Bộ Tư pháp thông tin về thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024
VOV.VN - Để thực hiện chế độ tiền lương mới từ 1/7/2024 theo các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã có văn bản giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan.
Tại cuộc họp báo quý I/2024 của Bộ Tư pháp vào chiều 12/4, báo chí đặt câu hỏi về tiến độ thẩm định các dự thảo Nghị định liên quan đến việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024.
Trả lời vấn đề này, ông Cao Đăng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết, để thực hiện chế độ tiền lương mới từ 1/7 theo các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã có văn bản giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan.
Trong đó, Bộ Nội vụ đang được giao nhiệm vụ xây dựng báo cáo để báo cáo Bộ Chính trị về thực hiện chế độ tiền lương mới. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng giao Bộ Nội vụ xây dựng 2 dự thảo Nghị định liên quan đến chính sách tiền lương.
Theo ông Cao Đăng Vinh, một dự thảo Nghị định Bộ Nội vụ phải xây dựng và ban hành sớm để thay thế Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Dự thảo Nghị định này sẽ ban hành ngay sau khi Bộ Chính trị có quyết định cụ thể về chế độ tiền lương mới.
Ngoài ra, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội được giao ban hành một số Nghị định, trong đó có Nghị định về mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho doanh nghiệp; Nghị định quản lý lao động tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp; các nghị đinh, thông tư điều chỉnh chế độ, chính sách trợ cấp, an sinh xã hội.
Theo quy định, Bộ Tư pháp chỉ thẩm định các văn bản từ nghị định, quyết định của Thủ tướng trở lên. Theo ông Vinh, đến nay, Bộ Tư pháp chưa nhận được hồ sơ thẩm định các dự thảo nghị định của các Bộ gửi về. Hiện Bộ Tư pháp mới nhận được dự thảo nghị định về mức tiền lương tối thiểu vùng từ Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội gửi xin ý kiến. Bộ Tư pháp cũng đã có ý kiến tham gia, gửi cơ quan soạn thảo.
Trước đó, tại Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội giao Chính phủ xây dựng, ban hành đồng bộ các văn bản để triển khai có hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ 1/7/2024. Chính phủ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định về tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề đối với nhà giáo, nhất là nhà giáo công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, trường chuyên biệt và bậc học mầm non, phù hợp với tổng thể và điều kiện thực tế Việt Nam.
Quốc hội yêu cầu hoàn thiện chính sách, pháp luật về xã hội hóa tại các bệnh viện công lập; nâng cao chế độ đãi ngộ đối với nhân viên y tế, trong đó có nhân viên y tế thôn, bản, khu, cụm công nghiệp; tiếp tục đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, biên giới, hải đảo.
Từ ngày 1/7/2024, cán bộ, công chức trên toàn quốc sẽ được trả lương theo vị trí việc làm thay cho chính sách tiền lương hiện tại.
Bộ Nội vụ cho biết có 861 vị trí việc làm cán bộ, công chức, trong đó nhóm lãnh đạo, quản lý có 137 vị trí; nhóm công chức nghiệp vụ chuyên ngành 665 vị trí; nhóm công chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung 37 vị trí; nhóm hỗ trợ, phục vụ 22 vị trí.
Cán bộ, công chức cấp xã có 17 vị trí, trong đó 11 vị trí cán bộ chuyên trách, 6 vị trí công chức xã. Đến nay, 16/20 bộ ngành ban hành vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành.