Cần sớm đề xuất điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành Luật Cư trú
VOV.VN - Chính phủ cần sớm đề xuất phương án điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật Cư trú (sửa đổi) cho phù hợp trước khi Quốc hội thông qua.
Chiều 4/9, tại Nhà Quốc hội diễn ra Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi). Các ý kiến tại Hội nghị nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc không quy định điều kiện đăng ký thường trú áp dụng riêng đối với thành phố trực thuộc trung ương như Luật hiện hành. Bởi nếu việc đặt ra các điều kiện riêng này sẽ làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân; tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú.
Một số đại biểu Quốc hội còn băn khoăn với quy định về xóa đăng ký thường trú, đề nghị cần xem xét thận trọng các trường hợp xóa đăng ký thường trú bởi có thể sẽ tác động bất lợi đến người dân khi thực hiện các quyền và thủ tục hành chính có yêu cầu thông tin cá nhân, thông tin về nơi thường trú. Các đại biểu cũng đề nghị bảo đảm điều kiện kỹ thuật cho kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú với các Bộ, ngành, địa phương khi luật được biểu quyết thông qua.
Giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm, Thứ trưởng Bộ công an Nguyễn Duy Ngọc khẳng định sẽ cố gắng hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú trước khi Luật Cư trú được quốc hội thông qua: “Chúng tôi đã có kế hoạch với dự án cấp và sản xuất căn cước công dân, triển khai từ ngày 3/9. Định thời gian dù dự án chậm hơn dữ liệu dân cư 6 tháng nhưng các bước tiếp theo chúng tôi sắp xếp đồng bộ với dữ liệu dân cư và có sự chia sẻ 2 dữ liệu với nhau để đảm bảo tiếp nhận thông tin của nhau. Đảm bảo việc thực hiện 2 dự án, tiến tới thành 1 Trung tâm dữ liệu Quốc gia về dân cư, đảm bảo theo đề xuất ngày 1/7/2021 nếu Quốc hội thông qua”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, do cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú vẫn đang trong giai đoạn xây dựng, cập nhật dữ liệu và hoàn thiện trước khi có thể vận hành một cách xuôn xẻ trên thực tế, nên trong quá trình này, nếu phát sinh các vấn đề mới có thể dẫn đến việc không thể kịp hoàn thành theo thời gian nói trên, thì Chính phủ cần sớm đề xuất phương án điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật cho phù hợp trước khi Quốc hội thông qua dự án Luật này.
“Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, tập trung nguồn lực để đảm bảo các điều kiện thi hành Luật ngày 1/7/2021 như hoàn thiện cấp số định danh cá nhân, xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu liên quan. Đầu tư nâng cấp hạ tầng kết nối giữa các cơ quan trung ương, giữa trung ương với địa phương, đầu tư máy móc thiết bị, chuẩn bị đào tạo tập huấn nguồn nhân lực. Trường hợp không thể hoàn thành thời gian nói trên thì đề nghị Chính phủ đề xuất phương án điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật để báo cáo Quốc hội trước khi thông qua Luật”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.
Cũng tại Hội nghị, nhiều ý kiến vẫn còn khác nhau về đăng ký tạm trú. Các đại biểu cho rằng: người đăng ký tạm trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản, nhưng có bổ sung ngoại lệ đối với người đăng ký tạm trú có quan hệ nhân thân.
Ý kiến khác cho rằng, khi đồng ý cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ thì chủ sở hữu đã chấp nhận cho người thuê, mượn, ở nhờ được sinh sống thường xuyên ở chỗ ở đó. Do đó, người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ không thể từ chối hay cản trở người đang thực tế cư trú thực hiện việc đăng ký tạm trú với cơ quan nhà nước nhằm bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của mình và trật tự quản lý nhà nước về cư trú.
Quy định như vậy cũng nhằm nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có nhà ở cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, góp phần hạn chế tình trạng cho người lao động ngoại tỉnh thuê, ở nhờ nhà tràn lan mà không khai báo dẫn đến khó kiểm soát như hiện nay./.