Cải cách hành chính trước hết phải cải cách đạo đức công chức
VOV.VN - Đạo đức công chức – một vấn đề quan trọng trong cải cách hành chính hiện nay
Để đảm bảo cho công cuộc cải cách hành chính được thành công, điều quan trọng nhất phải có đội ngũ cán bộ công chức trong bộ máy hành chính đủ đức, đủ tài để phục vụ nhân dân. Thực tế hiện nay, dù năng lực, đạo đức của công chức đã được nâng lên nhiều, song so với thực tế của quá trình đổi mới và yêu cầu của người dân, thì năng lực, đạo đức của đội ngũ cán bộ công chức vẫn còn nhiều bất cập ảnh hưởng lớn đến quá trình Cải cách hành chính cũng như các mặt khác của đời sống xã hội.
Dẫn con số thông kê, ở các bộ, ngành có khoảng 30% cán bộ công chức làm việc có hiệu quả cao, khoảng 30% kết quả có mức độ, còn lại là không có sản phẩm. Ở cấp xã có gần 40% cán bộ công chức chưa đáp ứng được tiêu chuẩn và yêu cầu của công việc.
Đạo đức công chức – một vấn đề quan trọng trong cải cách hành chính hiện nay |
Nhiề chuyên gia cho rằng, đại bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức đã thực hiện và phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, giữ vững đạo đức, phẩm chất, có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm, gắn bó với nhân dân…Tuy nhiên, vấn đề đạo đức, lối sống hiện nay trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức đang bị suy thoái với những biểu hiện khác nhau như: ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, cục bộ, tham nhũng, lãng phí... Họ chưa thực sự lấy việc phục vụ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu.
Ông Đinh Thành Công - nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Hải Phòng nhận xét: “Hiện nay đạo đức công vụ có vấn đề, công chức không ham mê công việc, không có trách nhiệm với công việc, không ứng xử đúng với nhân dân… Vấn đề đạo đức công vụ rất cần được quan tâm giáo dục”.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội Thuế Việt Nam khẳng định: Chúng ta đã nói rất nhiều về trách nhiệm phục vụ nhân dân của tổ chức bộ máy nhà nước và công chức trong bộ máy đó. Song sự chuyển biến trong nhận thức, đạo đức của đội ngũ cán bộ công chức chưa đáng kể. Vẫn còn nhiều cán bộ công chức không đặt mình ở vị trí phục vụ nhân dân mà vẫn còn tâm lý quản lý, cai trị. Từ đó, họ có những hành vi nhũng nhiễu nhân dân, vi phạm những nguyên tắc khi thi hành công vụ.
“Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đều xuất thân từ nhân dân, được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tức là từ tiền thuế do dân đóng góp. Vì vậy nếu làm chưa tròn bổn phận phục vụ dân thì phải xin lỗi… Tư tưởng đó đã được quán triệt trong toàn hệ thống tổ chức và cán bộ công chức, tạo ra văn hóa, đạo đức công vụ của công chức trước công việc, trước nhân dân… Những năm gần đây vấn đề này được nêu lên ở nhiều chương trình mục tiêu, đề án cải cách nhưng đội ngũ cán bộ công chức vẫn chưa chuyển kịp mà vẫn mang nặng tư tưởng cai trị quản lý nhiều hơn phục vụ”, bà Nguyễn Thị Cúc nêu ý kiến.
Đạo đức cán bộ, công chức, viên chức có tác động, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, hiệu quả, tiến độ thực thi chính sách, pháp luật nói chung. Mức độ tin tưởng vào Nhà nước và việc thực hiện chính sách, pháp luật của người dân như thế nào một phần phụ thuộc vào cách nhìn nhận, đánh giá của họ về đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Mỗi thái độ, lời nói, việc làm có lý, có tình của người cán bộ, công chức khi tiếp xúc, giải quyết công việc, nhu cầu của người dân sẽ có tác dụng lôi kéo, khích lệ họ chấp hành chính sách, pháp luật.
Ngược lại, người dân sẽ thất vọng, phản ứng, thậm chí đối phó, bất hợp tác và gây khó khăn, phức tạp cho công tác quản lý nhà nước. Giáo sư - Tiến sỹ khoa học Phan Xuân Sơn - Học viện Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Đạo đức, văn hóa của cán bộ công chức trong thực thi công vụ là điểm tựa, là bản lề cho việc xây dựng đạo đức văn hóa gia đình, đạo đức xã hội và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nếu cán bộ công chức và cán bộ quản lý yếu kém, sa sút về đạo đức thì khó có thể xây dựng được một xã hội đạo đức.
Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền XHCN. Hơn bao giờ hết phải tạo cho được một đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là những cán bộ quản lý, lãnh đạo có trình độ chuyên môn giỏi, có đạo đức nhân cách tốt, hết lòng phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước.
Để làm được điều đó cần không ngừng đổi mới công tác cán bộ các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Phải kiên quyết loại bỏ những cán bộ, công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp về" mà thay vào đó là những cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt, vững chuyên môn nghề nghiệp, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật./.
Nghe âm thanh tại đây: