Chiến thắng Ba Gia - Bài học về chiến tranh nhân dân
VOV.VN - Chiến thắng Ba Gia khẳng định nghệ thuật chiến tranh nhân dân của quân đội ta, góp phần phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - Ngụy.
Cách đây 50 năm, ngày 31/5/1965, tại thị trấn Ba Gia, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, quân chủ lực Quân khu 5 cùng nhân dân địa phương đã thực hiện trận đánh lớn, tiến công địch làm nên chiến thắng Ba Gia lịch sử.
Chiến thắng Ba Gia khẳng định nghệ thuật chiến tranh nhân dân của quân đội ta, góp phần phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - Ngụy, mở rộng vùng giải phóng, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh của địa phương.
Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ nhưng những ký ức về chiến thắng lịch sử này vẫn vẹn nguyên trong mỗi người lính năm xưa.
Các cựu chiến binh kể về trận đánh Ba Gia |
Sau cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, phong trào Đồng Khởi những năm 1959-1960, cách mạng ở miền Nam chuyển sang giai đoạn mới. Để đối phó phong trào cách mạng đang lên cao, Mỹ đã thay đổi và thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” hòng đàn áp phong trào giải phóng dân tộc đang dấy lên mạnh mẽ. Mùa hè 1965, chấp hành Chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Nghị quyết của Khu ủy Khu 5, quân ta tập trung tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân ngụy, phá "ấp chiến lược", giành lại phần lớn nông thôn đồng bằng, mở rộng vùng giải phóng.
Một lần nữa, Quảng Ngãi lại là nơi đầu tiên thực hiện trận đánh lớn và giành thắng lợi nhanh chóng, đặt dấu chấm hết cho chiến lược mới của Mỹ với chiến thắng Ba Gia lịch sử ngày 31/5/1965. Nhớ lại trận đánh Ba Gia của nửa thế kỷ trước, những chiến sĩ của Trung đoàn Ba Gia tự hào nói về nghệ thuật đánh địch của quân và dân ta ngày ấy.
Cựu chiến binh Lê Văn Thọ, Nguyên Trung đội trưởng Trung đội Trinh sát do Quân khu 5 tăng cường cho chiến dịch Ba Gia kể lại, địch ở tứ phía, ở trên là đồn, xung quanh là ấp chiến lược, nhưng bộ đội ta ém quân những nơi mà địch không nghĩ tới. Vì vậy, khi quân ta xuất quân thần tốc, địch rất bất ngờ .
Bằng nhiều phương pháp tác chiến như “vây đồn diệt viện”, phục kích, tập kích..., từ ngày 29 đến ngày 31/5/1965, quân ta đã diệt và bắt sống hàng ngàn tên địch, thu hằng trăm súng các loại. Trận Ba Gia được coi là trận chiến đấu có hiệu suất cao, là trận đánh góp phần đẩy nhanh sự phá sản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đánh dấu sự trưởng thành quan trọng về tổ chức chỉ huy và vận dụng linh hoạt các phương pháp chiến đấu của quân giải phóng miền Nam Việt Nam.
Sơ đồ trận đánh Ba Gia ghi dấu chứng tích oai hùng của quân và dân ta |
Đã nửa thế kỉ trôi qua, thế nhưng cựu chiến binh Phan Công Chánh, nguyên Đại đội trưởng Đại đội Thông tin Trung đoàn Ba Gia, vẫn nhớ như in hình ảnh những đoàn quân lặn lội trong đêm tối, những kỷ niệm và cả chất thép của những người lính Ba Gia năm xưa.
Ông Chánh khẳng định, chiến thắng Ba Gia là nghệ thuật của chiến tranh nhân dân; nhân dân đã che chở cho bộ đội ta áp sát mà đối phương không hề hay biết.
Thế hệ trẻ nghe các cựu chiến binh kể về trận đánh Ba Gia |
Tri ân đồng bào Sơn Tịnh và cán bộ chiến sỹ đã anh dũng hy sinh lập nên chiến thắng Ba Gia anh hùng, những ngày này, các cơ quan, đơn vị và lực lượng vũ trang địa phương tổ chức nhiều chuyến về nguồn, gặp gỡ các cựu chiến binh năm xưa và vinh danh các anh hùng liệt sĩ, để thế hệ trẻ hôm nay luôn tự hào về vùng đất cách mạng.
Được nghe người lính năm xưa kể về chiến thắng Ba Gia, Binh nhất Ngô Hữu Trí, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi rất xúc động và khâm phục về ý chí chiến đấu của các cha ông đi trước, đặc biệt là sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ đã chiến đấu giành lại chiến thắng cho quê hương, đất nước.
Bài học về chiến tranh nhân dân trong chiến thắng Ba Gia nửa thế kỷ trước vẫn còn nguyên giá trị, không chỉ trong chiến tranh mà lòng dân vẫn là nền tảng trong sự nghiệp xây dựng Tổ quốc hôm nay./.