Bước đột phá trong cải cách hành chính tại Quảng Ninh
VOV.VN - Với những chuyển biến mạnh mẽ, đột phá, Quảng Ninh đã tạo dựng thành công hình ảnh một địa phương năng động với chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền và môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn.
Những năm gần đây, Quảng Ninh trở thành điển hình tiêu biểu về cải cách hành chính trong cả nước khi liên tục dẫn đầu bảng xếp hạng các chỉ số đo lường chất lượng phục vụ hành chính. Đây là kết quả từ những nỗ lực lâu dài trong nhiều mô hình cải cách, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hướng tới một nền hành chính phục vụ.
Dự án công nghệ tế bào quang điện của Công ty Jinko Solar PV Hong Kong có tổng mức đầu tư 500 triệu USD, là dự án FDI lớn nhất đầu tư vào Quảng Ninh hiện nay. Đáng chú ý, theo báo cáo thẩm định của Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Quảng Ninh, quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án diễn ra trong vòng 6 ngày (sớm hơn 12 ngày so với quy định TTHC) và được tỉnh cho ý kiến chấp thuận chỉ trong 1 ngày.
Đây không phải là dự án lớn đầu tiên được Quảng Ninh tiếp nhận, hỗ trợ nhanh chóng trong quá trình nghiên cứu, triển khai thủ tục đầu tư. Trước đó, tháng 9/2020, những dự án đầu tiên thuộc Tổ hợp Công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công - Việt Hưng cũng được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong thời gian kỷ lục.
Ông Đào Phong Trúc Đại, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng nhấn mạnh, ông rất ấn tượng với thủ tục hành chính ở đây. Theo chia sẻ của ông Đại, Tổng Công ty đã thực hiện dự án đầu tư ở rất nhiều tỉnh thành, nhưng đây là lần đầu tiên làm thủ tục được cấp giấy chứng nhận đầu tư của dự án trong vòng 24 tiếng.
"Quảng Ninh đem lại cho chúng tôi ấn tượng rất mạnh về cải cách thủ tục hành chính, sự chỉ đạo sâu sát, trực tiếp từ lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND và các sở ban ban ngành trong việc hỗ trợ các nhà đầu tư, rút ngắn công tác chuẩn bị đầu tư"-ông Đào Phong Trúc Đại nói
Đánh giá tích cực của các nhà đầu tư là kết quả của một quá trình cải cách hành chính từ nhiều năm. Gần 10 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung thực hiện đồng bộ từ cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức,... Trong đó, bước tiến mới trong hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư là sự ra đời của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư IPA năm 2011 do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, sau đó là các tổ công tác hỗ trợ các dự án trọng điểm, nhà đầu tư chiến lược...
Ông Đào Duy Hảo, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh đánh giá, chính từ sự động viên đối với doanh nghiệp, giúp vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, lãnh đạo chính quyền đã tổ chức những hội nghị mang tính chuyên sâu, đi trực tiếp nắm bắt hoạt động của doanh nghiệp, mô hình Cà phê doanh nhân và kịp thời giải quyết vướng mắc khó khăn. Các dự án đều được công bố công khai, các doanh nghiệp đều có thể theo dõi, chúng tôi đánh giá rất cao tính minh bạch đó.
Xác định nền tảng cải cách là yếu tố con người, để gắn trách nhiệm người đứng đầu và "truyền lửa cải cách" xuống cơ sở, tới từng cán bộ công chức, viên chức, Quảng Ninh đã xây dựng các bộ chỉ số tương đương về nâng cao năng lực cạnh tranh, đo lường cải cách hành chính, quản trị công ở cấp Sở ban ngành địa phương trong tỉnh, tạo cuộc đua tranh ngay từ cấp cơ sở.
Bà Lê Ngọc Hân, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Quảng Ninh khẳng định, việc xây dựng các bộ công cụ dưới hình thức KPI để đánh giá đo lường, định lượng cụ thể như vậy không phải là áp lực mà là động lực để chúng tôi căn cứ vào đó đánh giá chính xác, nhận diện toàn diện để có giải pháp khắc phục hạn chế, phát huy điểm mạnh. Qua đây cũng cho thấy rằng cần có sự phối hợp tốt hơn giữa các sở ban ngành địa phương, sự sát sao của người đứng đầu cũng như sự cố gắng của các đơn vị được giao chủ trì từng chỉ số thành phần, để luôn bám sát tình hình và có giải pháp kịp thời.
Với những chuyển biến mạnh mẽ, đột phá, Quảng Ninh đã tạo dựng thành công hình ảnh một địa phương năng động với chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền và môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn.
Tuy vậy, như chia sẻ của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, "cải cách hành chính chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc".
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn khẳng định: "Vấn đề đặt ra là làm sao Quảng Ninh có thể giữ được vị trí đứng đầu, vượt qua chính mình. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã đặt ra chỉ tiêu “hàng năm giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI”. Đây là lần đầu tiên các chỉ số này được đưa vào thành một chỉ tiêu quan trọng trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Đây chính là sự cam kết, đồng hành của cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh với nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân về một chính quyền phục vụ, do dân, vì dân.
Quảng Ninh đã hoàn thiện Đề án "Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030", với mục tiêu xây dựng nền hành chính ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp./.