“Chậm trễ công khai thì dân khổ nhưng lại màu mỡ cho tiêu cực”
VOV.VN - Đại biểu Quốc hội đánh giá cao Luật Dân chủ ở cơ sở cụ thể hóa phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng, song cần thể hiện cụ thể và khả thi hơn.
Nội dung này được nhiều ý kiến nhấn mạnh tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sáng 7/9.
Có nên mở rộng Ban Thanh tra nhân dân?
Đề cập Ban Thanh tra nhân dân, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Dự thảo Luật mở rộng việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở (không chỉ giới hạn ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước như hiện nay) nhằm bảo đảm sự bình đẳng và tạo cơ chế để nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện quyền kiểm tra, giám sát (kể cả người lao động ở các tổ chức có sử dụng lao động khu vực ngoài công lập).
Với vai trò, trách nhiệm của mình, Ban Thanh tra nhân dân có thể phát hiện từ sớm những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật để cảnh báo, đề xuất, kiến nghị với cơ quan, người có thẩm quyền, góp phần bảo vệ quyền dân chủ, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Thanh Tùng, có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chỉ nên quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại xã, phường, thị trấn; không tiếp tục thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước như hiện nay, bởi tại những loại hình này, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân khó phát huy hiệu quả thực chất, không bảo đảm tính độc lập trong thực hiện nhiệm vụ như tại xã, phường, thị trấn.
Dự thảo Luật đã quy định cụ thể tổ chức và hoạt động, nhiệm kỳ, tiêu chuẩn thành viên Ban Thanh tra nhân dân và việc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân phù hợp với từng loại hình cơ sở.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ thủ tục, thẩm quyền công nhận Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước về cơ cấu, tổ chức.
Thực tế hiện nay Ban Thanh tra nhân dân còn hoạt động mang tính hình thức, không đủ quyền hạn và năng lực để kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ, nhất là kiểm tra, giám sát đối với người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập hoặc chủ doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đồng tình nên có Ban Thanh tra nhân dân, nhất là ở xã, phường, thị trấn, song cần hình thức tổ chức, cơ chế hoạt động thực chất, hiệu quả hơn. Bởi thực tế nhiều nơi có bầu ra nhưng trên thực tế hoạt động không chất lượng, “nhiều khi nói thật không biết hoạt động gì”. Ông cũng đề nghị cụ thể tiêu chuẩn để tránh kéo bè phái, họ hàng.
Đề cập tính công khai, đại biểu nhấn mạnh, quan trọng nhất ở xã, phường liên quan đến đất đai như thu hồi, hỗ trợ, tái định cư... nên phải rõ ràng, cập nhật và kịp thời.
“Nếu chậm trễ thì nhân dân rất khổ, qua đi giám sát thấy rõ điều đó. Còn công khai không rõ ràng là môi trương rất tốt, màu mỡ để nhũng nhiễu, tiêu cực, tham ô, tham nhung phát triển” – ông Nguyễn Anh Trí nói.
Băn khoăn quyền hạn Ban giám sát đầu tư cộng đồng
Dự thảo Luật lần này bổ sung quy định về tổ chức, tiêu chuẩn thành viên, nhiệm vụ, quyền hạn, hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và trách nhiệm trong việc bảo đảm hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng để thể hiện đầy đủ các thiết chế tự quản đang hoạt động khá hiệu quả trong việc bảo đảm quyền kiểm tra của Nhân dân tại cơ sở, đặc biệt là tại xã, phường, thị trấn.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế) cho rằng, việc chỉ quy định mức tối thiểu số lượng thành viên của ban này mà không quy định số lượng thành viên tối đa có thể dẫn tới thành lập với số lượng nhiều hơn và chưa chắc đã hoạt động hiệu quả. Hơn nữa, hoạt động của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước do cấp xã bảo đảm. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh lại quy định này để đảm bảo tính chặt chẽ khi áp dụng vào thực tế.
Ngoài ra, dự thảo yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cung cấp các thông tin về quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, các quy hoạch khác liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai.
Dự thảo luật cũng quy định: yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trả lời về các vấn đề thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.
Theo đại biểu, việc giao quyền cho Ban giám sát đầu tư của cộng đồng như dự thảo là quá lớn, trong khi đây chỉ là một tổ chức phục vụ cho việc theo dõi, giám sát theo từng chương trình, dự án trên địa bàn cấp xã, thôn, tổ. Hơn nữa, năng lực chuyên môn không đủ, mà cũng không thể đáp ứng.
Đồng quan điểm, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, ban giám sát cộng đồng giám sát cả trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư – những dự án đầu tư rất lớn là khó khả thi.
“Nên chăng ban này chỉ giám sát đối với công trình thực hiện bằng nguồn vốn của cộng đồng dân cư hoặc nguồn vốn cấp trực tiếp cho xã, chứ cả dự án nghìn tỷ thì rất lớn” – ông Trịnh Xuân An bày tỏ, đồng thời đề nghị thu hẹp phạm vi chức năng, quyền hạn của ban này để hoạt động hiệu quả trên thực tế./.