Cán bộ cơ sở tâm tư xáo trộn khi sắp xếp lại khu phố
VOV.VN - Thực tiễn sắp xếp lại tổ dân phố, khu phố tại TP.HCM đang nảy sinh một số vấn đề, khiến tâm tư tình cảm của cán bộ cấp cơ sở bị xáo trộn khi có sự sắp xếp lại.
Hội nghị triển khai kế hoạch sắp xếp khu phố, ấp trên địa bàn TP.HCM diễn ra sáng 11/8. Là địa phương đã thí điểm sắp xếp lại khu phố tại 3 phường, ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức cho biết, sau khi sắp xếp lại, phường An Phú từ 5 khu phố đã tăng lên thành 26 khu phố. Phường Hiệp Bình Phước từ 6 khu phố nay đã có 34 khu phố, còn phường Phú Hữu từ 4 khu phố đã tăng thêm 12 khu phố.
Việc sắp xếp lại giúp TP.Thủ Đức giảm lực lượng hoạt động không chuyên trách ở khu phố, tổ dân phố từ 563 người xuống còn 380 người, song lại nảy sinh một số vấn đề. Trong đề án, việc sắp xếp tổ dân phố, khu phố không được làm phát sinh thêm trụ sở mới, song cần phải đánh giá lại việc mang tính dài hạn hơn, bởi việc sử dụng chung trụ sở khu phố, tổ dân phố như hiện nay rất bất tiện.
Một vấn đề nảy sinh nữa trong thực tiễn thí điểm của TP.Thủ Đức liên quan đến tâm tư, tình cảm của đội ngũ cán bộ không chuyên trách. Ông Hoàng Tùng cho hay, khi tiếp xúc ở tổ dân phố, khu phố, đa số cán bộ, đảng viên bày tỏ băn khoăn vì không biết tới đây, ai sẽ tiếp tục làm việc, ai sẽ không còn làm nữa.
"Ở cấp độ tổ dân phố và khu phố, nghe qua tưởng rất đơn giản nhưng thực tế có rất nhiều băn khoăn. Đặc biệt, việc sắp xếp này kéo theo việc chúng ta phải sắp xếp lại các chi bộ hoặc là đảng bộ tại các cơ sở. Quá trình thực tế, chúng tôi đi cơ sở, có rất nhiều cô chú, các đồng chí đảng viên bày tỏ tâm tư. Qua khảo sát, tỷ lệ đồng ý của người dân cũng chỉ vào khoảng 70%. Mặc dù trên 50% nhưng mà cũng có những người không đồng tình, chưa đồng tình hoặc còn băn khoăn", ông Hoàng Tùng cho biết thêm.
Còn Thiếu tướng Trần Đức Tài – Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho rằng, sắp xếp khu phố, ấp trên địa bàn có thuận lợi là không thay đổi địa giới hành chính, nhưng sẽ có thay đổi về cơ cấu dân cư, từ đó ít nhiều làm xáo trộn đời sống, sinh hoạt của người dân.
Theo quy định, việc sắp xếp căn cứ vào số hộ và số khẩu ở từng khu phố, ấp, song theo Thiếu tướng Trần Đức Tài, cần tính toán thêm số người thực tế lưu trú, tránh sắp xếp khu phố, ấp một cách cơ học. Bởi, thực tế có những địa bàn như huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn hay quận Bình Tân và một số địa bàn có khu công nghiệp, lượng người lưu trú nhiều hơn thường trú.
"Dân số có biên độ dao động nhất định. Cho nên từng nơi, từng địa bàn tùy thuộc vào nhân khẩu thực tế cư trú, chứ không chỉ lấy tiêu chí nhân khẩu thường trú để sắp xếp, bố trí nhân sự. Để làm sao, ban điều hành của trưởng khu phố, ấp đủ sức cùng với lực lượng công an đảm bảo an ninh trật tự", Thiếu tướng Trần Đức Tài phân tích.
Tránh phiền hà cho người dân, doanh nghiệp
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, mô hình ấp, khu phố, tổ dân phố được xây dựng và tồn tại từ những ngày đầu thành lập chính quyền thành phố. Trong suốt quá trình này, các tổ chức dưới phường, xã có nhiều đóng góp thiết thực và thực sự là “cánh tay nối dài” trong mở rộng dân chủ cơ sở, phát huy trí tuệ, sự đóng góp của nhân dân trong phát triển kinh tế-xã hội.
Đánh giá việc thực hiện chủ trương sắp xếp lại tổ dân phố, khu phố trên địa bàn, ông Phan Văn Mãi khẳng định, các địa phương đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng khi tiến hành khảo sát, thống kê, dự kiến các phương án, kế hoạch tổ chức thăm dò, lấy ý kiến nhân dân… Nhưng trong triển khai, các địa phương cần linh hoạt xử lý vấn đề phát sinh, căn cứ vào thực tiễn để bố trí, sắp xếp lực lượng cán bộ, đoàn thể cho phù hợp.
Hạn chế một cách tối đa sự xáo trộn đời sống và gây phiền hà người dân và doanh nghiệp, Chủ tịch TP.HCM yêu cầu các ngành chức năng phải có giải pháp ứng dụng chuyển đổi số trong chuyển đổi giấy tờ một cách nhanh nhất, chính xác nhất.
Theo lộ trình, đến đầu Quý 1 năm 2024, TP.HCM sẽ hoàn thành việc sắp xếp lại trên toàn địa bàn. Để làm được điều này, ông Phan Văn Mãi yêu cầu ngoài sự phối hợp của các cơ quan liên quan, chủ tịch các địa phương phải trực tiếp chỉ đạo, điều hành.
"Chúng tôi đề nghị Chủ tịch thành phố Thủ Đức, các quận huyện, chủ tịch các phường xã, thị trấn phải trực tiếp chỉ đạo công tác này và báo cáo thường xuyên với Thường trực, Thường vụ cấp ủy. Các đồng chí có thể phân công Phó Chủ tịch nhưng chúng ta phải sát sao công việc", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Đối với các vấn đề như trụ sở của khu phố, tổ dân phố, việc sắp xếp cán bộ, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, cần sắp xếp phù hợp với hoàn cảnh của từng địa bàn trên nguyên tắc chung là không làm phát sinh biên chế, quỹ tiền lương, tài sản công. Sắp xếp lại cán bộ cần có hình thức ghi nhận, động viên những người đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có nhiều đóng góp.