Các tỉnh vùng Đông Nam Bộ cũng muốn có một Nghị quyết 98 như TP.HCM
VOV.VN - Tại Hội nghị trao đổi, hợp tác giữa các địa phương vùng Đông Nam Bộ quý III năm 2023 mới đây, lãnh đạo các tỉnh ở Đông Nam Bộ cũng mong muốn có được một Nghị quyết 98 để tạo động lực cho sự phát triển trong giai đoạn mới.
Như hai bài đầu của loạt bài “Nghị quyết 98, thể chế vượt trội để TP.HCM hành động vì cả nước” việc phân cấp, phân quyền, cơ chế vượt trội để thí điểm các mô hình kinh tế mới mẻ sẽ giúp TP.HCM tạo đà phát triển mới. Tuy nhiên, để Nghị quyết thành công thì con người sẽ là nhân tố quyết định. Và để Nghị quyết đi vào cuộc sống, đội ngũ cán bộ, đảng viên của TP.HCM cũng sẵn sàng với tinh thần tấn công.
Bảo vệ cán bộ dám đổi mới
“Hồn cốt” của Nghị quyết 98 là phân cấp, phân quyền và thực hiện thí điểm cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội, những vấn đề mà pháp luật chưa quy định nhưng là đòi hỏi bức xúc của thực tiễn. Hai vấn đề trên đặt ra yêu cầu khẩn trương, cấp bách đó là công tác cán bộ. Cán bộ triển khai Nghị quyết không chỉ làm “đúng vai, thuộc bài” mà còn phải khắc phục được tình trạng sợ trách nhiệm.
Theo Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, để cán bộ làm được những việc trên, chúng ta phải đổi mới quyết liệt, thực chất về quan điểm đánh giá, lựa chọn, quy hoạch, điều chỉnh, sắp xếp đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cốt cán và đây là khâu then chốt quyết định.
"Nhìn tổng quát thì phải đánh giá đúng đức tài của đội ngũ cán bộ. Việc này gắn liền với đẩy mạnh xây dựng Đảng rồi hệ thống chính trị cũng như công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí hiện nay. Đặc biệt chú trọng thực hiện nghiêm ngặt việc giám sát quyền lực, kiểm soát quyền lực, đặc biệt là người đứng đầu", Trung tướng Lưu Phước Lượng nêu thêm.
Thời gian qua, không ít cán bộ của TP.HCM bị kỷ luật, chính điều này tạo nên tâm lý né tránh, sợ sai trong công chức, viên chức, đảng viên của thành phố. Để phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, phát huy mạnh mẽ ý chí, trách nhiệm, tính chủ động, tự lực tự cường, Thành ủy TP.HCM đã có nhiều Chỉ thị trong bảo vệ, đánh giá cán bộ, gắn việc thực hiện Nghị quyết 98 với phong trào thi đua của cá nhân, tập thể.
Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị-Bí thư Thành ủy TP.HCM khẳng định: "Với phương châm hành động của TP.HCM là: Kế hoạch 1, biện pháp 10, kiểm tra uốn nắn 20. Kiểm tra uốn nắn không phải là làm cho người ta khó khăn, không phải làm ảnh hưởng đến người ta hành động. Và khi gặp những vấn đề khó thì báo cáo Ban chỉ đạo. Ban chỉ đạo chịu trách nhiệm cho ý kiến và chịu trách nhiệm về phần mình để các cá nhân không gặp phải rủi ro. Các đồng chí có thể yên tâm hành động vì lợi ích chung".
Với việc gắn thực hiện Nghị quyết 98 với Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, đến nay, các sở, ngành địa phương đã có 41 đề án, kế hoạch trình Ban Cán sự Đảng của UBND TP.HCM đăng ký thực hiện thí điểm. Đây là những đề án phát triển kinh tế xã hội địa phương nhưng giải quyết bằng nền pháp lý hiện tại chưa đáp ứng được hết.
Đào tạo cán bộ đáp ứng yêu cầu thực hiện Nghị quyết
Để có được đội ngũ cán bộ ở tầm vượt trội đủ đức, đủ tài thực hiện nghị quyết, TP.HCM đang lên phương án “chiêu hiền đãi sĩ” bằng những chính sách ưu đãi vượt trội để thu hút người tài. Song song với việc tiếp tục thực hiện chính sách chi thu nhập tăng thêm để tạo sự an tâm cho đội ngũ thực thi công vụ, TP.HCM sẽ chú trọng công tác đào tạo cán bộ. Đào tạo không chỉ về mặt chuyên môn mà còn về bản lĩnh chính trị, liên kết đào tạo quốc tế, đào tạo theo chức danh để đội ngũ công chức, viên chức thích nghi được với yêu cầu của sự thay đổi, chuyên nghiệp, kỹ trị.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: "Một trong những nghiên cứu về đào tạo đó là đào tạo theo chức danh, anh làm công chức cấp xã, phường thì phải biết vai trò, nhiệm vụ của mình. Tương tự như vậy với lãnh đạo cấp phòng của quận, huyện, lãnh đạo cấp phòng của sở, lãnh đạo quận, huyện, lãnh đạo sở và đến lãnh đạo thành phố, như thế hàng năm đội ngũ này đều được cập nhật, trang bị đầy đủ về tâm thế, về chuyên môn, về kỹ năng trong quá trình thực thi và sau đào tạo là bố trí sử dụng".
Khi những vướng mắc về mặt pháp lý đang kìm nén sự phát triển của TP.HCM thì Nghị quyết 98 với những quy định vượt lên trên khuôn khổ thông thường sẽ tạo động lực mới để TP.HCM chủ động sáng tạo, mở rộng không gian phát triển. Dù thực tiễn sẽ còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với những kết quả cụ thể trong 4 tháng kể từ khi Nghị quyết có hiệu lực, không chỉ tạo nên sự lan tỏa ở TP.HCM mà còn với cả những tỉnh, thành khác trong vùng Đông Nam Bộ.
Tại Hội nghị trao đổi, hợp tác giữa các địa phương vùng Đông Nam Bộ quý III năm 2023 mới đây, lãnh đạo các tỉnh ở Đông Nam Bộ cũng mong muốn có được một Nghị quyết 98 để tạo động lực cho sự phát triển trong giai đoạn mới. Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu nói: "Các địa phương trong vùng cũng mong muốn áp dụng Nghị quyết 98 đặc thù của TP.HCM, các tỉnh cũng mong muốn được thực hiện theo hướng này. Nhưng để cụ thể các địa phương sẽ cho nghiên cứu, tổng hợp lại rồi ngồi bàn với nhau, sau đó trình Chính phủ xin ý kiến".
Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 98 do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng ban; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên làm Phó trưởng Ban thường trực và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng là Phó trưởng ban. Qua đây thấy được, quyết tâm chính trị của Trung ương đến địa phương trong thực hiện Nghị quyết. Dù rằng Nghị quyết 98 không phải là “cây đũa thần” nhưng chắc chắn rằng, Nghị quyết sẽ gỡ được những khó khăn về thể chế, gỡ điểm nghẽn về đầu tư và hạ tầng. Đây sẽ là đòn bẩy để TP.HCM cất cánh trong thời gian tới.