Cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh Gia Lai đi từng buồng giam để tuyên truyền bầu cử
VOV.VN - Đây là lần thứ hai, việc bầu cử diễn ra tại trại tạm giam, tạm giữ nhằm bảo đảm quyền cho những đối tượng này.
Hơn 1 tháng nữa, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ diễn ra. Tại thời điểm này, công tác chuẩn bị được tiến hành khẩn trương trên toàn quốc. Trong đó, tại các trại tạm giam, tạm giữ, công tác chuẩn bị có những đặc thù riêng nhằm đảm bảo quyền cho những cử tri “đặc biệt”. Đây là lần thứ 2, những người tạm giam, tạm giữ thực hiện quyền bầu cử theo Luật bầu cử Quốc hội và HĐND các các cấp năm 2015. Ghi nhận của phóng viên VOV tại Trại tạm giam Công an tỉnh Gia Lai, cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 7 km về phía nam.
Trại tạm giam công an tỉnh Gia Lai rộng 40 ha, hiện đang quản lý 448 người, trong đó có 404 người tạm giam và 44 phạm nhân đã có án nhằm phục vụ những người tạm giam, tạm giữ (khoảng 15% theo quy định).
Bầu cử ở trại tạm giam có những khó khăn riêng vì theo quy định, những người chưa có án phải ở tại buồng giam để tránh thông cung và việc tuyên truyền sẽ do các cán bộ quản giáo phụ trách, diễn ra tại từng buồng giam. Có buồng giam chỉ vài người, có buồng giam vài chục người.
Trung tá Chu Ngọc Điến, Phó đội trưởng phụ trách đội quản giáo của trại cho biết: "Sau khi nhận được kế hoạch bầu cử của Công an tỉnh, các cán bộ quản giáo đã trực tiếp xuống từng buồng giam để phổ biến cho người tạm giữ, tạm giam biết quyền được bầu cử của họ. Qua tuyên truyền nhiều lần thì thấy rằng, người bị tạm giam tạm giữ cơ bản nắm được quyền của mình và thể hiện thái độ hợp tác, chấp hành. Dù việc tuyên truyền gặp khó khăn nhưng chúng tôi vẫn cố gắng khắc phục”.
Để triển khai công tác bầu cử, Công an tỉnh Gia Lai đã có kế hoạch 1449 hướng dẫn về các đối tượng tham gia bầu cử tại khu vực bỏ phiếu công an tỉnh. Tính đến ngày 7/4, qua rà soát, Trại tạm giam Công an tỉnh Gia Lai có 351 người có đủ điều kiện đi bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. 24h trước khi cuộc bầu cử diễn ra, trại sẽ rà soát lại toàn bộ số lượng cử tri. Nếu ai có quyết định thi hành án hoặc quyết định của tòa án không còn đủ điều kiện bầu cử thì sẽ đưa ra khỏi danh sách, đồng thời bổ sung những người mới vào trại. Sau đó sẽ lập danh sách cuối cùng để những người đủ điều kiện đi bầu cử.
Thượng tá Trần Văn Thanh, Giám thị trại tạm giam Công an tỉnh Gia Lai cho biết: Cuộc bầu cử trước, cũng có đối tượng bày tỏ thái độ thiếu hợp tác và cho biết sẽ không đi bầu cử. Đây là người thường xuyên đi khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, qua công tác tuyên truyền, người này cuối cùng đã đi bầu cử và công việc bầu cử kết thúc vào lúc 10h sáng. Theo đó, cùng với hòm phiếu chính đặt tại trụ sở công an tỉnh là hòm phiếu phụ được đưa đến trại tạm giam, di chuyển qua từng buồng giam để cử tri bầu cử. Sau đó, phiếu sẽ được tập hợp lại và bàn giao cho Ban bầu cử phường Diên Hồng, thành phố Pleiku để tiến hành kiểm phiếu.
Theo khoản 5, điều 29 Luật bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp năm 2015, cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Gia Lai, Thượng tá Trần Văn Thanh đánh giá: “Trong nhiều quyền mà người tạm giam, tạm giữ được hưởng thì tôi cho rằng, quyền bầu cử là quyền lớn nhất. Đây chính là những bằng chứng sinh động nhằm đảm bảo quyền con người và nó thể hiện bản chất nhân đạo của Đảng, Nhà nước cũng như pháp luật Việt Nam”. Thượng tá Trần Văn Thanh đã có gắn 37 năm công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh.
"Hàng ngày, những người tạm giam, tạm giữ được dẫn giải đến các phiên tòa. Những năm gần đây, những người tạm giam sau khi xét xử đều có án, hầu như không có án oan. Có người ở lại trại tạm giam hơn 5 năm vì vụ án có thời gian điều tra rất dài"- Thượng tá Thanh cho biết.
Hiện trên toàn quốc, 63 địa phương đều có trại tạm giam, riêng TP Hồ Chí Minh và Hà Nội có 2 trại tạm giam, hơn 700 đơn vị cấp huyện có nhà tạm giữ. Ngoài ra, cũng có những trại tạm giam, tạm giữ mang tính đặc thù./.