Bộ trưởng Phan Văn Giang dự Hội nghị Hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN
VOV.VN - Hội nghị Hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM Hẹp) đã diễn ra sáng 22/11 tại Siem Reap. Đại tướng Tea Banh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng quốc phòng Campuchia chủ trì Hội nghị.
Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Quốc phòng, lãnh đạo Bộ Quốc phòng các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi. Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm trưởng đoàn, tham dự hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Đại tướng Tea Banh cho biết, trong những năm qua, hợp tác trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) tiếp tục đạt được nhiều tiến bộ, với việc thành lập các cơ chế hợp tác mới và các hoạt động liên quan. Đó chính là minh chứng cho cam kết của các nước trong việc tăng cường sự ổn định, đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN nhằm xây dựng ASEAN là một khu vực hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển theo Tầm nhìn ASEAN 2025. Tuy nhiên, Đại tướng Tea Banh cho rằng ASEAN vẫn đang phải đối mặt với những thách thức và đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, điều không một quốc gia riêng lẻ nào có thể giải quyết được.
Tại Hội nghị ADMM Hẹp, Bộ trưởng Quốc phòng, lãnh đạo Bộ Quốc phòng các nước ASEAN đã trao đổi quan điểm về môi trường an ninh quốc tế và khu vực. Các trưởng đoàn đều khẳng định ASEAN cần đoàn kết, giữ vững vai trò trung tâm và dẫn dắt trong các cơ chế hợp tác trong khu vực, nhằm ứng phó kịp thời với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thông đang nổi lên như: xung đột vũ trang, cạnh tranh giữa các nước lớn, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu... Các trưởng đoàn cũng trao đổi sâu sắc về các thách thức an ninh biển, trong đó có Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở biển Biển Đông đối với an ninh khu vực và trên thế giới.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Phan Văn Giang bày tỏ đồng tình với chia sẻ của các trưởng đoàn và nhấn mạnh đến một số vấn đề mà khu vực đang phải đối mặt. Theo Bộ trưởng Phan Văn Giang, môi trường địa chính trị khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới đang chứng kiến những chuyển động nhanh chóng, khó đoán định; cạnh tranh giữa các cường quốc đang diễn ra ngày càng gay gắt trên tất cả các lĩnh vực. Từ góc độ quốc phòng-an ninh, sự cọ xát về lợi ích chiến lược của các nước lớn trong khu vực vừa mang lại thời cơ, thuận lợi, song cũng đặt ra những thách thức đối với ASEAN.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đánh giá, trong triển khai hợp tác với các đối tác, ASEAN đã duy trì được sự đồng thuận, đoàn kết, đảm bảo các cơ chế do ASEAN dẫn dắt phát huy hiệu quả, không bị cuốn theo chương trình nghị sự, mục tiêu riêng của các nước ngoài khu vực.
Đề cập đến chủ đề “Hợp tác quốc phòng vì một nền an ninh hài hòa” của các Hội nghị tại ADMM, ADMM+ tại Campuchia, Bộ trưởng Phan Văn Giang cho rằng sự hài hòa chính là cách tiếp cận cân bằng, đảm bảo lợi ích của mỗi quốc gia thành viên ASEAN, đảm bảo lợi ích chung của cả Cộng đồng ASEAN, đồng thời đảm bảo sự quan tâm của các đối tác bên ngoài, nhằm phát huy những sáng kiến có định hướng đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, thịnh vượng ở khu vực.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam chia sẻ và nhấn mạnh hai vấn đề.
Trước hết, việc duy trì và bảo đảm môi trường hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực, trong đó có khu vực Biển Đông, là quan tâm và lợi ích chung của các nước. ASEAN cần kiên định và nhất quán về lập trường nguyên tắc của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, thúc đẩy thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất; xử lý các vấn đề trên tinh thần hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Bên cạnh đó, ASEAN cần tiếp cận hài hòa trong mở rộng quan hệ đối ngoại với các đối tác ngoài khu vực. Một mặt, cần kiên định các nguyên tắc của ASEAN, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, mặt khác cần phát huy được nhân tố tích cực trong hợp tác với các đối tác ngoài ASEAN. “Việc một số nước và tổ chức là đối tác của ASEAN mong muốn tham gia sâu hơn vào ADMM+ thể hiện sự hấp dẫn của cơ chế hợp tác ASEAN. Vừa qua chúng ta đã xử lý vấn đề này một cách cân bằng. Tài liệu khái niệm Quan hệ đối ngoại của ADMM đang được triển khai nhằm bảo đảm ADMM nắm giữ quyền quyết định”, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam chia sẻ.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Phan Văn Giang bày tỏ cảm ơn sự quan tâm, ủng hộ của Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Quân đội cũng như các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng các nước ASEAN, các nước đối tác ASEAN và nhiều nước khác trên thế giới đối với Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức vào tháng 12 tới đây./.