Chủ tịch nước: Tham nhũng không riêng lẻ mà hình thành bè nhóm bao che

VOV.VN - Chủ tịch nước mong rằng cử tri cần phát huy vai trò phát hiện thông tin tới các cơ quan chức năng và tăng cường giám sát

Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, chiều (2/12), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM đã tiếp xúc cử tri quận 4 nhằm báo cáo kết quả kỳ họp và ghi nhận những ý kiến của cử tri.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 4, TPHCM

Thay mặt tổ đại biểu Quốc hội báo báo với cử tri một số kết quả chính của kỳ họp thứ 8, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh, kỳ họp thứ 8 là kỳ họp có số lượng dự án luật được Quốc hội xem xét nhiều nhất với 18 luật, 11 nghị quyết được thông qua, cho ý kiến 12 dự luật khác. Đây là những văn bản pháp luật quan trọng nhằm triển khai thi hành Hiến pháp sửa đổi, hoàn thiện thể chế kinh tế, tổ chức bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cải cách hành chính, tư pháp, đổi mới giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh…

Bên cạnh đó, hơn 3.000 ý kiến của cử tri cũng đã được tập hợp chuyển tải đến kỳ họp để các đại biểu thảo luận thông qua các Nghị quyết nhằm tạo sự chuyển biến sâu rộng và tích cực trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, các cử tri đánh giá cao, kỳ họp thứ 8 đã hoàn thành khối lượng công việc lớn với tinh thần nghiêm túc và có trách nhiệm. Tuy nhiên các cử tri cũng nêu lên một số lĩnh vực còn nhiều bất cập nhất là y tế và giáo dục.

Cử tri Nguyễn Thị Ái Lan nêu ý kiến:“Chương trình sách giáo khoa hiện nay quá nặng đối với trình độ các cháu học tiểu học. Thầy cô thì cứ giảng theo chương trình còn các em với đầu óc non nớt không thể tiếp thu nổi. Phụ huynh lại sốt ruột vì con em mình lại phải cho đi học thêm. Các em phải học từ sáng đến 10 giờ đêm mới được ngủ. Vậy làm gì có thời gian soạn bài cho hôm sau. Việc học quá tải đó đã khiến học sinh sợ đi học. Đó là dấu hiệu cho thấy việc dạy học đã thiếu thiết thực. Đây là vấn nạn của ngành giáo dục. Nếu không thay đổi cách dạy, sách giáo khoa có thay đổi bao nhiêu đi nữa thì vẫn không có hiệu quả”.

Cử tri Phan Ngọc Long, phường 8 cho rằng chính sách tiền lương chưa phù hợp, việc khó khăn cho việc tăng lương theo Nghị quyết Quốc hội không thực hiện được do nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có vấn đề bộ máy cồng kênh, giảm biên chế không đạt yêu cầu…

“Đời sống công nhân lương thấp, Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Quốc hội cũng quan tâm hơn nên vừa rồi đã quyết định tăng lương. Tôi rất hoan nghênh. Dù tăng không được nhiều, chỉ được một bộ phận nhưng vậy cũng rất phấn khởi rồi. Để tăng lương được, tôi xin đề nghị cần giảm biên chế. Muốn giảm biên chế trước tiên phải ở trung ương, sau đó đến thành phố, tỉnh, quận huyện, phường xã… Vừa rồi tôi thấy bộ máy của Trung ương vẫn còn quá cồng kềnh. Thực tế báo chí cũng đã đăng rất nhiều. Có những bộ quy định chỉ khoảng 2 cấp phó thôi nhưng lại có đến 5, 6 cấp phó”- Cử tri Phan Ngọc Long nói.

Cùng với nhiều ý kiến về phản ánh về buông lỏng trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ chủ quyền biển đảo trước hành vi Trung Quốc xây dựng mở rộng ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam…thì vấn đề đấu tranh với tham nhũng tiếp tục được phần lớn cử tri đặt ra.

Hoan nghênh Trung ương đã kiểm tra và thông tin và công khai về vụ việc của ông Trần Văn Truyền nguyên Tổng Thanh tra Chính Phủ, cử tri Vũ Hoàng Linh, phường 13 cho rằng việc xử lý tham nhũng vẫn chưa thực sự hiệu quả, trong đó việc thu hồi tài sản từ các vụ án tham nhũng quá thấp nguyên nhân do đâu.

“Tôi rất tâm đắc với kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng về dấu hiệu sai phạm của ông Trần Văn Truyền, Nguyên Tổng thanh tra Chính phủ và đồng tình với quan điểm chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước thu hồi tài sản của ông Trần Văn Truyền. Tuy nhiên pháp luật của chúng ta cũng đã quy định cụ thể nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn và triệt tiêu tội phạm tham nhũng. Theo báo cáo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, công tác phòng chống tham nhũng dù đã có nhiều quyết tâm nhưng việc thu hồi tài sản mới đạt 23,3%. Vậy, lý do vì sao thu hồi tài sản tham nhũng lại khó đến thế? Tội phạm tham nhũng là một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên có chức, có quyền mà Trung ương Đảng đã tổng kết, đánh giá. Vậy chúng ta còn rất khó thu hồi, gây thất thoát lớn cho Nhà nước, tài sản nhân dân, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Đây là chính là vấn đề đặt ra của pháp luật chưa đủ mạnh”- cử tri Vũ Hoàng Linh bày tỏ.

Thay mặt tổ đại biểu Quốc hội tiếp thu ý kiến cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao phát biểu tâm huyết của cử tri nhất là sự quan tâm đến công tác tổ chức thực hiện các chủ trương và văn bản pháp luật vào cuộc sống. Trao đổi với cử tri về lĩnh vực giáo dục, Chủ tịch nước khẳng định đây là vấn đề quan trọng, chúng ta đã có chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, Quốc hội cũng đã có Nghị quyết do đó phải có thời gian để triển khai.

Đề cập về vấn đề phòng chống tham nhũng, Chủ tịch nước nhấn mạnh các quy định pháp luật rất đầy đủ, quyết tâm của Đảng và Nhà nước là nhất quán, nhưng trong quá trình thực hiện số vụ việc phát hiện xử lý chưa đáp ứng được thực tế và mong mỏi của cử tri. Chủ tịch nước mong rằng cử tri cần phát huy vai trò phát hiện thông tin tới các cơ quan chức năng và tăng cường giám sát, có như vậy công tác phòng chống tham nhũng mới thực sự hiệu quả.

Giải đáp về khó khăn trong thu hồi tài sản trong các vụ tham nhũng, Chủ tịch nước cho rằng con số công bố chỉ đạt 20-30% đã bộc lộ sự yếu kém của các cơ quan chức năng, tuy nhiên cũng phải xét đến tính chất tinh vi của án tham nhũng…Chủ tịch nước nhấn mạnh vấn đề này cần phải có giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: “Bức xúc về việc thu hồi tài sản không ai mong muốn. Kết quả cũng đã công khai với toàn dân. Các cơ quan thực hành đã thừa nhận khuyết điểm của người ta. Làm rất nhiều nhưng mới thu hồi từng đó. Nếu tài sản hiển hiện thì thu hồi dễ dàng nhưng những cái đã tiêu hết rồi hoặc tiêu một phần thì khó. Hoặc thông tin chuyển khoản ngân hàng của nước ngoài nhưng xác minh thì các ngân hàng đó họ không cung cấp. Tính chất rất phức tạp của công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tôi cũng theo dõi và biết là rất tinh vi. Việc tham nhũng không phải là một người đứng riêng lẻ mà còn hình thành các nhóm bao che, bảo vệ nhau, nên rất khó. Nhưng nếu Đảng, Nhà nước và nhân dân quyết tâm làm quyết liệt, kiên trì, bền bỉ thì chắc chắn sẽ đỡ hơn”.

Đồng tình với tháo gỡ bất cập trong chính sách tiền lương, Chủ tịch nước nhấn mạnh giải pháp giảm biên chế đã được thực hiện nhưng chưa hiệu quả đòi hỏi phải có sự khảo sát đánh giá cụ thể để tìm giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng cho rằng để tăng lương còn có nhiều giải pháp nhưng trước hết phải nâng cao năng suất lao động, chỉ số mà chúng ta bị đánh giá thấp so với các nước trong khu vực.

 “Cái lo nhất hiện nay là lương tăng phải theo năng suất lao động. Mà trong nhiệm kỳ này, năng suất lao động giảm hơn nhiệm kỳ trước ít nhất 30%. Những nhiệm kỳ trước tăng ít nhất 5%. Kế hoạch 5 năm là mỗi năm tăng 3%. Áp lực hội nhập rất kinh khủng. Hàng hóa nước ngoài đang tràn vào. Giờ phải làm thế nào? Phải tìm mọi cách tăng năng suất lao động chứ không còn cách nào. Không tăng năng suất lao động, giá thành sẽ cao. Nước ngoài vào sẽ chiếm thị trường. Chúng ta đã hội nhập. Trong khi năng suất lao động của ta đang thấp thế này là điều hệ trọng rất lớn mà chúng ta phải làm bằng nhiều cách. Ngoài huấn luyện, đào tạo nghề, quản trị, khoa học công nghệ… để tăng năng suất lao động trở lại”.

Thừa nhận việc quản lý yếu kém trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, thuốc bảo vệ thực vật giả tràn lan…Chủ tịch nước đề nghị cử tri tham gia đề xuất giải pháp để có thể bổ sung các quy định pháp luật nếu thiếu, đồng thời tăng cường giám sát việc tổ chức thực hiện của các cơ quan nhà nước nhằm đảm bảo cho môi trường lành mạnh và bảo vệ sức khỏe của mỗi cá nhân và cộng đồng xã hội.

Ghi nhận những ý kiến của cử tri về trọng dụng nhân tài, Chủ tịch nước cho rằng chúng ta luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi cá nhân phát huy khả năng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đối với vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, Chủ tịch nước khẳng định chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm, chủ trương nhất quán của Việt Nam là giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thường trực Ban Bí thư tiếp xúc cử tri TP Cần Thơ
Thường trực Ban Bí thư tiếp xúc cử tri TP Cần Thơ

VOV.VN - Đồng chí Lê Hồng Anh trao đổi thêm với cử tri về tình hình Biển Đông; về mối quan hệ giữa Việt– Trung

Thường trực Ban Bí thư tiếp xúc cử tri TP Cần Thơ

Thường trực Ban Bí thư tiếp xúc cử tri TP Cần Thơ

VOV.VN - Đồng chí Lê Hồng Anh trao đổi thêm với cử tri về tình hình Biển Đông; về mối quan hệ giữa Việt– Trung