nóng mà cử tri cả nước quan tâm đã được các đại biểu đặt ra với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.
Nhiều cử tri đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng và cho rằng, các đại biểu đã đi đúng trọng tâm những vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm như vấn đề ngập lụt, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, hay vấn đề giá bất động sản, quản lý quy hoạch, chung cư cao tầng…
Vấn đề ngập lụt đô thị hay ùn tắc giao thông: Phần trả lời chưa thật sự thuyết phục
Đại biểu Chu Việt Đáp ở Thái Thụy, Thái Bình bày tỏ sự hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng liên quan tới vấn đề nhà ở cho công nhân lao động và ùn tắc giao thông tại đô thị: “Tôi tâm đắc nhất là phần trả lời của Bộ trưởng về vấn đề nhà ở cho công nhân, một thời gian sau thành nhà ở thương mại. Vấn đề thứ 2 là ùn tắc giao thông, không thể là trách nhiệm riêng của Bộ xây dựng được”.
Tuy nhiên, một số cử tri cho rằng, phần trả lời của Bộ trưởng về một số vấn đề như ngập lụt đô thị hay ùn tắc giao thông chưa thật sự thuyết phục.
Cử tri Nguyễn Đức Long (Hà Nội) phân tích, Bộ trưởng còn né tránh khi nói về vấn đề ngập lụt: không phải do cốt đường tăng mà vấn đề phải có hồ điều hòa thoát nước trong trường hợp mưa lớn. Tắc đường cũng vậy, làm sao phải giải tỏa bớt mật độ giao thông mới là giải pháp căn cơ.
Cử tri tại Bắc Kạn đánh giá nội dung được lựa chọn chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đều là những vấn đề được cử tri cả nước quan tâm, liên quan trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19”.
Với phần chất vấn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng chiều 3/11, nhiều cử tri đánh giá vấn đề nêu ra đã khá sát với thực tế.
Cử tri Nông Văn Hải ở thành phố Bắc Kạn nêu ý kiến, qua theo dõi trên đài cử tri Hải thấy Bộ trưởng Bộ Xây dựng trả lời đã khá sát thực tế: “Tôi cũng có một ý kiến nhỏ, đó là ở các thành phố nhỏ như ở Bắc Kạn thì cũng có tình trạng quy hoạch dự án treo, có chỗ đến cả chục năm, ảnh hưởng lớn đời sống người dân. Tôi mong là bộ sẽ có biện pháp chấm dứt tình trạng này. Thứ hai là không chỉ thành phố, tỉnh thành lớn mà các vùng núi, thời gian qua tình trạng đầu cơ đất đai tại nơi chuẩn bị có dự án cũng khá phức tạp và chắc chắn kéo theo nhiều hệ lụy. Tôi mong sẽ có biện pháp chấn chỉnh tình trạng này".
Nhiều cử tri tại Điện Biên đồng tình với những giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra trong thời gian tới.
Ông Phạm Kim, người dân phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên cho rằng ngập úng đô thị đang là vấn đề nóng, nhức nhối, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Không chỉ các đô thị ở vùng đồng bằng, trung du mà các đô thị ở miền núi cũng xảy ra vấn đề này. Điều này đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thẳng thắn đề cập liên quan đến các vấn đề quy hoạch, do quá trình bê tông hóa, nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu.
“Bộ trưởng Xây dựng trả lời đã có trọng tâm, trọng điểm và rõ một số nội dung mà cử tri chúng tôi đang mong muốn. Tựu chung lại là bất cập liên quan đến hạ tầng đô thị hiện nay thiếu quy hoạch, đầu tư xây dựng chưa đồng bộ, manh mún, quy mô thì quá nhỏ, dẫn đến mùa mưa xảy ra ngập úng gây thiệt hại đáng tiếc đến tài sản, tính mạng của người dân. Chúng tôi mong là phải đầu tư tập trung có trọng điểm, quy mô hợp lý nhưng phải xử dụng được lâu dài mang lại hiệu quả; đồng thời tránh được các lãng phí không cần thiết”, ông Phạm Kim nói.
Đồng quan điểm về vấn đề này, chị Đặng Thị Tuyết, người dân xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên nói “Tôi thấy Bộ Xây dựng cũng đã thẳng thắn chỉ ra những vấn đề ngập úng, thoát nước đô thị trên cả nước trong thời gian qua. Chỉ ra những khó khăn, hạn chế mà hiện nay cử tri cả nước quan tâm. Mong rằng thời gian tới bộ sẽ quyết liệt hơn nữa trong việc quy định cơ quan nhà nước thẩm định dự án đô thị để giải quyết tình trạng này, đưa đất nước phát triển”.
Người đứng đầu cần chỉ ra điểm nghẽn của cơ chế chính sách
Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV của Bộ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, cử tri Vũ Ngọc Long, ở phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho rằng, các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên chất vấn đều rất đúng và trúng với thực tiễn và Bộ trưởng cũng đã trả lời rõ ràng, nêu được nguyên nhân và đưa ra được những giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.
Theo cử tri Vũ Ngọc Long, Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm của người đứng đầu của ngành và chỉ ra được những điểm yếu, điểm nghẽn của cơ chế chính sách của vấn đề chuyên ngành xây dựng nói chung, quy hoạch nhà ở xã hội nói riêng. Bộ trưởng đều đã nhìn ra và chỉ rất đúng.
“Vấn đề lập quy hoạch, quy hoạch treo do nguyên nhân chính mà Bộ trưởng đã chỉ ra là nguồn vốn cho nên tới đây Chính phủ và các Bộ, Ngành phải khắc phục vấn đề là khi có vốn sẽ điều chỉnh và lập quy hoạch. Về vấn đề nhà ở xã hội, bây giờ bản chất của nhà ở xã hội là phục vụ người lao động. Khi hình thành lại phải đòi hỏi cơ chế chính sách của Chính phủ của Nhà nước, để thực sự người ở được hưởng thụ với giá phải chăng, chứ nếu giá cả cao quá thì người chính sách (lao động) không được hưởng thụ, và vấn đề này, Bộ trưởng đã chỉ rõ”, cử tri Vũ Ngọc Long nói.
Cử tri TP.HCM quan tâm giải pháp quản lý, phát triển thị trường bất động sản
Theo dõi phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, các cử tri tại TP.HCM có ý kiến về các giải pháp quản lý, phát triển thị trường bất động sản.
Cử tri Nguyễn Duy Thành – Tổng Giám đốc Công ty quản lý Nhà Toàn Cầu (Global Home) cho rằng: Đối với việc cấp phép, nghiệm thu nhà chung cư có quy mô đặc biệt trên 20 tầng hiện do Bộ Xây dựng đảm nhận, với một đơn vị có chức năng thuộc Bộ mà phải đi làm trên phạm vi cả nước thì không xuể. Giải pháp được Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đưa ra là sẽ có quy định mới để đưa thẩm quyền về địa phương.
Cử tri Nguyễn Duy Thành đánh giá giải pháp này sẽ hạn chế được rất nhiều vấn đề bức xúc thời gian qua: “Tại sao người dân lại căng băng rôn khi chung cư không hoàn thiện, bàn giao đúng tiến độ, hay có sai phạm mà vẫn đưa dân vào. Liên quan đến phòng cháy chữa cháy, các thủ tục pháp lý về tài chính của chủ đầu tư không hoàn thiện cho nhà nước”.
Còn cử tri Hồ Minh Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) cho rằng, tình trạng huy động vốn, mua bán nhà khi chưa đủ điều kiện về đảm bảo pháp lý dẫn đến rất nhiều bất cập trong công tác quản lý và tiềm ẩn nhiều rủi ro của người dân. Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị giải đáp được phần nào vấn đề của người dân đang kỳ vọng: “Cần phải chấn chỉnh nữa, không nên để tồn tại rất nhiều tình trạng không công khai, thiếu minh bạch đối với các dự án giao dịch bất động sản qua sàn giao dịch bất động sản. Hoặc là đối với tình trạng các nhân viên môi giới bất động sản của các sàn bất động sản chưa chứng chỉ hành nghề”.
Bình Dương thiếu nhà ở xã hội, người dân khó tiếp cận giá gốc
Tại phiên chất vấn ngày 3/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nêu các giải pháp để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, các bộ ngành cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để tăng nguồn cung nhà ở xã hội, tháo gỡ những nút thắt cho các dự án xây dựng nhà ở đô thị. Thời gian tới, cùng với giải quyết đồng bộ công tác hoàn thiện xây dựng pháp luật, Bộ Xây dựng sẽ tăng cường thực hiện Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội mà Bộ đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt để cố gắng đáp ứng mục tiêu, đảm bảo giá nhà ở xã hội phù hợp hơn với thu nhập của người dân.
Cử tri Đoàn Văn Tịnh ở Bình Dương cho biết, rất quan tâm đến vấn đề Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời, đặc biệt là vấn đề nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Bộ trưởng đã nêu lên khó khăn, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ. Với các giải pháp này, hy vọng sớm tháo gỡ được khó khăn để Bình Dương xây dựng thêm các khu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, bởi hiện nay nhà ở xã hội chưa tương xứng so với số dân nhập cư:
Cử tri Đoàn Văn Tịnh hy vọng, những giải pháp của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị sẽ được triển khai, áp dụng sớm nhất nhằm phát triển nhà ở xã hội. Bình Dương là một địa phương phát triển về kinh tế, nơi người nhập cư đông và nhu cầu về nhà ở là rất lớn. Để người lao động yên tâm làm việc, tỉnh Bình Dương phải sớm khắc phục khó khăn để triển khai hàng loạt dự án nhà ở xã hội”
Cử tri Trương Văn Phỉ thì cho rằng, bên cạnh việc thiếu nhà ở xã hội, giá nhà ở xã hội cao so với thu nhập của người lao động như ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hiện nay còn có việc người lao động không được mua với giá gốc mà phải mua qua các nhà đầu tư. Do đó, để người lao động sở hữu được nhà ở xã hội cần có chính sách minh bạch, rõ ràng:
“Vấn đề tiếp cận mua nhà ở xã hội phải được xem xét một cách công khai, khách quan, đúng đối tượng để người lao động mua đúng giá gốc. Nhà nước nên tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận vốn vay ưu đãi và thời hạn trả góp ít nhất 20 năm để họ cân đối được nguồn tài chính”, cử tri Trương Văn Phỉ nói.
Bình Dương hiện có 2,6 triệu dân, trong đó một nửa là lao động nhập cư. Chỉ riêng giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã thu hút, kêu gọi đầu tư khoảng 2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội; giai đoạn 2021-2025, sẽ có thêm 4,2 triệu m2 sàn, tương đương 100.000 căn. Tuy nhiên, số lượng nhà ở xã hội so với số dân nhập cư ở Bình Dương chưa đáp ứng được nhu cầu, đa phần công nhân lao động vẫn phải ở trong các căn nhà trọ chật hẹp, ẩm thấp./.