Cần sớm sửa Luật Hoạt động chữ thập đỏ để xử lý nghiêm những hành vi vụ lợi
VOV.VN - Theo ĐBQH, qua hơn 15 năm thực hiện, Luật Hoạt động chữ thập đỏ đã phát sinh một số hạn chế, bất cập như một số quy định còn chung chung, chưa quy định cụ thể rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động chữ thập đỏ, chưa có quy định về chế tài xử lý vi phạm biểu tượng chữ thập đỏ sai mục đích...
Sáng 30/5, tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kiến nghị bổ sung thêm nhiều nội dung quan trọng vào dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Những nội dung luật liên quan đến y tế và sức khỏe còn quá ít
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) bày tỏ sự nhất trí cao về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh điều chỉnh năm 2024 và kế hoạch năm 2025. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, những nội dung luật liên quan đến y tế và sức khỏe còn quá ít.
“Cụ thể, Luật Dược sẽ được thông qua ở kỳ họp thứ 8 và Luật Chuyển đổi giới tính thì cho ý kiến, còn kỳ họp thứ 9 của năm 2025 thông qua Luật Chuyển đổi giới tính. Ngoài ra, không có một nội dung nào khác, không biết tôi đọc có bị sót không. Tôi đọc đi đọc lại thì thấy không có, giữa lúc đấy thì những vấn đề về y tế, sức khỏe thì hết sức quan trọng”, đại biểu Nguyễn Anh Trí chia sẻ.
Trên phân tích đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị, về vấn đề sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012 để bổ sung nội dung về thuốc lá mới: “Tôi gọi là thuốc lá mới bao gồm cả thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và tất cả các loại khác”.
Đại biểu đoàn Hà Nội cũng cho biết, Bộ Y tế đang chuẩn bị bộ tài liệu, hồ sơ để trình Chính phủ xin được sớm có một nghị quyết trước lúc chờ Quốc hội sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đại biểu cho biết, ông đã đọc bộ hồ sơ này và thấy rất chu đáo, rất đầy đủ.
“Cho nên, một lần nữa tôi tha thiết đề nghị Quốc hội sớm sửa Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá theo quy trình rút gọn ở một kỳ họp mà cụ thể là kỳ họp thứ 8 để đưa ngay nội dung phòng, chống tác hại thuốc làm mới vào luật này”, ông Trí kiến nghị.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số già hóa nhanh chóng nên đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế tích cực chuẩn bị và đề nghị Quốc hội sắp xếp chương trình cho việc xây dựng Luật Dân số càng sớm càng tốt. Cùng với đó, đại biểu cũng kiến nghị Quốc hội đôn đốc Chính phủ và sắp xếp chương trình để sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế năm 2028 để làm cho bảo hiểm y tế đóng góp tốt hơn, thuận tiện hơn, hiệu quả hơn cho việc khám, chữa bệnh của người có bảo hiểm y tế.
Đánh giá hoạt động ghép tạng ở Việt Nam đang rất khởi sắc, bao gồm ghép thận, gan, ghép tụy, tế bào gốc, ghép phổi, da, giác mạc. Tuy nhiên, với sự tiến bộ như vũ bão của y học, sự thay đổi nhiều của nhận thức, sự tăng cao của nhu cầu có mô tạng để ghép nên Luật Hiến ghép mô tạng năm 2006 đã rất cần được thay đổi. Vì vậy, đại biểu kiến nghị Quốc hội đưa vào chương trình những năm gần đây để sửa đổi luật này…
Cần sớm sửa Luật Hoạt động chữ thập đỏ để xử lý nghiêm những hành vi vụ lợi
Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn Đồng Tháp) nêu ý kiến, Luật Hoạt động chữ thập đỏ được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 3/6/2008, có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2009. Luật đã thể chế hóa chủ trương của Đảng về hoạt động nhân đạo, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, có tính khả thi, kịp thời và phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hoạt động nhân đạo…
Tuy nhiên, qua hơn 15 năm thực hiện, luật đã phát sinh một số hạn chế, bất cập như một số quy định còn chung chung, chưa quy định cụ thể rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động chữ thập đỏ, chưa có quy định về chế tài xử lý vi phạm biểu tượng chữ thập đỏ sai mục đích...
Bên cạnh đó, các trường hợp lợi dụng hoạt động chữ thập đỏ để vụ lợi chưa có quy định phù hợp để khắc phục thực trạng chồng chéo, trùng lặp trong vận động quyên góp tiền, hiện vật, nguồn lực khác vào trợ giúp hỗ trợ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; chưa có quy định để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thành lập các cơ sở phục vụ hoạt động chữ thập đỏ…
Trong bối cảnh đó và trước nhu cầu của tình hình mới, theo đại biểu, cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động chữ thập đỏ để khắc phục các hạn chế, bất cập nêu trên.
“Từ những nội dung nêu trên, tôi đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét đưa Luật Hoạt động chữ thập đỏ (sửa đổi) bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025 thay vì năm 2026 như đề nghị của Chính phủ. Cụ thể, đề nghị trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 tháng 5/2025 và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10 tháng 10/2025”, đại biểu Nguyễn Hải Anh kiến nghị.