Buông lỏng quản lý đất đai là nuôi dưỡng tham nhũng, lãng phí

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện có tới hàng trăm nghìn ha đất sử dụng không đúng mục đích

Quản lý đất đai là một chế định hết sức quan trọng trong Luật Đất đai đã được Quốc hội thông qua. Luật Đất đai quy định: “Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý Nhà nước về đất đai. Người nào thiếu trách nhiệm trong quản lý, để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Quy định trên cho thấy tính nghiêm minh của pháp luật. Song trên thực tế, công tác quản lý đất đai hiện này còn có khoảng cách rất xa so với các quy định của Luật. Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện có tới hàng trăm nghìn ha đất sử dụng không đúng mục đích. Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOVNews có cuộc phỏng vấn ông Lê Như Tiến, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Văn phòng Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

 PV: Theo ông, tình hình quản lý đất đai hiện nay đang nổi lên những vấn đề gì?

Ông Lê Như Tiến: Tình hình quản lý, sử dụng đất đai hiện nay còn nhiều bất cập, quản lý chưa chặt chẽ, sử dụng kém hiệu quả nên đã xảy ra nhiều tiêu cực.

Ông Lê Như Tiến

Theo báo cáo mới nhất ngày 26/3/2009 của Tổng cục quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong số 7.507.318 ha đất Nhà nước giao cho các tổ chức thì có tới hàng trăm nghìn ha đất sử dụng không đúng mục đích, bị lấn chiếm, cho thuê, cho mượn trái phép, chuyển nhượng trái pháp luật. Đó là còn chưa kể tới hàng nghìn ha đất bỏ hoang hoá nhiều năm do những dự án treo “xuyên thế kỷ”.

Sự buông lỏng trong quản lý đất đai không những gây thất thoát lãng phí nguồn lực to lớn của xã hội mà còn là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng tham nhũng, là môi trường tha hoá cán bộ công chức, là nguyên nhân làm hỏng, làm mất cán bộ. Đồng thời là thách thức lớn trong việc thực thi pháp luật về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà Quốc hội mới ban hành.

PV: Nhiều quỹ đất, công trình xây dựng sử dụng không đúng mục đích và còn bỏ dở trong khi đó, các dự án xây dựng nhà ở cho công nhân viên, ký túc xá cho sinh viên, nhà ở xã hội còn đang tiến hành rất chậm chạp và từng giờ, từng phút trông chờ vào quỹ đất được phân bổ. Theo ông, Chính phủ phải có những biện pháp gì để giải quyết vấn đề này?

Ông Lê Như Tiến: Theo tính toán của Chính phủ, từ nay đến năm 2015 có khoảng 60% sinh viên ở các cơ sở đào tạo và 50% công nhân ở các khu công nghiệp mới có nhà ở. Tuy nhiên hiện nay, tỷ lệ này mới chỉ có khoảng 20-22%.

Để giải quyết tình trạng quỹ đất sử dụng sai mục đích, Chính phủ phải vào cuộc ráo riết, tổng điều tra toàn bộ quỹ đất, quỹ nhà của cả nước. Điều tra xem tổ chức, cá nhân sử dụng quỹ đất có được Nhà nước giao cho không; nếu được giao thì sử dụng có đúng mục đích không, cơ quan giao có đúng thẩm quyền không. Những quỹ đất, quỹ nhà sử dụng gây lãng phí, không đúng mục đích, trái pháp luật thì Chính phủ phải có biện pháp thu hồi ngay để bán đấu giá quyền sử dụng đất nộp ngân sách Nhà nước hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng phục vụ cho những công trình phúc lợi công cộng. Ngoài ra, Chính phủ cũng phải xác định rõ trách nhiệm quản lý đất đai thuộc về cá nhân, cơ quan nào.

PV: Nhiều người dân hiện đang băn khoăn là giá nhà cho người thu nhập thấp thực tế sẽ khó đến được đúng đối tượng là cán bộ công nhân viên có thu nhập thấp do một số tổ chức, cá nhân liên kết để mua bán, trao đi đổi lại. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Lê Như Tiến: Chính phủ đưa ra chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho cán bộ công nhân viên có thu nhập thấp là một việc làm hết sức cần thiết, được công đảo nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên, để giá nhà thực tế đến với công nhân viên, người nghèo thì phải có một tổ chức đứng ra đảm nhiệm việc quản lý nhà ở. Theo đó, chỉ có những đối tượng là người nghèo, công nhân viên chức có thu nhập thấp, đủ điều kiện theo quy định thì mới có thể mua nhà và sử dụng nhà. Có như vậy thì chính sách xây dựng nhà xã hội mới phát huy hiệu quả, đến với đúng đối tượng, tránh tình trạng nhà bán trao đi đổi lại, trao tay qua nhiều tổ chức, cá nhân rồi mới đến tay đối tượng được ưu tiên, thụ hưởng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên