Ngày xuân thăm rừng Đại tướng...

VOV.VN - Với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, Lủng Cháng hôm nay đã có đường bê tông, có điện lưới quốc gia, có nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Trong không khí rộn ràng sắc xuân, những cánh hoa đào, hoa mận khoe sắc trên khu rừng Đại tướng góp phần tô điểm thêm cho sự đổi thay nơi đây.

Thôn Lủng Cháng, xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp có thời gian dài hoạt động trong khoảng những năm từ 1943-1945. Một khu rừng nơi Đại tướng từng ở vẫn được người dân thân mật gọi với tên “Rừng Đại tướng”, như nhắc lại truyền thống lịch sử đầy tự hào của bản làng, gắn với năm tháng hoạt động cách mạng của Đại tướng cũng như đồng bào Dao Tiền nơi đây.

Vượt quãng đường bê tông chừng hơn 7 cây số từ trung tâm xã Hà Hiệu là đến thôn Lủng Cháng. Với người dân ở đây, những năm tháng hoạt động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Lủng Cháng là một câu chuyện lịch sử đầy tự hào.

Chúng tôi tới thăm gia đình Liệt sỹ Bàn Văn Hoan (sinh 1910) đảng viên dân tộc Dao đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn và là em kết nghĩa của Đại tướng. Những năm 1943-1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Lủng Cháng gây dựng phong trào cách mạng, ngôi nhà của ông Hoan trở thành nơi lui tới. Trong Hồi ký “Những chặng đường lịch sử” Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: “ …Khi qua vùng này, tôi vào ở lại nhà đồng chí Hoan, người Đảng viên đầu tiên của dân tộc Mán Tiền. Gia đình tiếp đón rất niềm nở. Để giữ bí mật cho cán bộ, vợ chồng đồng chí Hoan đã nhường phòng riêng cho chúng tôi. Theo tục lệ lâu đời, đồng bào Mán Tiền rất kiêng, không bao giờ để người lạ ở trong phòng riêng của vợ chồng….”

Khu rừng phía sau nhà với địa thế hiểm trở, nhiều ngách đá bí mật trở thành nơi Đại tướng náu mình khi giặc lùng sục. Đại tướng đã nhận mẹ ông Hoan là mẹ nuôi, ông Hoan và em ruột là Bàn Văn Cao là em kết nghĩa và làm lễ theo đúng phong tục của đồng bào. Như người con trong nhà, Đại tướng đã được gia đình ông Hoan và người dân trong bản che chở, nhiều lần thoát khỏi sự vây ráp của giặc. Có lần giặc ập vào bất ngờ, Đại tướng được mẹ ông Hoan giấu vào đống lúa nếp để trên gác mà thoát được.

Khi ông Bàn Văn Hoan bị địch bắt, dù chúng dùng đủ mọi hình thức tra tấn, nhiều lần ngất đi, sống lại nhưng vẫn  một lòng bảo vệ cách mạng. Có miếng cao hổ, ông cũng gửi vợ mang về cho bác Văn để bác có thêm sức khỏe mà công tác. Ngày 16/5/1944, chúng đã sát hại người đảng viên kiên trung tại Thị xã Bắc Kạn.

Bà Bàn Thị Chủ, con gái liệt sỹ Bàn Văn Hoan nói: “Tôi không được gặp bác Giáp, chỉ nghe kể thôi vì ngày trước bố của tôi hoạt động cách mạng cùng bác Giáp. Bác cũng giúp đỡ bà con ở đây nhiều lắm. Hoạt động cách mạng ở Lủng Tráng rồi bố của tôi đưa bác Giáp chạy giặc đi nơi khác. Chuyện xảy ra lâu lắm rồi, dù không được gặp đại tướng nhưng tôi luôn tự hào vì bác Giáp đã đến đây, hoạt động cách mạng cùng bà con nơi đây, đem lại hòa bình cho thôn bản”.

Ngôi nhà cũ của ông Bàn Văn Hoan bây giờ đã trở thành nương ngô và chỉ còn lại vết tích của nền nhà. Vùng núi đá đằng sau nhà ông Hoan - nơi đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nương náu được người dân gọi bằng cái tên mộc mạc “Rừng Đại Tướng”. Khu rừng được người dân Lủng Cháng chăm sóc, giữ gìn. Với bà con, khu rừng này mang ý nghĩa thiêng liêng và cũng là niềm tự hào của người Dao thôn Lủng Cháng. Xuân đến, từng đàn chim vẫn kéo về, hót líu lo trên những ngọn Sau Sau đang trổ lộc.

Thắp nén hương tại tấm bia di tích đặt ngay chân núi, ông Triệu Sành Chiêu – Bí thư Chi bộ Lủng Cháng không giấu nổi tự hào: "Tôi rất tự hào là người dân Lủng Cháng, có di tích lịch sử - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng làm việc. Với niềm tự hào đó, tôi cùng người dân nơi đây đã ra sức bảo vệ, tôn tạo, hàng tháng quét dọn vệ sinh, phát quang khu vực di tích để nơi này thêm sạch đẹp, đồng thời gìn giữ màu xanh cho khu rừng Đại tướng".

Đồng bào Dao thôn Lủng Cháng đã từng bước vươn lên thoát nghèo. Những mảnh đất lô nhô đá sỏi đã được cải tạo thành ruộng cấy lúa, thành nương trồng ngô. Bà con đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển hêm các loại cây như mận sớm, cây dược liệu dưới tán rừng; tập trung chăn nuôi gia súc theo hình thức vỗ béo để nâng cao hiệu quả kinh tế. Khi phong trào trồng rừng phát triển mạnh, người Dao Lủng Cháng đã nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ và trồng keo, mỡ vừa để làm xanh hơn khu rừng Đại tướng, vừa tăng thu nhập. Đặc biệt, những thanh niên Dao thôn Lủng Cháng còn tham gia thành lập Hợp tác xã du lịch, trồng nấm và sản xuất dược liệu.

Anh Triệu Kiềm Nần, một thanh niên ở thôn Lủng Cháng, xã Hà Hiệu cho biết: "Thế hệ trẻ đầy tự hào về Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày xưa về hoạt động cách mạng. Với niềm tự hào đó, thế hệ trẻ thanh niên chúng tôi nhiệt huyết làm kinh tế về mọi mặt, như trồng rừng, thành lập HTX, để giúp cho bản làng phát triển, cho mọi gia đình cuộc sống tốt đẹp hơn".

Với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, Lủng Cháng hôm nay đã có đường bê tông, có điện lưới quốc gia, có nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Trong không khí rộn ràng sắc xuân, những cánh hoa đào, hoa mận khoe sắc trên khu rừng Đại tướng góp phần tô điểm thêm cho sự đổi thay nơi đây. Với những người dân Lủng Cháng, hình ảnh và những câu chuyện về vị Đại tướng của lòng dân được lưu truyền bằng cả sự tự hào, bởi đó là một phần lịch sử mảnh đất này mà những thế hệ ông cha họ đã góp cả mồ hôi, xương máu xây đắp nên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên