Chủ tịch Quốc hội dự Hội nghị tổng kết hoạt động của Đoàn đại biểu năm 2023
VOV.VN - Chiều 28/3, tại Nhà Quốc hội đã diễn ra Hội nghị tổng kết hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự hội nghị.
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và các đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố. Tin của phóng viên Lê Tuyết.
Luồng gió mới thể hiện sự quan tâm của Quốc hội với hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội
Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, năm 2023 với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, đây là lần đầu tiên trong lịch sử 78 năm hoạt động Quốc hội Việt Nam đã tổ chức số lượng kỳ họp nhiều nhất trong một năm với 5 kỳ họp, trong đó có 3 kỳ họp bất thường để xem xét, quyết định kịp thời 84 vấn đề lớn, quan trọng, đáp ứng nhu cầu cấp bách của thực tiễn, góp phần quan trọng ổn định, phát triển đất nước, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ năm 2024 và các năm tiếp theo. Hoạt động giám sát được tăng cường và đổi mới, ngày càng linh hoạt, nhạy bén và sát với thực tiễn. Quốc hội đã kịp thời ban hành nhiều quyết sách quan trọng của đất nước.
Tại hội nghị đại diện các đoàn ĐBQH đánh giá cáo việc Quốc hội lần đầu tiên tổ chức hội nghị tổng kết sau 1 năm hoạt động. Đại biểu Lý Thị Lan, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng: "Cùng với sự đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử, Đoàn ĐBQH tại các địa phương rất vui mừng vì đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15, tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá hoạt động công tác năm của Đoàn đại biểu Quốc hội. Tôi cũng cho rằng, đây là cơ hội và tiếp tục là luồng gió mới thể hiện sự quan tâm của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội để có cơ hội được đóng góp, hoàn thiện hơn về yêu cầu, nhiệm vụ nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội ở các địa phương".
Cho ý kiến đóng góp vào phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2024, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề xuất đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố: "Tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, điều hòa hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong hoạt động giám sát, bảo đảm tránh trùng lặp các Đoàn giám sát tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Đối với địa phương có số Đoàn công tác vượt quy định, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội thông báo đến Tổng Thư ký Quốc hội về số lượng Đoàn công tác, nội dung làm việc, thành phần tham gia, thời gian làm việc cụ thể tại địa phương để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời điều chỉnh cho phù hợp".
Thành ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH TP Hồ Chí Minh Hà Phước Thắng đề nghị, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ tăng cường công tác giám sát việc thi hành Luật Nghị quyết của Quốc hội: "Ủy ban thường vụ Quốc hội cần có chế tài cụ thể đối với các đơn vị chậm ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, Nghị quyết, chậm thực hiện các báo cáo theo yêu cầu các cơ quan giám sát và giải quyết những kiến nghị giám sát trong hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội".
Dưới góc nhìn khác, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng, việc trả lời các kiến nghị của cử tri của các bộ ngành cơ quan trung ương, nhìn chung đều đảm bảo tiến độ, thể hiện thái độ cầu thị, tinh thần tiếp thu để đề xuất điều chỉnh.
"Tuy nhiên nội dung trả lời thì khá chung chung và không có tiến độ hoặc không có giải pháp cụ thể để thực hiện, nhất là đối những việc cụ thể liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành, nhiều trả lời còn chưa rõ, chưa cụ thể. Có những nội dung chuyển từ bộ, ngành này sang bộ, ngành khác. Tuy nhiên thì lại không có sự phối hợp giữa các bộ, ngành để trả lời thỏa đáng kiến nghị của cử tri. Đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát đối với các bộ ngành trong việc trả lời kiến nghị của cử tri", Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ.
Cần lấp khoảng trống trong tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá năm 2023 là năm khối lượng công việc Quốc hội rất lớn. Các đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội cũng đã tích cực phát huy tinh thần lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả và quyết sách kịp thời, phát huy cao độ, tinh thần trách nhiệm, trong công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát, tiếp xúc cử tri, việc tiếp công dân, theo dõi, đôn đốc việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, các đoàn ĐBQH, các ĐBQH phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục mở rộng, tăng thêm khối lượng công việc, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của đoàn ĐBQH. Đặc biệt, tiếp tục quán triệt vị trí, vai trò ý nghĩa của Đoàn đại biểu Quốc hội trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam nói chung. Trong đó, nhiệm vụ số một của đoàn ĐBQH là tổ chức để đại biểu Quốc hội tiếp công dân.
"Quyền hạn, nhiệm vụ là tổ chức tiếp công dân, phối hợp, đảm bảo điều kiện để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri. Đây là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất, cho nên trong khi chưa sửa được Nghị quyết về tiếp xúc cử tri thì trong khuôn khổ như nghị quyết hiện nay, đề nghị các đồng chí tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy để tiếp tục đổi mới sâu sát công tác tiếp công dân, tiếp xúc với cử tri. Trong luật hiện nay mới quy định ĐBQH tiếp xúc cử tri theo chương trình của Đoàn ĐBQH chứ chưa có quy định là ĐBQH tiếp xúc với cử tri độc lập, theo vai của ĐBQH thì chưa có quy định hướng dẫn cụ thể việc này. Có lẽ tới đây nghiên cứu hoàn thiện nghị quyết về tiếp xúc cử tri phải lấp được khoảng trống này", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đoàn ĐBQH tham gia phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội giám sát tại địa phương; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cư tri, công dân, yêu cầu các cơ quan chức năng báo cáo thông tin về lĩnh vực này; đồng thời cần báo cáo tình hình hoạt động của đoàn ĐBQH.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các ĐBQH cả chuyên trách và không chuyên cần phải đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cả cư tri nơi mình đại diện tại các địa phương và của cử tri cả nước; bám sát chương trình nội dung của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
Trong năm 2024, các đoàn ĐBQH đóng góp ý kiến vào các dự thảo luật, đặc biệt là Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; đoàn ĐBQH góp ý kiến cho đề án nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội; cho ý kiến vào dự thảo liên tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về công tác tiếp xúc cử tri; các nội dung liên quan đến hoạt động của đoàn ĐBQH về ngân sách; tiếp tục tăng cường đào tạo kỹ năng, năng lực cho các ĐBQH; tiếp tục kiện toàn nhân sự của các đoàn ĐBQH hiện đang thiếu; vị trí việc làm của ĐBQH chuyên trách...
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các đoàn ĐBQH bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương; giới thiệu quy hoạch các vị trí đại biểu dân cử và HĐND địa phương; có kế hoạch cụ thể triển khai phong trào Kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam và triển khai nghị quyết 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác thi đua khen thưởng.