Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Đại sứ Pháp
VOV.VN - Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam mong muốn Pháp sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) nhằm tối ưu hóa tiềm năng hợp tác giữa hai nước.
Chiều 10/7, tại Phủ Chủ tịch, phát biểu trong buổi tiếp Đại sứ Cộng hòa Pháp Nicolas Warnery tới chào nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác ở Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mong muốn và tin tưởng, dù trên bất cứ cương vị nào, Đại sứ sẽ tiếp tục dành những tình cảm tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam, là cầu nối thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp.
Chúc mừng Đại sứ Nicolas Warnery hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, đóng góp tích cực vào việc vun đắp quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, Chủ tịch nước đánh giá quan hệ Việt Nam – Pháp thời gian qua có nhiều bước tiến quan trọng.
Nhắc lại cuộc gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại London trong chuyến tham dự Lễ đăng quang Nhà Vua Anh Charles III tháng 5 vừa qua, Chủ tịch nước cho biết, đã trao đổi, bày tỏ mong muốn sớm đón Ngài Tổng thống thăm Việt Nam để cùng thống nhất các định hướng phát triển quan hệ hai nước trong tương lai.
Đại sứ Nicolas Warnery nêu rõ, mặc dù trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là đại dịch COVID-19, nhưng hai nước Việt Nam – Pháp vẫn duy trì hiệu quả quan hệ hợp tác. Đại sứ bày tỏ cảm kích trước việc Việt Nam đã trao tặng khẩu trang kịp thời, góp phần hỗ trợ Pháp ứng phó với COVID-19 trong thời gian dịch diễn biến căng thẳng.
Chia sẻ vinh dự và tự hào được đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ hai nước trong nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, Đại sứ cho biết, Pháp chủ trương phát triển mạnh mẽ quan hệ với Việt Nam trong mọi lĩnh vực cả song phương và trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Năm 2023, hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023) và tròn 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, Đại sứ cho biết, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mong muốn gặp lại Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng để cùng trao đổi, thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực: Chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, chăm sóc sức khỏe; năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu, bởi Việt Nam là 1 trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì vấn đề này. Ngoài ra, Pháp cũng sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong bảo tồn các công trình văn hóa, di sản kiến trúc Pháp tại Hà Nội, như cầu Long Biên…
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cảm ơn Đại sứ Pháp về tình cảm, đóng góp của Đại sứ dành cho Việt Nam; tán thành với những đề xuất của Ngài Đại sứ về việc thúc đẩy hợp tác toàn diện hai nước trên mọi lĩnh vực.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, 50 năm qua, quan hệ Việt Nam – Pháp đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng, nhất là thời gian 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Việt Nam cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của Pháp đã giúp hàng triệu liều vaccine phòng COVID-19.
Để tăng cường quan hệ hai nước trong thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy các cuộc tiếp xúc, trao đổi, các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao. Qua Đại sứ, Chủ tịch nước chuyển lời mời và thông báo Việt Nam sẵn sàng đón Tổng thống Emmanuel Macron sang thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp.
Chủ tịch nước cũng đề nghị hai bên thúc đẩy trao đổi đoàn ở cấp địa phương; xúc tiến nhiều hơn nữa các hoạt động giao lưu nhân dân, qua đó làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
Trao đổi với Ngài Đại sứ về hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực bảo tồn những công trình văn hóa, di sản kiến trúc mang sắc thái Pháp tại các thành phố, tỉnh thành của Việt Nam, Chủ tịch nước mong muốn phía Pháp tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để việc duy tu, bảo tồn này được triển khai hiệu quả trên thực tế.
Việt Nam hoan nghênh doanh nghiệp hai nước triển khai các chương trình, dự án hợp tác, mong muốn Pháp sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) nhằm tối ưu hóa tiềm năng hợp tác giữa hai nước.
Đánh giá cao quan điểm của Pháp về vấn đề biển Đông, Chủ tịch nước mong muốn Pháp tiếp tục ủng hộ lập trường của ASEAN và Việt Nam về bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng không, hàng hải trên Biển Đông và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.