Cán bộ, đảng viên "đi trước" bảo vệ dân và ứng phó với bão lũ, thiên tai

VOV.VN - Thiên tai, dịch bệnh là điều không ai mong muốn nhưng khi nó xáy ra với những tình huống khó lường cũng là lúc thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám xông pha, đương đầu với thử thách của cán bộ, đảng viên.

Trận bão lũ lịch sử vừa quét qua các tỉnh miền Bắc, để lại những mất mát, đau thương vô cùng lớn đối với người dân, cả về tài sản và sinh mạng. Không giấy bút nào có thể tả hết những nỗi đau mà người dân đã phải gánh chịu trong suốt hơn 1 tuần qua. Nhưng có lẽ, ám ảnh nhất vẫn là những trận lũ quét kinh hoàng, cuốn đi bao nhiêu nóc nhà, bao nhiêu số phận, san phẳng các thôn làng trù phú. Chính trong hoàn cảnh khắc nghiệt của thiên tai, đã xuất hiện những tấm gương đảng viên hết lòng hết sức vì tính mạng và tài sản của đồng bào mình. Và cũng thật đáng tiếc, có những đảng viên trong vai trò lãnh đạo đã không làm hết phận sự của mình.

Khi bão lũ đã tạm lắng xuống, hình ảnh 2 trưởng thôn ở Lào Cai được nhiều người nhắc đến với sự cảm kích tự đáy lòng. Đó là trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, anh Ma Seo Chứ. Khi thiên tai ập xuống, đoán trước những hiểm nguy có thể xảy ra với cộng đồng, Ma Seo Chứ đã vận động 17 hộ dân với 115 nhân khẩu chủ động di chuyển lên một quả núi để dựng lán trại trú ngụ tạm thời, cách làng 500 mét. Mưa lớn, các tuyến đường vào Kho Vàng bị sạt lở nhiều đoạn, mất mạng internet, viễn thông nên chính quyền địa phương mất liên lạc hoàn toàn với Kho Vàng. Đến trưa 11/9, các lực lượng phát hiện ra vị trí lán tạm, khẩn trương tiếp tế lương thực cho bà con. 

Ở một địa bàn khác của tỉnh Lào Cai là thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, sau trận lũ quét kinh hoàng xảy ra ngày 6/9 khiến 37 ngôi nhà bị xóa sổ, 66 người chết và mất tích, trưởng thôn Hoàng Văn Diệp đã nén đau thương, tất tả từ sáng sớm đến đêm khuya xuôi ngược trong khu vực sạt lở gần 24 ha. Rà soát từng người dân trong thôn, lo hậu sự cho những người xấu số; chủ động, tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng, chỉ dẫn, hỗ trợ tìm kiếm người dân mất tích…, đó là tấm gương của người đảng viên, trưởng thôn Hoàng Văn Diệp.  

Tận tụy với dân, hết lòng hết sức vì tính mạng của đồng bào, lãnh đạo tỉnh Lào Cai thống nhất trình Thủ tướng tặng bằng khen cho 2 trưởng thôn Hoàng Văn Diệp và Ma Seo Chứ vì có thành tích trong tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả bão lũ.

Cũng chính tại tỉnh Lào Cai, nơi thiệt hại nặng nề trong  trận bão lũ lịch sử vừa qua, trong tình huống “nước sôi, lửa bỏng”, lại có những cán bộ chưa thật sự làm tròn bổn phận của mình, bị đình chỉ công tác. Đó là ông Lý A Khoa, 42 tuổi, Chủ tịch xã Pa Cheo và ông Má A Chúng, 34 tuổi, Chủ tịch xã Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát.

Cụ thể, do mưa bão, đường sạt, 2 chủ tịch xã không tìm cách đến UBND xã để chỉ đạo khắc phục hậu quả, trong khi đó vẫn có hàng trăm, hàng nghìn cán bộ đang ngày đêm phòng chống bão, trực tiếp cứu hộ, cứu nạn. Quyết định tạm đình chỉ công tác của UBND huyện Bát Xát được căn cứ theo Quy định 148 QĐ/TW ngày 23/5/2024: “Cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao”.

Trước đó, trong các văn bản chỉ đạo, địa phương này yêu cầu UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp xã tập trung cao độ triển khai hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với hoàn lưu bão số 3; thực hiện nghiêm túc trực ban 24/24h; đảm bảo 100% quân số ứng phó khi có thiên tai xảy ra…Tuy nhiên, từ ngày 8-12/9, ông Lý A Khoa và ông Má A Chúng không có mặt tại trụ sở UBND xã để thực hiện công tác trực ứng phó hoàn lưu bão số 3 theo chỉ đạo của huyện.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong, có thể nói trong suốt 100 năm nay, tỉnh chưa từng phải hứng chịu những hậu quả nặng nề, khủng khiếp như những ngày vừa qua. Còn Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường với đôi mắt đỏ hoe, giọng nghẹn ngào khi có mặt ở thôn Làng Nủ đã thể hiện nỗi đau của người lãnh đạo trước sự tàn phá khốc liệt của thiên nhiên.

Thiên tai, dịch bệnh là điều không ai mong muốn nhưng khi nó xáy ra với những tình huống khó lường cũng là lúc thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám xông pha, đương đầu với thử thách của cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ cơ sở- những người hiểu địa bàn, hiểu dân nhất. Cũng giống như khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương trong cả nước, trước tính mạng của dân, đã xuất hiện nhiều cán bộ, đảng viên với những cách làm hay mang tính đột phá, vừa đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, vừa đáp ứng yêu cầu khôi phục sản xuất kinh doanh.

Nếu như trước đây, Đảng ta đòi hỏi người cán bộ, nhất là những người lãnh đạo phải 3 dám là “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” thì Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung thêm 3 yêu cầu đối với đội ngũ này, trong đó có yêu cầu “dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: Cán bộ dù ở vị trí nào cũng phải luôn luôn có ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình, làm "đúng vai, thuộc bài", thật sự có chất lượng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Thiên tai, dịch bệnh chính là “phép thử” đối với cán bộ lãnh đạo dù ở cấp nào. Nếu anh không hoàn thành nhiệm vụ, không có mặt vào những lúc dân cần thì việc đình chỉ công tác hay cho thôi nhiệm vụ, cũng là việc rất đáng phải làm.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bảo đảm an toàn và phục hồi hoạt động công trình thủy lợi sau mưa, lũ
Bảo đảm an toàn và phục hồi hoạt động công trình thủy lợi sau mưa, lũ

VOV.VN - Cục trưởng Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Công văn đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An; Chủ tịch, Giám đốc các công ty khai thác công trình thủy lợi trong khu vực tăng cường đảm bảo an toàn và phục hồi hoạt động công trình thủy lợi sau mưa, lũ do ảnh của bão số 3.

Bảo đảm an toàn và phục hồi hoạt động công trình thủy lợi sau mưa, lũ

Bảo đảm an toàn và phục hồi hoạt động công trình thủy lợi sau mưa, lũ

VOV.VN - Cục trưởng Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Công văn đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An; Chủ tịch, Giám đốc các công ty khai thác công trình thủy lợi trong khu vực tăng cường đảm bảo an toàn và phục hồi hoạt động công trình thủy lợi sau mưa, lũ do ảnh của bão số 3.

Trưởng thôn Làng Nủ hết lòng vì dân
Trưởng thôn Làng Nủ hết lòng vì dân

VOV.VN - Rà soát lại từng người dân trong thôn xem ai còn, ai mất; chỉ dẫn, hỗ trợ các lực lượng chức năng tìm kiếm người dân đang nằm sâu dưới lớp bùn đất; lo hậu sự cho những người xấu số được tìm thấy... Những việc làm từ khi trận lũ quét lịch sử xảy ra đến nay của đảng viên Hoàng Văn Diệp, Trưởng thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai khiến ai cũng cảm kích.

Trưởng thôn Làng Nủ hết lòng vì dân

Trưởng thôn Làng Nủ hết lòng vì dân

VOV.VN - Rà soát lại từng người dân trong thôn xem ai còn, ai mất; chỉ dẫn, hỗ trợ các lực lượng chức năng tìm kiếm người dân đang nằm sâu dưới lớp bùn đất; lo hậu sự cho những người xấu số được tìm thấy... Những việc làm từ khi trận lũ quét lịch sử xảy ra đến nay của đảng viên Hoàng Văn Diệp, Trưởng thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai khiến ai cũng cảm kích.

Bài học, kinh nghiệm quý trong ứng phó với thảm họa lũ quét, sạt lở đất
Bài học, kinh nghiệm quý trong ứng phó với thảm họa lũ quét, sạt lở đất

VOV.VN - Nhờ chủ động, cảnh giác và kinh nghiệm của người bản địa trong phòng, chống sạt lở đất, 17 hộ dân trong khu vực sạt lở ở thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã thoát nạn khi chủ động di chuyển đến nơi an toàn. Chuyện ở Kho Vàng là bài học, kinh nghiệm, kiến thức bản địa quý báu trong ứng phó với thảm họa lũ quét, sạt lở đất ở vùng cao.

Bài học, kinh nghiệm quý trong ứng phó với thảm họa lũ quét, sạt lở đất

Bài học, kinh nghiệm quý trong ứng phó với thảm họa lũ quét, sạt lở đất

VOV.VN - Nhờ chủ động, cảnh giác và kinh nghiệm của người bản địa trong phòng, chống sạt lở đất, 17 hộ dân trong khu vực sạt lở ở thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã thoát nạn khi chủ động di chuyển đến nơi an toàn. Chuyện ở Kho Vàng là bài học, kinh nghiệm, kiến thức bản địa quý báu trong ứng phó với thảm họa lũ quét, sạt lở đất ở vùng cao.