Chính phủ họp thường kỳ tháng 5: Kinh tế tiếp đà phục hồi, tăng trưởng
VOV.VN - Thành viên Chính phủ đóng góp ý kiến, thống nhất biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển du lịch, tiêu thụ nông sản, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước…
Ngày 27/5 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 đánh giá tình hình kinh tế xã hội. Nội dung quan trọng tại phiên họp này, Chính phủ đã tập trung đóng góp nhiều ý kiến, thống nhất nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cụ thể liên quan đến một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực phát triển du lịch, thủy sản, tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước…
Nổi lên hiện nay là một số mặt hàng nông sản tiêu thụ gặp khó khăn; xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước giảm so với cùng kỳ; khách du lịch đến Việt Nam cũng đang giảm sút; thời tiết khô hạn kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân ở Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên…
Các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản thông qua xuất khẩu chính ngạch và tiểu ngạch; phát triển đối tượng bảo hiểm y tế cũng như tháo gỡ khó khăn trong triển khai Nghị định số 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, nhất là liên quan đến mở rộng đối tượng được hưởng chính sách, kéo dài thời gian cho vay và hỗ trợ lãi suất vốn vay đối với ngư dân đóng mới tàu vỏ thép…
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đề xuất biện pháp tháo gỡ vướng mắc để phát triển ngành du lịch |
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh nêu ý kiến: “Đã đến lúc cần nhìn nhận thực tế những cơ chế chính sách của chúng ta áp dụng không thông thoáng, mà tụt hậu so với các nước. Đã nhận thức được thì phải sửa và làm mạnh. Thái Lan đã miễn thị thực cho công dân 61 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó đã miễn thị thực đơn phương 49 quốc gia. Ta đòi họ miễn cho mình, mình miễn cho họ, phân tích ra không ổn tý nào…”.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện và sớm ban hành Nghị quyết của Chính phủ với các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc trong quản lý điều hành kinh tế xã hội.
Đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm nay tiếp tục chuyển biến và đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, Thủ tướng nhấn mạnh, đạt được kết quả này là công sức, nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Tuy nhiên tình hình kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại và tiềm ẩn nhiều rủi ro, giá dầu thế giới cũng diễn biến khó lường nên các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, tiếp tục tập trung khắc phục khó khăn, vướng mắc, phấn đấu đạt cho được các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đề ra trong cả năm nay.
Trước hết là quyết tâm kiểm soát, củng cố ổn định kinh tế vĩ mô; điều hành tỷ giá phù hợp theo tín hiệu thị trường gắn với ổn định kinh tế vĩ mô; điều hành lãi suất theo hướng vừa phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Thủ tướng lưu ý Ngân hàng Nhà nước theo dõi chặt chẽ thị trường, không để xảy ra tình trạng bong bóng bất động sản.
Liên quan đến nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Thủ tướng yêu cầu từng thành viên Chính phủ tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực được giao; rà soát từng thủ tục, kiên quyết cắt giảm, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết gắn với ứng dụng mạnh công nghệ thông tin, vừa nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, vừa tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Bộ Công thương làm rõ thực trạng nông nghiệp khó khăn, xuất khẩu giảm sút, phân tích rõ nguyên nhân, đưa ra giải pháp, dự báo và triển vọng để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 và công khai với dư luận.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Về nông nghiệp, chúng ta cố gắng giúp nông dân tháo gỡ những khó khăn liên quan đến hạn hạn hán, tiêu thụ sản phẩm, đề xuất các biện pháp hỗ trợ cụ thể. 2 khó khăn trong nông nghiệp hiện nay là hạn hán và tiêu thụ sản phẩm cần phải khắc phục trước, tiếp sau đó là quá trình tái cơ cấu nông nghiệp. Về xuất khẩu, Bộ Công thương chịu trách nhiệm, cố gắng tìm cách mở thị trường xuất khẩu. Chúng ta vừa ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc và một số quốc gia khác để mở thị trường cho trái dừa, trái xoài, trái nhãn, thanh long…và tới đây đàm phán FTA với EU cũng sắp kết thúc. Chính phủ mở cửa thị trường bằng cách đó, còn lại những vướng mắc của doanh nghiệp cần được xem xét, tạo mọi điều kiện, cái gốc vấn đề là sản xuất kinh doanh mà không phát triển được thì rất khó…”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh đầu tư công từ ngân sách, trái phiếu, vốn ODA và các hình thức đầu tư khác gắn với đảm bảo tiến độ và chất lượng các công trình hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là các dự án mở rộng quốc lộ 1, quốc lộ 14 và các tuyến đường cao tốc đang xây dựng…Đồng thời có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư từ các thành phần kinh tế.
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại phiên họp |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Tái cơ cấu nông nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngân hàng theo đúng lộ trình. Mỗi ngành cần tập trung quyết liệt thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hay tái cơ cấu tổng thể. Tôi lưu ý các bộ trưởng tập trung chỉ đạo đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ đồng ý với đề xuất tháo gỡ khó khăn mà Bộ Tài chính đề nghị 9-10 điểm, đưa vào Nghị quyết phiên họp này để chúng ta triển khai đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiệu quả, chặt chẽ. Ý nghĩa cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không phải chỉ lấy một số tiền về mà chính là làm cho doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, nền kinh tế ngày càng hiệu quả hơn…”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt các chính sách, chương trình an sinh xã hội, nhất là đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; tạo chuyển biến tốt hơn trong giảm quá tải bệnh viện gắn với nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhất là tuyến tỉnh, tuyến huyện; tổ chức tốt kỳ thi chung quốc gia…
Thủ tướng cũng đề nghị các bộ trưởng tích cực tham gia thảo luận, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII để cung cấp thông tin chính xác về các lĩnh vực phụ trách tới các Đại biểu Quốc hội và nhân dân. Chính phủ cũng sẽ báo cáo trước Quốc hội về vấn đề Biển Đông và yêu cầu Bộ Ngoại giao chủ động cung cấp thông tin về vấn đề này cho báo chí và dư luận quan tâm…
Cũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, các thành viên Chính phủ đã nghe báo cáo và thảo luận, đóng góp ý kiến về một số vấn đề quan trọng khác./.