Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Lừa đảo trực tuyến đang diễn ra trên diện rộng
VOV.VN - Thảo luận tại hội trường chiều 23/5, các ĐBQH đã nêu vấn đề lừa đảo trực tuyến có xu hướng gia, theo đó, thay mặt cử tri đề nghị các cơ quan chức năng quyết liệt hơn nữa trong công tác phối hợp, phát hiện, triệt phá loại tội phạm này.
Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, trong đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã nhấn mạnh các giải pháp triệt phá tội phạm lừa đảo trực tuyến. Đồng thời, khẳng định mạnh tay xử lý tài khoản không chính chủ, sim rác.
Nêu ý kiến tại phiên họp, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho biết, vấn nạn lừa đảo trực tuyến được cử tri rất quan tâm và đang có xu hướng gia tăng. Theo bà Nga, thời gian gần đây, số vụ lừa đảo xảy ra ngày càng nhiều với nạn nhân và số tiền thiệt hại ngày càng lớn, có cá nhân bị lừa hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều đường dây lừa đảo trực tuyến quy mô lớn được Công an triệt phá đã mang lại niềm tin cho nhân dân.
Tuy nhiên, cử tri đề nghị các cơ quan chức năng quyết liệt hơn nữa trong công tác phối hợp, phát hiện, triệt phá loại tội phạm này. ĐB Việt Nga nói: “Đặc biệt, khi tội phạm dùng số tài khoản ngân hàng và số thuê bao điện thoại không chính chủ để liên hệ và nhận tiền. Cử tri mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp hữu hiệu hơn trong xử lý, quản lý sim rác. Ngân hàng rà soát các tài khoản không chính chủ, không tạo kẽ hở cho tội phạm lợi dụng để thực hiên hành vi phạm tội”.
Hệ luỵ của chuyển đổi số
Giải trình, làm rõ vấn đề ĐB Việt Nga nêu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận lừa đảo trực tuyến đang diễn ra trên diện rộng, không chỉ ở Việt Nam mà còn phạm vi toàn cầu, là hệ lụy của chuyển đổi số.
Thông tin về những giải pháp thực hiện thời gian qua, ông Hùng cho biết, tuyên truyền vẫn là giải pháp quan trọng hàng đầu, có tính lâu dài. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo cơ quan báo chí lớn tổ chức các chuyên mục để cảnh báo thủ đoạn lừa đảo trực tuyến. Đặc biệt, sử dụng hệ thống thông tin cơ sở, nhất là loa phát thanh phường, xã, thông tin thường xuyên với bà con; phối hợp Bộ Công an xử lý, triệt phá một số đường dây lừa đảo.
“Đối tượng lừa đảo trực tuyến thường sử dụng điện thoại giả danh cơ quan Nhà nước. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo nhà mạng đầu tư công nghệ, nếu cơ quan Nhà nước dùng điện thoại liên hệ với người dân sẽ hiện tên của cơ quan Nhà nước trên máy điện thoại di động hoặc điện thoại cố định có màn hình. Nếu nhận được cuộc gọi ở thiết bị điện thoại không có màn hình, người dân có thể yêu cầu gọi điện lại qua số di động để xác định là đại diện cơ quan Nhà nước”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Với vấn nạn lừa đảo liên quan đến số điện thoại không chính chủ hoặc sim rác, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, gần 5 năm qua, Bộ đã chỉ đạo rất mạnh mẽ các nhà mạng xử lý hàng chục triệu sim rác. Từ ngày 15/4/2024, Bộ cắt toàn bộ sim mà thông tin không trùng khớp với cơ sở dữ liệu dân cư cũng như xử lý sim chính chủ.
“Nếu như Bộ phát hiện sim rác, sim không chính chủ sẽ yêu cầu nhà mạng ngừng kinh doanh, phát triển thuê bao mới. Đây là hình thức xử lý rất nặng với nhà mạng, thể hiện quyết tâm cao của Bộ trong xử lý sim rác, sim không chính chủ”, ông Hùng nhấn mạnh.
Đối với hành vi lừa đảo trực tuyến qua việc lập các trang web giả mạo của cơ quan Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện sáng kiến gắn nhãn xanh cho trang web các cơ quan Nhà nước và các tổ chức đã được xác thực. Theo đó, người dân khi vào các trang web không có gắn nhãn xanh cần thận trọng hơn.
Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã thiết lập đầu mối tiếp nhận phản ánh các trường hợp bị lừa đảo trực tuyến để hỗ trợ người dân.
Ngân hàng Nhà nước bổ sung quy định chặt chẽ
Cùng trả lời vấn đề ĐBQH nêu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện một số giải pháp ngăn chặn và hạn chế tình trạng này. Theo đó, thường xuyên rà soát, chỉnh sửa, cũng như tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 52/NĐ-CP ngày 15/5/2024 về thanh toán không dùng tiền mặt. Ngân hàng Nhà nước cũng đang dự thảo thông tư hướng dẫn mở và sử dụng tài khoản thanh toán, trong đó bổ sung một số quy định rất chặt chẽ. Cụ thể, khi người dân mở tài khoản tại ngân hàng phải sử dụng căn cước công dân có gắn chíp. Đối với công dân không có căn cước công dân gắn chíp phải đến trực tiếp tại quầy để thực hiện xác minh, nhận biết khách hàng chính chủ.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành quyết định yêu cầu áp dụng các biện pháp xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch trên 10 triệu đồng với mỗi giao dịch hoặc giá trị trên 20 triệu đồng/ngày. Các biện pháp này giúp xác thực khách hàng, hạn chế việc sử dụng tài khoản không chính chủ để có hành vi vi phạm pháp luật. Quyết định này yêu cầu tổ chức tín dụng thực hiện từ ngày 1/7/2024.
“Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo toàn ngành tăng cường công tác phòng, chống, ngăn ngừa hành vi gian lận trong việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử; chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải triển khai các giải pháp theo dõi việc giao dịch; kiểm soát đánh giá trong và sau khi khách hàng mở tài khoản để kịp thời phát hiện những tài khoản có dấu hiệu đáng ngờ, để có giải pháp phù hợp”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định.