Bộ trưởng Tài chính lý giải việc chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh
VOV.VN - Trước băn khoăn của đại biểu Quốc hội về việc lâu nay chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết luật quy định CPI phải trên 20% mới trình điều chỉnh, trong khi đó, CPI từ 2020 đến 2023 chỉ 11,47%.
Tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội, ngày 29/5, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp dành toàn bộ thời gian phân tích về việc mức giảm trừ gia cảnh hiện hành “đã rất lạc hậu” và “chưa thực sự phản ánh đúng mức chi tiêu cơ bản của gia đình và cá nhân, cũng như chưa phản ánh mức sống thực tế hiện nay”.
Từ đó đại biểu đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét sửa luật tại kỳ họp tháng 10 năm nay để có thể thông qua vào tháng 5 năm 2025 thay vì xem xét thông qua vào giữa năm 2026 như kế hoạch.
Phát biểu giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực từ 2009, khi đó mức giảm trừ với người nộp thuế 4 triệu đồng và mỗi người phụ thuộc được giảm trừ 1,6 triệu đồng/tháng.
Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2013 nâng mức giảm trừ lên 9 triệu đồng, có nghĩa là 108 triệu đồng/năm và với người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Luật cũng quy định là khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% thì trình UBTVQH điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Ngày 2/6/2020, Quốc hội có Nghị quyết 954, nâng mức giảm trừ lên 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc 4,4 triệu/tháng. Như vậy, hiện nay người lao động có 1 người phụ thuộc thì thu nhập 17 triệu đồng trở lên mới phải nộp thuế, còn có 2 người phụ thuộc thì thu nhập trên 22 triệu đồng mới nộp thuế, chưa kể trừ bảo hiểm bắt buộc.
Trước băn khoăn của đại biểu về việc lâu nay chưa trình xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết luật quy định CPI phải trên 20% mới trình điều chỉnh, trong khi đó, trên thực tế mức CPI từ 2020 đến 2023 chỉ 11,47%.
Hơn nữa, mức phải nộp thuế đang là 11 triệu đồng, cao hơn 2,2 lần thu nhập bình quân (4,96 triệu đồng), trong khi thế giới chỉ cao hơn dưới 1 lần.
“Như vậy, Bộ Tài chính đang thực hiện đúng luật” – ông Hồ Đức Phớc khẳng định.
Về thời điểm trình sửa luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, theo chương trình xây dựng luật và pháp lệnh, Chính phủ sẽ trình Quốc hội vào tháng 10/2025 và xem xét thông qua luật vào tháng 5/2026.
“Nếu UBTVQH quyết định đưa dự án luật vào chương trình để xem xét ngay kỳ họp cuối năm nay thì chúng tôi sẽ chấp hành. Khi đó sẽ xin ý kiến đại biểu Quốc hội, nhân dân và bộ ngành để đưa ra quy định phù hợp, trong đó có việc có nên quy định mức CPI trên 20% hay không” – ông Hồ Đức Phớc cho biết.