Cần có “nhạc trưởng” cho vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu trả lời trực tiếp các chất vấn của 10 vị đại biểu Quốc hội tập trung vào các vấn đề: Nguồn nhân lực cán bộ y tế; Quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm; Tình trạng quá tải bệnh nhân trong các bệnh viện…

65 phút còn lại của buổi chiều nay (12/11) được dành trọn vẹn cho Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Tại kỳ họp này, có 13 chất vấn bằng văn bản được gửi đến Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu và ngành y tế. Trước khi diễn ra phiên chất vấn, phần trả lời của Bộ trưởng và ngành Y tế đã được gửi đến các đại biểu Quốc hội.

Cũng như các thành viên Chính phủ lên trả lời chất vấn trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đã có một báo cáo ngắn gọn về việc thực hiện những lời hứa trước đại biểu Quốc hội tại kỳ họp trước trong 1 năm qua. Về vấn đề bảo hiểm y tế tự nguyện, trên tinh thần nhường thuận lợi về phía người dân, nếu có khó khăn về phía quản lý sẽ khắc phục. Theo đó, ngày 10/12/2007, Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Tài chính đã đi đến thống nhất và quyết định sửa quy định bắt buộc tất cả các thành viên trong hộ gia đình và 10% số hộ trong xã, phường hoặc 10% số học sinh trong nhà trường cùng mua bảo hiểm thì mới bán trong Thông tư số 06 liên Bộ Y tế-Tài chính. Quy định này, nhiều ý kiến cử tri cho là đã gây khó khăn cho người dân, thuận lợi nghiêng về cơ quan quản lý. Về nhóm vấn đề liên quan đến công tác đào tạo nguồn nhân lực trong ngành y tế, trong 1 năm qua, Bộ Y tế đã tham mưu cho Thủ tướng ký quyết định cử tuyển cho con em người dân tộc thiểu số và vùng sâu, xa có đầy đủ điều kiện bắt buộc, có nguyện vọng theo học ngành y sẽ được miễn không phải thi để tham dự vào chương trình đào tạo 11.600 bác sĩ và cán bộ y tế từ nay đến 2018. Đây được xem là bước ngoặt trong 10 năm tới cho công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành y tế. Bên cạnh đó, là những quyết định về đào tạo theo yêu cầu địa chỉ, đào tạo liên thông, đào tạo liên tục và đặc biệt là Đề án 1618 cử cán bộ có tay nghề của 60 bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện loại 1 luân phiên về nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa để giúp đào tạo cho cán bộ y tế tuyến dưới đồng thời nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở những khu vực này.

11 lượt ý kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế tại hội trường tập trung vào 2 nhóm vấn đề chính: tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải y tế, thực trạng vấn đề quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm và giải pháp cùng nhiều vấn đề mang tính thời sự diễn ra thời gian qua như quy định về tiêu chuẩn sức khoẻ để cấp bằng lái xe…

Chưa thoả mãn với phần trả lời bằng văn bản của Bộ trưởng Y tế về trách nhiệm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Y tế trên Hội trường. Đại biểu bức xúc, đối với vấn đề này, mặc dù là trách nhiệm của nhiều Bộ, ngành nhưng vẫn cần phải có một “nhạc trưởng”, phải quy trách nhiệm rõ ràng để khi vấn đề liên quan sức khoẻ con người phát sinh, phải có người để chịu trách nhiệm. Đại biểu cũng nhấn mạnh, trách nhiệm đó trước hết phải thuộc về Bộ Y tế. Cuộc trao đổi giữa đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai và Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu được xem là sôi nổi nhất, sinh động nhất trong phiên chất vấn chiều này.

Trả lời thẳng vào bức xúc của đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu cũng đồng tình với ý kiến của đại biểu cho rằng vị “nhạc trưởng” ấy là Bộ Y tế. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng trong lĩnh vực quản lý Nhà nước, có những vấn đề buộc phải quản lý theo kiểu đa ngành. Pháp lệnh về vệ sinh an toàn thực phẩm, ngoài Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn và Bộ Công thương cũng quy định UBND các cấp trong phạm vi quyền hạn của mình thực hiện quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa phương. Bộ trưởng cho rằng “do đó phải có sự phối kết hợp, còn nếu đại biểu phê bình là sự phối hợp đó chưa chặt chẽ thì chúng tôi sẽ suy nghĩ làm sao để sự phối hợp được chặt chẽ hơn, tốt hơn, chứ nói của riêng một ngành nào thì khó quá”.

Liên tục nêu câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Y tế về vấn đề hoa quả ngoại nhập có các hoá chất bảo quản độc hại, nhưng phải tới lần thứ ba “nhắc nhở” Bộ trưởng lưu ý câu hỏi của mình, đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai được Bộ trưởng Y tế hứa sẽ trả lời riêng bằng văn bản.

Đại biểu Trịnh Thị Nga (đoàn Phú Yên) cũng không thoả mãn với phần trả lời bằng văn bản của Bộ trưởng Y tế cho rằng vấn đề chất thải y tế không thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Y tế mà thuộc về chính quyền địa phương, và chất vấn lại trên Hội trường, đề nghị Bộ trưởng giải thích rõ.

Bộ trưởng Y tế giải thích: “Ý tôi là nếu nói rạch ròi riêng về ai cũng khó, Bộ Y tế quản lý Nhà nước ban hành quy định hoặc tham mưu cho Chính phủ, thay cho Thủ tướng ban hành những quy phạm pháp quy, quy phạm pháp luật và kiểm tra; còn về tổ chức thực hiện thì hiện nay Bộ Y tế quản lý có 35 bệnh viện, còn lại 1.016 bệnh viện thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố. Cách thiết chế chính trị của nước ta lại phải qua tỉnh vì tỉnh quyết định biên chế, quyết định bổ nhiệm Giám đốc bệnh viện, quyết định bổ nhiệm Giám đốc sở, quyết định kinh phí chi tiêu theo Luật Ngân sách, Bộ trưởng không giao việc cụ thể, nhưng Bộ trưởng vẫn có trách nhiệm, nhưng trách nhiệm chính vẫn phải qua Ủy ban nhân dân tỉnh địa phương. Nói Bộ trưởng không có trách nhiệm không đúng nhưng địa phương cũng phải có trách nhiệm theo luật pháp hiện hành”.

Trong 11 lượt ý kiến của đại biểu Quốc hội, phần lớn tập trung vào vấn đề an toàn thực phẩm, đây là những vấn đề sát sườn, được nhân dân đặc biệt quan tâm bởi những ảnh hưởng của nó không chỉ trực tiếp tới đời sống, sức khoẻ, đe doạ tính mạng nhân dân mà còn có nguy cơ để lại hậu quả cho những thế hệ sau này. Phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với những chất vấn về nội dung này rất ngắn gọn, sinh động, đi vào vấn đề, đặc biệt có sự trao đổi hai chiều giữa đại biểu và Bộ trưởng. Tuy nhiên, trong quá trình chất vấn nổi lên nhiều vấn đề liên quan đến công tác chống dịch, đó là công tác dập dịch thì tốt nhưng phòng dịch còn quá kém. Nhiều đại biểu nhấn mạnh “có thể vấn đề này chưa được quan tâm nhiều trong thời gian qua hoặc có quan tâm nhưng chưa đạt hiệu quả”.

Cũng trong chiều nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã phát biểu làm rõ thêm chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội tập trung vào vấn đề chất lượng sản phẩm, hàng hoá đưa vào lưu thông trên thị trường.

Đến hết buổi chiều nay, 7 vị Bộ trưởng và trưởng ngành đã hoàn thành phần trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Sáng mai (13/11), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng - thành viên Chính phủ cuối cùng sẽ trình bày rõ hơn về các vấn đề kinh tế-xã hội và tiếp tục trả lời chấn vấn của đại biểu Quốc hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên