Cắt điện, nước với công trình vi phạm: Cần áp dụng ở Thủ đô Hà Nội?
VOV.VN - Thảo luận hội trường về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), sáng 27/11, đại biểu Quốc hội vẫn có ý kiến khác nhau về biện pháp cắt điện, nước đối với công trình vi phạm mà đã bị xử phạt hành chính.
Về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội Thủ đô, dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 bổ sung 3 lĩnh vực mà Hà Nội được quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định, gồm phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng cáo.
Đáng chú ý là quy định biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính là ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, nhà ở, phòng cháy, chữa cháy đã bị lập biên bản vi phạm hành chính hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp quy định cụ thể tại dự thảo luật này.
Cắt điện, nước không phải là biện pháp nhân văn
Băn khoăn về nội dung trên, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho biết, quy định cắt, điện nước với tính chất là biện pháp cưỡng chế hành chính lần đầu tiên được quy định trong Nghị định số 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ qy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Tuy nhiên, năm 2020, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính không coi đây là biện pháp cưỡng chế dù nhiều cơ quan, bộ ngành đề xuất.
“Luật không thừa nhận là hợp lý, vì gây ảnh hưởng quyền cơ bản của công dân, cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của người không vi phạm hành chính” – ông Thạch Phước Bình lấy ví dụ cắt điện nước tại nhà chung cư, trong khi chủ thể vi phạm là chủ đầu tư, người dân lại có lợi ích liên quan.
Bên cạnh đó, theo đại biểu, cắt điện, nước không phải là biện pháp nhân văn vì rất dễ ảnh hưởng đến quyền cơ bản của con người. Ông đơn cử như theo quy định của pháp luật, cơ sở sản xuất kinh doanh phải đảm bảo các biện pháp an toàn vệ sinh lao động cho người lao động. Việc trang bị buồng tắm, buồng vệ sinh cho người lao động không thể nào thoát ly khỏi việc sử dụng điện, nước.
Do đó, vì lý do cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm môi trường mà cắt điện, cắt nước thì vô hình trung đẩy người lao động ra khỏi sự bảo đảm của các biện pháp duy trì an toàn vệ sinh lao động.
Vị đại biểu này cũng đặt vấn đề, nếu cho rằng cắt điện, nước thì cơ sở sản xuất kinh doanh phải đình chỉ luôn hoạt động thì tại sao không áp dụng trực tiếp hình thức xử phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn?
Ngoài ra, theo thiên hướng tìm hiếm lợi nhuận, nếu cắt điện, nước ở 1 nhà xưởng nhất định thì hoàn toàn chủ cơ sở có thể dồn người lao động vào khu nhà xưởng không bị cắt điện, khi đó lại nguy cơ ô nhiễm, phát sinh tình trạng câu điện lậu, trái phép, nguy cơ cháy nổ lại hiện hữu.
“Các quy định hiện hành không thiếu biện pháp xử lý hữu hiệu. Đình chỉ hoạt động có thời hạn là chính danh, hợp lý, có thể ngăn ngừa thì tại sao ưu tiên áp dụng biện pháp khác vốn dĩ không ó tính chính đáng? Việc áp dụng có vướng mắc như không có nhân lực thanh tra, kiểm tra... thì cần gia cố khâu tổ chức thi hành pháp luật chứ không phải vì thiếu công cụ pháp lý. Thừa nhận biện pháp cắt điện, nước, hay nói cách khác chúng ta đang sử dụng biện pháp phi trật tự để duy trì trật tự” – ông Thạch Phước Bình nói.
Không áp dụng cả nước, nhưng với Thủ đô thì cần?
Nêu ý kiến tranh luận, đại biểu Tô Văn Tám - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật lưu ý một số điểm liên quan cho thấy Hà Nội cần đến biện pháp cắt điện, nước.
Thứ nhất, biện pháp này chỉ áp dụng cho một số lĩnh vực chứ không phải tất cả. Thứ hai, cơ sở vi phạm đã bị lập biên bản và xử phạt hành chính rồi nhưng không khắc phục và vẫn tiếp tục thì mới bị áp dụng. Thứ ba, vị trí vai trò của Thủ đô là trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước, tập trung lượng rất lớn cư dân và khách du lịch nên yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, an ninh sức khỏe, tài sản, tính mạng con người đặt ra rất cao.
“Biện pháp trên áp dụng cho cả nước thì chưa phù hợp, vì thế khi sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng chưa được đồng thuận. Nhưng riêng với Hà Nội, xuất phát từ vị trí, vai trò, yêu cầu cao như thế, lại đang được xem xét các cơ chế đặc thù, khác với địa phương khác, nên việc quy định các biện pháp ngăn chặn trên địa bàn Thủ đô là phù hợp. Vấn đề là khi áp dụng biện pháp cắt điện, nước cần chú ý không làm ảnh hưởng cư dân xung quanh để đảm bảo quyền lợi cho họ” – ông Tô Văn Tám nêu quan điểm.
Thẩm tra nội dung này trước đó, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, một số ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ các trường hợp áp dụng biện pháp này và quy định trình tự, thủ tục áp dụng chặt chẽ để bảo đảm thực sự thích đáng và có tính khả thi, phát huy được hiệu quả khi thực hiện, tránh tùy tiện và lạm dụng trong áp dụng pháp luật.