Chủ tịch nước kiểm tra công tác khắc phục thiệt hại do mưa lũ tại Đà Nẵng
VOV.VN - Chia sẻ với những mất mát của người dân, Chủ tịch nước yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và Thành phố Đà Nẵng tập trung hỗ trợ nhân dân khôi phục chỗ ở, đưa sinh hoạt sớm trở lại bình thường.
Nhằm khắc phục sớm nhất hậu quả của bão số 5 và mưa lũ lịch sử tại Thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung, chiều 19/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thăm hỏi, tặng quà người dân chịu thiệt hại do mưa lũ và kiểm tra thực địa công tác khắc phục hư hỏng một số hạ tầng trên địa bàn TP Đà Nẵng. Cùng đi có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và lãnh đạo một số bộ, ngành.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thăm hỏi, động viên, tặng quà gia đình bà Đỗ Thị Thanh Hoa, thôn Thạch Nham Đông, xã Hoà Nhơn huyện Hòa Vang, một trong những nhà bị sập, lũ cuốn mất toàn bộ đồ đạc trong nhà, thiệt hại tài sản rất nặng nề. Khi nước dâng lên đột ngột, một số thành viên trong gia đình may mắn thoát chết vì kịp thời leo lên mái nhà.
Chia sẻ với những mất mát của người dân, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và Thành phố Đà Nẵng, Hội chữ Thập đỏ Việt Nam tập trung hỗ trợ nhân dân khôi phục chỗ ở, đưa sinh hoạt sớm trở lại bình thường. Mỗi người dân phát huy tinh thần chủ động, nỗ lực khắc phục khó khăn để cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Đặc biệt, Chủ tịch nước yêu cầu các địa phương phải nhanh chóng khắc phục hư hỏng các trường học, đảm bảo trẻ em trở lại trường sớm nhất.
Tiếp đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác đã kiểm tra thực địa công tác khắc phục thiệt hại các công trình hạ tầng tại điểm sạt cuối đường Lê Văn Lương, Hoàng Sa, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà. Đây là 1 trong số 21 điểm sạt lở nặng nề của quận Sơn Trà.
Sau khi nghe báo cáo phương án khắc phục hậu quả, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các đơn vị thi công nhanh chóng triển khai, đáp ứng hoạt động đi lại và sản xuất của nhân dân, nhất là khi các phương án, vật liệu đã được chuẩn bị đầy đủ.
Ngay sau kiểm tra thực địa, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác làm việc với lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng.
Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng cho biết, bão số 5 gây mưa lớn diện rộng, nhiều nơi lượng mưa cao lịch sử hàng trăm năm, cộng thêm triều cường, dẫn đến ngập lụt lớn. 52/56 xã, phường thuộc 7 quận, huyện và hầu hết các tuyến đường đều bị ngập, nhiều nơi ngập từ 0,5 - 1,0m, thậm chí có nơi ngập đến 2,0 m.
Bão, mưa lũ lớn đã khiến 4 người thiệt mạng; thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 1.500 tỷ đồng. Trong đó, tổng số nhà bị ngập gần 70.000 nhà; hư hỏng 74ha rau màu; gần 60.000 gia cầm và gia súc chết trôi; 14 trường học bị ngập, hư hỏng nặng; trên 2000 ô tô và 30.000 xe máy của người dân, doanh nghiệp bị ngập.
Hiện nay, Thành phố Đà Nẵng đang tập trung nguồn lực hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống. Thành phố đề nghị Trung ương hỗ trợ các hộ gia đình thiệt hại về người và tài sản; hỗ trợ sách giáo khoa và thiết bị học tập cho các trường học để đưa học sinh trở lại trường. Cùng với đó là đề nghị hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình khẩn cấp để ổn định lâu dài.
Thành phố đề nghị Trung ương hỗ trợ đầu tư sớm 3 dự án là Dự án kiên cố hóa đường Hoàng Sa – khu vực bán đảo Sơn Trà; Dự án chống ngập nước khu vực Sân bay và Dự án Đầu tư, gia cố hệ thống kè dọc tuyến đường ven biển Hoàng Sa – Trường Sa – Võ Nguyên Giáp.
Không để dân thiếu đói, thiếu chỗ ở
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chuyển lời thăm hỏi ân cần của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; các đồng chí: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các Đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng, lời thăm hỏi ân cần đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh miền Trung, bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và tỉnh Bình Định. Đặc biệt là chia sẻ với Thành phố Đà Nẵng, địa phương bị ngập sâu nhất, thiệt hại lớn nhất về người và tài sản trong phạm vi rộng lớn của thành phố.
Chủ tịch nước chia sẻ những khó khăn, mất mát rất lớn của nhân dân Thành phố Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân các gia đình có người không may bị tử nạn. Chủ tịch nước biểu dương, đánh giá cao hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cấp ủy, chính quyền, nhân dân, các lực lượng vũ trang đã chủ động nhanh chóng, kịp thời ứng phó với mưa lũ, trận lũ lịch sử hàng trăm năm chưa có, hạn chế tối đa số người bị nạn.
Chủ tịch nước đánh giá cao Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành Công điện ngày 13/10 về việc tập trung khắc phục hậu quả và chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lũ tại miền trung; đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành dẫn đầu đã thực địa, chỉ đạo kịp thời công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại một số địa phương chịu thiệt hại nặng nề.
Trong những ngày mưa lũ, lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng cùng lực lượng chức năng kịp thời đến hiện trường chỉ đạo công tác ứng cứu và sơ tán hơn 14 nghìn người đến nơi an toàn; khẩn trương, nỗ lực cao nhất để khắc phục hậu quả sau mưa bão, làm tốt công tác thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các trường hợp thiệt hại.
Cho rằng, Thành phố Đà Nẵng và nhiều tỉnh miền Trung còn bừa bộn sau lũ, cuộc sống người dân còn nhiều xáo trộn, Chủ tịch nước lưu ý một số nhiệm vụ cấp bách trước mắt. Theo đó, Thành phố Đà Nẵng và các địa phương tập trung hỗ trợ bảo đảm cuộc sống, sinh hoạt cho người dân sau mưa lũ, không để thiếu đói, thiếu chỗ ở và các điều kiện sinh hoạt thiết yếu, nhất là với các hộ gia đình khó khăn, hộ gia đình chính sách; đặc biệt không để bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ.
Cùng với từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống, sinh hoạt bình thường cho người dân, Chủ tịch nước đề nghị huy động các lực lượng hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, xử lý vệ sinh môi trường sau mưa lũ; khôi phục cung cấp điện, nước sinh hoạt, thông tin liên lạc; khắc phục nhanh công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục bị hư hỏng, bảo đảm đủ sách vở, trang thiết bị học tập cho học sinh.
Thành phố Đã Nẵng và các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận, phân phối các nguồn viện trợ, cứu trợ, đồng thời bảo đảm công tác cứu trợ được thực hiện nhanh nhất, công khai, minh bạch, công bằng.
Cho rằng, qua đợt mưa lũ lớn vừa qua đã bộc lộc một số vấn đề bất cập trong chỉ đạo, tổ chức ứng phó thiên tai đối với cả nước nói chung, Đà Nẵng nói riêng, Chủ tịch nước cho rằng, trước tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến phức tạp, ngày càng bất thường đòi hỏi phải nâng cao năng lực dự báo; thực hiện tốt hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với các tình huống khẩn cấp xảy ra do đặc thù địa phương ven biển, tiềm ẩn nhiều thiên tai. Phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các lực lượng, các bộ, ngành, địa phương, tuyệt đối không được chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống thiên tai.
Đánh giá hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị nhiều nơi chưa ứng phó được với thiên tai, mưa lũ lớn, thường xảy ra ngập, sạt lở khi mưa lũ, Chủ tịch nước lưu ý khi đầu tư, xây dựng, nâng cấp các đô thị, điểm dân cư nông thôn, các công trình cơ sở hạ tầng, giao thông cần tính toán vấn đè này. Thành phố Đà Nẵng và các địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, đầu tư bài bản hệ thống thoát nước, giúp phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại thiên tai.
Về các đề xuất, kiến nghị tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ xem xét, giải quyết và hỗ trợ cho Đà Nẵng và các địa phương khác khắc phục hậu quả mưa lũ, chú ý đến những vấn đề ổn định lâu dài bằng những nguồn lực phù hợp, sớm ổn định đời sống nhân dân và phát triển kinh tế- xã hội.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, các cơ quan, doanh nghiệp và những tấm lòng vàng đã ủng hộ các địa phương nguồn lực khắc phục thiệt hại mưa lũ, đồng thời đề nghị các cơ quan, đơn vị biểu dương, khen thưởng kịp thời những tấm gương dũng cảm xông pha cứu người, nỗ lực tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng 20 căn nhà, Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng 20 căn nhà, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tặng 10 căn nhà khắc phục hậu quả cơn bão số 5./.