Chủ tịch nước trao Danh hiệu Anh hùng cho Tập đoàn Dệt may Việt Nam
VOV.VN -Ghi nhận những thành tích của ngành trong 20 năm qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động cho Tập đoàn Dệt may Việt Nam.
Sáng 26/12, tại Hà Nội, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức kỉ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lao động. Tới dự có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh.
Qua 20 năm hình thành và phát triển, với vai trò là hạt nhân cho phát triển ngành dệt may, thu hút lao động, thực hiện công nghiệp hóa ở nông thôn, dẫn dắt, thu hút các nguồn lực trong ngoài nước tham gia đầu tư vào ngành dệt may, Vinatex đã góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế của cả nước.
Tập đoàn Dệt may Việtt Nam kỉ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lao động |
Kết quả, trong 20 năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước tăng hơn 32 lần, từ 850 triệu USD lên trên 27 tỷ USD năm 2015, lao động tăng gấp 25 lần, có thị phần đứng thứ 2 ở cả Mỹ và Nhật Bản.
Trong năm nay, doanh thu trên 52.000 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 3,4 tỷ USD sang các thị trường chính là Mỹ, EU, Nhật Bản... Tỷ lệ nội địa hóa đạt mức 52%.
Để đón đầu các cơ hội từ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, trong năm nay, Tập đoàn đã hoàn thành một loạt dự án sợi với quy mô lớn như: Dự án Nhà máy Sợi Phú Hưng giai đoạn 2, nhà máy sợi Phú Cường, Nam Định, Dự án Khu liên hiệp dệt may Quế Sơn...
Dự báo, năm 2016 các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam tiếp tục có những tín hiệu khả quan, doanh thu toàn tập đoàn sẽ tăng 8% và lợi nhuận trước thuế có thể tăng 10% so với cùng kỳ năm nay. Mục tiêu giai đoạn 2016-2020 kim ngạch xuất khẩu đạt 6 tỷ USD trước năm 2020, tạo việc làm cho trên 300.000 lao động.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, cùng với quá trình đổi mới của đất nước, ngành dệt may đã có bước phát triển vượt bậc.
Với xuất phát điểm thấp, may gia công là chính, ngày nay, dệt may đã vươn mình trở thành một trong những ngành xuất khẩu lớn nhất, đưa Việt Nam vào top 5 nước sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới.
Không chỉ gia tăng thị phần tại thị trường truyền thống, ngành dệt may nước ta còn từng bước chinh phục những các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng; Trong đó thị phần đứng thứ 2 tại thị trường Mỹ và Nhật Bản. Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới sẽ mang đến cho ngành dệt may Việt Nam cả cơ hội và thách thức.
Để có thể đạt được những mục tiêu đề ra trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu tiếp tục làm tốt vai trò hạt nhân của ngành dệt may cả nước, phấn đấu tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu tập đoàn lên 6 tỷ USD, tạo việc làm cho trên 300.000 lao động như mục tiêu đề ra
Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nói chung, năng lực cạnh tranh của từng sản phẩm nói riêng, phát triển vững chắc tại các thị trường hiện có; Chủ động thâm nhập các thị trường mới nhất là những thị trường có ký kết hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam; Đẩy mạnh đổi mới thiết bị công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất lao động, đồng thời tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường”.
Tại lễ kỷ niệm, ghi nhận những thành tích của ngành trong 20 năm qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động cho Tập đoàn Dệt may Việt Nam./.