Chủ tịch nước: Tội phạm tham nhũng trốn đi đâu cũng không thoát
VOV.VN- Chủ tịch nước cho rằng, dù có lẩn trốn đi đâu thì sớm muộn đối tượng tham nhũng, vi phạm pháp luật cũng bị đưa ra ánh sáng và truy tố trước pháp luật.
Trong hai ngày 3 và 4/10, tại thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Tổ đại biểu Quốc hội khóa XIV, đơn vị bầu cử số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh đã có các buổi tiếp xúc cử tri quận 1, quận 3 và quận 4, nhằm thông báo nội dung kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri.
Tại buổi tiếp xúc, trả lời kiến nghị của cử tri về vấn đề nợ công, Chủ tịch nước cho biết: Nợ công là vấn đề hệ trọng đối với sự phát triển bền vững của quốc gia. Trong những năm qua, nợ công liên tục tăng nhanh, từ 51,7% GDP năm 2010 lên 62,2% GDP vào cuối năm 2015.
Theo báo cáo của Chính phủ, hiện nay nợ công của Việt Nam đang tăng cao, áp lực trả nợ lớn; nghĩa vụ chi trả nợ lãi trực tiếp năm 2015 bằng khoảng 8,4% ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Việt Nam không nằm trong các nhóm nước có gánh nặng về nợ cao.
“Rủi ro nợ công của chúng ta phụ thuộc vào những yếu tố chính như tốc độ tăng GDP, lạm phát, lãi suất, mức thâm hụt tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại hối của quốc gia. Do đó, những nhân tố này cần được kiểm soát tốt để giảm thiếu rủi ro về nợ công” -Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Cử tri Lê Công Cẩn, quận 3 phát biểu tại buổi tiếp xúc. |
Chủ tịch nước cũng đề cập đến vấn đề được nhân dân và cử tri cả nước đang rất quan tâm trong thời gian qua đó là việc bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ, người thân, con em vào các vị trí lãnh đạo mà không bảo đảm các tiêu chuẩn về trình độ, đạo đức, năng lực, uy tín làm giảm niềm tin của nhân dân.
Chủ tịch nước cho biết, qua sự việc trên, các cơ quan chức năng cần tiến hành rà soát, đánh giá lại các quy định, quy trình về công tác cán bộ để sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư. Không để tái diễn việc bổ nhiệm một số cán bộ “đúng quy trình nhưng không thực chất.”
Trịnh Xuân Thanh có trốn cũng không thoát
Liên quan đến vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch nước cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hai lần trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Cùng với đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các bộ, ngành, địa phương liên quan đã tổ chức kiểm điểm, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ việc trên.
Chủ tịch nước khẳng định, theo sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, các cơ quan đã vào cuộc một cách đồng bộ và tích cực để làm rõ sai sót này thuộc cá nhân, tổ chức nào để xử lý theo quy định của Đảng và nhà nước.
Riêng về việc làm thất thoát tài sản của nhà nước, cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố vụ án hình sự “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” để điều tra khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ tại Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam; quyết định khởi tố bị can và phát lệnh truy nã trong nước và quốc tế đối với ông Trịnh Xuân Thanh; đồng thời khởi tố bị can, tạm giam một số đối tượng có liên quan.
“Tôi nghĩ rằng các cơ quan điều tra và các cơ quan có liên quan cũng đã vào cuộc một cách tích cực và thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư và chúng ta kiên quyết làm sáng tỏ vụ việc này. Tôi nghĩ rằng dù có lẩn trốn đi đâu chăng nữa sớm muộn các các đối tượng tham nhũng, vi phạm pháp luật cũng bị đưa ra ánh sáng và truy tố trước pháp luật”, Chủ tịch nước khẳng định.
Cử tri Hoàng Thị Lợi, phường Bến Nghé, quận 1 phát biểu ý kiến tại hội nghị. |
Về việc lùi hiệu lực thi hành Bộ luật Hình sự và yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, Chủ tịch nước cho biết, những sai sót trong Bộ luật Hình sự năm 2015 chủ yếu là sai sót về mặt kỹ thuật. Những quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách hình sự là không sai. Tuy nhiên, những sai sót này lại ảnh hưởng đến quá trình áp dụng thống nhất pháp luật, có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc gây ra oan, sai.
Theo Chủ tịch nước, qua sự việc này, cũng cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, đồng thời nâng cao chất lượng đại biểu, chất lượng chuẩn bị các dự án luật để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xây dựng pháp luật.
Về vấn đề tội phạm công nghệ cao, theo Chủ tịch nước, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển internet nhanh nhất thế giới, tốc độ ứng dụng và phát triển internet ngày càng tăng nhưng cũng đặt ra những nguy cơ, thách thức, tiềm ẩn những yếu tố đe doạ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Các thế lực thù địch, phản động triệt để sử dụng mạng viễn thông, internet để tuyên truyền, phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, kích động biểu tình, gây rối, bạo loạn nhằm lật đổ chính quyền, thay đổi thể chế chính trị ở nước ta. Nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin ngày càng nghiêm trọng nếu không có giải pháp hữu hiệu.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm đến vấn đề này và đã, đang chỉ đạo và có nhiều giải pháp để góp phần bảo đảm tốt hơn an ninh, an toàn mạng thông tin; góp phần bảo vệ tốt người tiêu dùng và bảo vệ lợi ích của các tổ chức, cá nhân trước sự tấn công của tội phạm công nghệ cao. Đảng, Nhà nước đã, đang chỉ đạo và có nhiều giải pháp góp phần bảo đảm ngày càng tốt hơn an ninh, an toàn mạng thông tin.
Cũng tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước cũng trả lời nhiều vấn đề cử tri quan tâm như Luật về hội; vấn đề biến đổi khí hậu và tài nguyên nước; vệ sinh, an toàn thực phẩm; Về vụ việc cá chết hàng loạt tại một số tỉnh miền Trung và Luật Công an xã../.