Chủ tịch nước: "Hà Giang cần phấn đấu “thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá"

VOV.VN - Chủ tịch nước mong muốn Hà Giang sẽ phấn đấu “sống trên đá, thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá”. trong đó, giáo dục sẽ là đầu tàu kéo kinh tế và xã hội tăng tốc ổn định.

Sáng 8/12, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Giang tổ chức Lễ Kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh (20/8/1891 – 20/8/2021), 30 năm tái lập tỉnh và 60 năm Bác Hồ lên thăm Hà Giang. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự có các Bí thư Trung ương Đảng: Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng Ban Dân vận Trung ương. Buổi lễ còn có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Hà Giang và một số địa phương.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

Phát biểu tại buổi lễ, nhắc lại lịch sử phát triển của vùng đất Hà Giang 130 năm qua và cả trước đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, lịch sử Hà Giang là một chương sử đậm nét oai hùng của dân tộc Việt Nam, là nơi có vị trí chiến lược đặc biệt, nơi biên cương địa đầu của tổ quốc. Tinh thần của người dân Hà Giang cũng là tinh thần của dân tộc Việt Nam. Đó là tinh thần vươn lên và không bao giờ chịu khuất phục, kiên cường đấu tranh giải phóng dân tộc, chiến đấu với sự khắc nghiệt của thiên tai.

"Không có trái ngọt nào mà không phải ươm trồng, không có thành quả nào mà không phải nỗ lực, phấn đấu, hy sinh. Lịch sử 130 năm tỉnh Hà Giang đã tô vẽ thêm tinh thần yêu nước nồng nàn, sự đoàn kết gắn bó keo sơn, kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, đó là minh chứng cho ý chí sắt đá của những người con sống nghìn đời trên Cao nguyên đá Hà Giang (Đồng Văn) – một kiến tạo địa chất đặc biệt của đất mẹ. Những ai chưa đến Hà Giang sẽ không hiểu hết được những khó khăn, vất vả, bất lợi trong phát triển kinh tế của vùng đất này. Tình trạng chia cắt về địa hình phức tạp, điều kiện đi lại và giao thương khó khăn, cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội nghèo nàn, nhiều dân tộc thiểu số sinh sống với trình độ dân trí khác nhau mới chỉ là một phần khó khăn. Với tinh thần 'khó khăn gấp đôi phải cố gắng gấp ba', Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang đã phát huy truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo, vượt khó đi lên và đã giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế và xã hội và đối ngoại" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Sau 30 năm tái lập tỉnh, Hà Giang đã có mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập của người dân ngày càng cao. Cùng với kinh tế, đời sống văn hóa, tinh thần, an sinh xã hội như giáo dục, y tế, phúc lợi của người dân đều được nâng lên. Trong bối cảnh COVID-19, chính quyền tỉnh thực hiện tốt quan điểm 'không để ai bị bỏ lại phía sau của sự phát triển'. Bên cạnh đó, chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia được giữ vững; hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết các dân tộc tiếp tục được xây dựng và củng cố vững mạnh.

Nhắc lại các mục tiêu phát triển mà Hà Giang đặt ra tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, đó là xây dựng Hà Giang trở thành tỉnh phát triển về du lịch, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp đặc trưng hàng hóa; đến năm 2030 là tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá trong khu vực trung du miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế - xã hội trung bình khá của cả nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị: "Trước hết, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân và trong các dân tộc anh em; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân; nâng cao năng lực quản lý nhà nước của các cơ quan ngang tầm nhiệm vụ; nâng cấp trình độ chuyên môn và tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ; tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Muốn có được một nền kinh tế phát triển thì trước hết năng lực của đội ngũ cán bộ công chức phải được nâng lên. Hai là, đối với một tỉnh có điều kiện đặc thù như Hà Giang thì chính sách xã hội đóng vai trò vô cùng quan trọng. Theo đó, tỉnh cần phải có những chính sách an sinh, thực hiện chính sách giảm nghèo, tăng cường đầu tư cho giáo dục, chăm sóc y tế, cung cấp phúc lợi cho người dân thật tốt".

Chủ tịch nước lưu ý, việc cung cấp phúc lợi của Hà Giang cần thiết kế những chính sách đặc thù, vừa mang tính trợ cấp, vừa hỗ trợ, vừa nâng đỡ, thúc đẩy tinh thần nỗ lực, tự lực vươn lên của người dân, nhưng Nhà nước sẽ không bỏ rơi người yếu thế. Trong các trụ cột của chính sách xã hội, cần tập trung vào chính sách giáo dục, xem đây là chìa khóa giải quyết nhiều điểm nghẽn phát triển khác. Giáo dục sẽ là đầu tàu kéo kinh tế và xã hội tăng tốc ổn định.

Cùng với đó là tiếp tục tìm kiếm mô hình và động lực tăng trưởng kinh tế mới trên cơ sở phát huy các tiềm năng và lợi thế riêng có. Ưu tiên nguồn ngân sách hạn chế được trung ương hỗ trợ để đầu tư cơ sở hạ tầng lõi; lựa chọn hỗ trợ đầu tư có trọng tâm đối với một số ngành có lợi thế, nhất là du lịch, một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng và dược liệu gắn với chế biến sâu tại chỗ nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Triển khai thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi số và thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững. Phấn đấu “sống trên đá, thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá”.

Bên cạnh đó, Hà Giang cần tiếp tục duy trì, phát triển quan hệ hợp tác toàn diện với tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Trong phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường. Giữ rừng và trồng rừng, tham gia chương trình trồng 1 tỷ cây xanh mà Thủ tướng chính phủ nhiệm kỳ trước đã phát động. Nghiên cứu và đưa vào trồng những loại cây thích ứng với sự biến đổi của thời tiết, khí hậu.

Nhấn mạnh, Hà Giang là một tỉnh đa dạng về văn hoá. Bản sắc văn hoá của các dân tộc Hà Giang là nguồn gen quý cho bản đồ gen văn hoá đa sắc màu của Việt Nam, Chủ tịch nước cho rằng, đây cũng là một lợi thế cạnh tranh trong phát triển du lịch của Hà Giang và của nước ta. Văn hoá vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển và cũng là nguồn lưc để phát triển.

Chủ tịch nước tin tưởng, với truyền thống cách mạng, lịch sử 130 năm thành lập, tinh thần đoàn kết, yêu nước và cần cù, vượt khó đi lên, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang sẽ giành được nhiều thắng lợi to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa phồn vinh, hạnh phúc và hùng cường.  

Sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên; dâng hoa tại Tượng đài Bác Hồ trong khuôn viên của Tỉnh ủy Hà Giang.

Tiếp đó trong chiều nay, tại Hà Giang, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thăm và tặng quà gia đình người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo trên địa bàn xã Việt Vinh (huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) được hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác đã tới thăm, làm việc với Công an tỉnh Hà Giang. Chủ tịch nước đánh giá, với đặc thù là tỉnh vùng cao, biên giới, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, song lực lượng Công an toàn tỉnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Chủ tịch nước mong muốn lực lượng Công an tỉnh tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ, tạo môi trường thuận lợi và an toàn cho người dân, khách du lịch và các nhà đầu tư đến với Hà Giang; phối hợp với các lực lượng vũ trang để đảm bảo an ninh, an toàn, giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo vệ biên cương của Tổ quốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phát triển du lịch Hà Giang trong giai đoạn bình thường mới
Phát triển du lịch Hà Giang trong giai đoạn bình thường mới

VOV.VN - Ngoài việc nâng cấp những sản phẩm sẵn có, nhiều doanh nghiệp lữ hành, chuyên gia du lịch cho rằng Hà Giang cần tiếp tục phát triển các sản phẩm mới để thu hút và đáp ứng nhu cầu thay đổi của du khách sau dịch Covid-19.

Phát triển du lịch Hà Giang trong giai đoạn bình thường mới

Phát triển du lịch Hà Giang trong giai đoạn bình thường mới

VOV.VN - Ngoài việc nâng cấp những sản phẩm sẵn có, nhiều doanh nghiệp lữ hành, chuyên gia du lịch cho rằng Hà Giang cần tiếp tục phát triển các sản phẩm mới để thu hút và đáp ứng nhu cầu thay đổi của du khách sau dịch Covid-19.

Hà Giang sẽ phát triển du lịch mạo hiểm ở hẻm vực Tu Sản, sông Nho Quế
Hà Giang sẽ phát triển du lịch mạo hiểm ở hẻm vực Tu Sản, sông Nho Quế

VOV.VN - Trên cơ sở khai thác điều kiện địa hình hiểm trở ở khu vực hẻm vực Tu Sản và sông Nho Quế, Hà Giang định hướng phát triển du lịch thể thao mạo hiểm như zipline, nhảy bungee, dù lượn, chèo thuyền mạo hiểm.

Hà Giang sẽ phát triển du lịch mạo hiểm ở hẻm vực Tu Sản, sông Nho Quế

Hà Giang sẽ phát triển du lịch mạo hiểm ở hẻm vực Tu Sản, sông Nho Quế

VOV.VN - Trên cơ sở khai thác điều kiện địa hình hiểm trở ở khu vực hẻm vực Tu Sản và sông Nho Quế, Hà Giang định hướng phát triển du lịch thể thao mạo hiểm như zipline, nhảy bungee, dù lượn, chèo thuyền mạo hiểm.