Chủ tịch QH: "Lấy lòng dân ở biên giới để bảo vệ vững chắc chủ quyền"
VOV.VN - "Tạo điều kiện cho người dân ở biên giới ổn định cuộc sống, sản xuất thì đó chính là những cột mốc vững chãi nhất"
Sáng 10/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn công tác của Quốc hội đã đến thăm và làm việc tại Đồn biên phòng Pa Tần, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm, làm việc với cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Pa Tần |
Cách thành phố Lai Châu hơn 50km, Đồn biên phòng Pa Tần nằm trên địa bàn huyện Sìn Hồ. Đồn quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài gần 13 km với 6 mốc giới, phụ trách 1 xã biên giới.
Thời gian qua, Đồn biên phòng Pa Tần đã triển khai các biện pháp công tác biên phòng, quản lý bảo vệ biên giới, địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động vi phạm Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.
Tổ chức đường tuần tra, kiểm soát đường biên mốc giới 41 lần với hơn 300 lượt người dân tham gia; phối hợp với Sở Ngoại vụ tổ chức phát quang đường thông tầm nhìn biên giới được gần 13km.
Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan tuyên truyền được 47 buổi cho gần 4.000 lượt người nghe về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Vận động bà con các bản vùng cao di dãn ra khu vực bản mới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao tinh thần của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Pa Tần |
Cho rằng, nhiệm vụ nòng cốt của lực lượng biên phòng là bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia. Chủ tịch Quốc hội đánh giá, cán bộ, chiến sỹ biên phòng nói chung không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ này mà còn giúp cho người dân ở địa phương phát triển kinh tế, khám chữa bệnh cho dân, làm những thầy giáo mang quân hàm xanh, dạy cho dân học, thực hiện công tác đối ngoại nhân dân, quốc gia. Đặc biệt, lực lượng biên phòng đã nhận nhiệm vụ tăng cường cho các xã biên giới tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giữ các cương vị chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền các xã.
Đồn biên phòng Pa Tần là nơi xa xôi, cách trở nên đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sỹ ở đây còn nhiều khó khăn. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dù vậy các chiến sỹ biên phòng của đồn đã được sống gần dân, giúp người dân phát triển kinh tế, đồng thời họ cũng là chỗ dựa cho những cán bộ, chiến sĩ biên phòng nơi đây.
“Những cột mốc bằng xi măng, cốt thép không thể nào bền vững bằng lòng dân. Nên việc tái định cư và tạo điều kiện cho người dân ở biên giới chúng ta có cuộc sống ổn định sản xuất thì đó chính là những cột mốc vững chãi nhất, lấy lòng dân ở biên giới để bảo vệ chủ quyền của chúng ta”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn các cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Pa Tần tạo điều kiện hơn nữa để giúp đỡ cho người dân có cuộc sống ổn định về kinh tế, thực hiện chính sách quân dân y kết hợp khám chữa bệnh cho người dân, những hoạt động này sẽ làm mối quan hệ quân dân gắn bó, khăng khít hơn.
Đồn biên phòng Pa Tần đề xuất với Chủ tịch Quốc hội 3 vấn đề: mở rộng, làm thêm đường tuần tra biên giới trên địa bàn tỉnh Lai Châu; nâng mức phụ cấp đặc biệt cho các cán bộ, chiến sỹ nói chung một số đồn biên phòng khó khăn gồm đồn biên phòng Pa Ủ, Thu Lũm và Mù Cả; trên địa bàn đơn vị đang quản lý có dự án di dãn dân ra khu vực cột mốc 54, để nghị cho mở lối đi, cải tạo nâng cấp đường ra khu vực cột mốc để tạo điều kiện cho việc lưu thông trao đổi, mua bán của người dân ở hai bên biên giới được thuận lợi.
Đánh giá cao tinh thần cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Pa Tần, đồng thời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chia sẻ với những khó khăn, gian khổ của cán bộ chiến sĩ, nhưng không hề ca thán, không ngại khó, ngại khổ đề xuất những công việc tốt cho dân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chỉ đạo Ủy ban Quốc phòng an ninh và Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nghiên cứu để giải quyết những kiến nghị của đồn; về đường tuần tra, xây dừng đường giao thông cho người dân, Chủ tịch Quốc hội đề nghị lãnh đạo tỉnh nghiên cứu đưa vào kế hoạch tổng thể đầu tư trung, dài hạn của tỉnh để trình lên Trung ương xem xét./.
“Không có cột mốc nào vững chắc bằng lòng dân ở biên giới“