“Chỉ vì lương thấp nên người lao động mới muốn làm thêm”
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho rằng, mức lương tối thiểu hiện tại còn thấp, chưa đảm bảo đời sống người lao động.
- Quốc hội ủng hộ quy định tăng thời gian nghỉ thai sản
- "Muốn khắc phục Vinashin, Vinalines phải nhìn thẳng vào sự thật"
- Tội phạm rửa tiền: Công an hay Ngân hàng phải lo?
PV: Ở góc độ công đoàn, ông suy nghĩ như thế nào về mức lương tối thiểu hiện nay?
Ông Đặng Ngọc Tùng: Theo quy định của Bộ luật hiện hành, lương tối thiểu trả cho người lao động bình thường công tác trong điều kiện bình thường và bảo đảm nhu cầu tối thiểu cho người lao động. Đặc biệt, việc thành lập Hội đồng Tiền lương Quốc gia, căn cứ vào tình hình vật giá mà Hội đồng khuyến nghị Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu.
Tôi nghĩ với cơ chế này, Hội đồng Tiền lương Quốc gia hoạt động sẽ có hiệu quả và góp phần giúp Chính phủ đưa ra mức lương tối thiểu phù hợp hơn với thực tế.
Ông Đặng Ngọc Tùng trả lời báo chí bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 13 |
Hiện tại mức lương tối thiểu mà Chính phủ quy định, ở khu vực doanh nghiệp, chưa bảo đảm được mức sống tối thiểu của người lao động (chỉ đạt khoảng 60%). Điều đó là không phù hợp, cho nên chúng tôi kỳ vọng Bộ Luật Lao động sửa đổi lần này, mức lương tối thiểu phù hợp hơn.
PV: Vậy theo ông mức lương tối thiểu phải như thế nào để đảm bảo cuộc sống của người lao động?
Ông Đặng Ngọc Tùng: Mức sống tối thiểu mỗi người quan niệm khác nhau, nên ai xác định mức sống tối thiểu này rất là quan trọng. Kỳ này, Hội đồng Tiền lương Quốc gia có đại diện của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổ chức Công đoàn và đại diện của người sử dụng lao động sẽ bàn bạc, tính toán và khuyến nghị.
Ngoài ra, tôi nghĩ với cơ chế này, muốn đưa ra được khuyến nghị phù hợp phải dựa vào các nhà khoa học, các tổ chức, viện trong việc tham vấn.
PV: Vai trò của Công đoàn như thế nào trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia trong việc khuyến nghị nâng mức lương tối thiểu cho phù hợp với thực tế, thưa ông?
Ông Đặng Ngọc Tùng: Vai trò của Công đoàn rất quan trọng, phải có khảo sát cụ thể, đưa ra ý kiến có căn cứ vững chắc để xác định lương tối thiểu cho đúng. Vừa rồi, tổ chức công đoàn đã giao cho các ban chính sách nghiên cứu và đưa ra mức lương tối thiểu.
Tuy nhiên, chúng tôi sợ rằng, ý kiến của mình chưa được sự đồng tình của các nơi khác và hy vọng qua kỳ này, ý kiến của tổ chức công đoàn sẽ được tôn trọng hơn và nhận được nhiều ý kiến đồng tình.
PV: Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi có quy định về mức lương tối thiểu trả theo giờ, tuần, tháng. Ý kiến của ông như thế nào?
Ông Đặng Ngọc Tùng: Tôi nghĩ điều này là hợp lý.
PV: Ông vẫn bảo lưu ý kiến không tăng thời giờ làm thêm?
Ông Đặng Ngọc Tùng: Không những không nhất trí tăng mà tổ chức công đoàn còn muốn giảm giờ làm thêm. Cán bộ công chức bây giờ làm việc một tuần có 40 giờ, người lao động làm việc tới 48 giờ. Có lẽ đã đến lúc phải bình đẳng trong vấn đề thời giờ làm việc.
PV: Nhưng có ý kiến cho rằng đề xuất tăng giờ làm thêm cũng xuất phát từ nguyện vọng của một bộ phận người lao động?
Ông Đặng Ngọc Tùng: Không, điều đó là ngụy biện, là đề xuất của người sử dụng lao động. Họ không muốn tuyển thêm lao động và không muốn đóng bảo hiểm xã hội nhiều cho người lao động.
Không có chuyện người lao động muốn làm thêm giờ, thêm ca. Chỉ vì do lương tối thiểu quá thấp, lương không đủ sống nên người ta phải làm thêm giờ.
Hiện chế tài của chúng ta còn yếu, người lao động vi phạm nhiều nhưng việc xử lý không mạnh nên tiếp tục có sự vi phạm. Luật pháp của chúng ta cần phải sửa đổi, điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển của đất nước, đảm bảo công bằng, các doanh nghiệp chấp hành đúng luật pháp. Khi đó, mối quan hệ lao động mới hài hòa, mới tiến bộ.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!./.