Chủ tịch Quốc hội dự Lễ Trao giải thưởng VinFuture thường niên lần thứ 2
VOV.VN - Chủ tịch Quốc hội khẳng định giải thưởng VinFuture là nhịp cầu để các nhà nghiên cứu, phát minh trên toàn cầu hiện thực hoá những khát vọng khoa học lớn lao để phụng sự nhân loại.
Tối nay (20/12), tại Nhà hát Lớn TP Hà Nội đã diễn ra Lễ Trao giải thưởng Khoa học, Công nghệ toàn cầu thường niên VinFuture. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Lễ trao giải. Cùng dự có Giáo sư Sir Richard Henry Friend - Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture và các Đại sứ, Phó Đại sứ, đại diện Sứ quán các nước, các Tổ chức quốc tế tại Hà Nội. Giải thưởng chính trị giá 3 triệu USD đã được trao cho 5 nhà khoa học.
Khả năng tiếp cận toàn cầu mang lại cho giải thưởng Vinh Future một vị thế đặc biệt
Phát biểu tại Lễ trao giải, Giáo sư Sir Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture cho rằng, năm 2022 là một năm khó khăn. Sự nóng ấm toàn cầu đang diễn ra nhanh chóng, cơ hội ổn định khí hậu tăng mức 1,5 độ so với thời kỳ tiền công nghiệp dường như đang vuột đi và liệu cam kết toàn cầu tại Hội nghị COP 27 có đạt được mục tiêu phi carbon đủ nhanh hay không?
Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture cho biết, trong vài thập niên tới đây, thế giới sẽ chứng kiến quá trình tái cấu trúc năng lượng ở mức độ quy mô nhất từ việc phát điện đến việc lưu trữ và sử dụng điện. Những cơ hội để đạt được mục tiêu đó một cách hợp lý về chi phí và công bằng là có thật và thách thức toàn cầu này đòi hỏi sự hợp tác và tầm nhìn toàn cầu.
“Những khát vọng này được thể hiện rõ trong giải thưởng VinFuture, hướng tới vinh danh sự kết nối giữa những phát minh sáng tạo có tầm nhìn xa với những tác động thực tế từ phát minh đó đem lại cho sự thịnh vượng, bền vững toàn cầu. Đội ngũ của giải thưởng VinFuture đã vươn ra khắp thế giới để tìm kiếm những người tham gia công tác đề cử. Năm nay, VinFuture đã nhận được 970 đề cử từ khắp các châu lục. Khả năng tiếp cận toàn cầu này mang lại cho giải thưởng Vinh Future một vị thế đặc biệt”, Giáo sư Sir Richard Henry Friend nói.
VinFuture là nhịp cầu để các nhà nghiên cứu, phát minh trên toàn cầu hiện thực hoá những khát vọng để phụng sự nhân loại
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiệt liệt chào mừng các nhà khoa học từ nhiều nước trên thế giới đã đến với Việt Nam, đến với Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến và anh hùng, thành phố vì hòa bình để tham dự Lễ Trao giải thưởng Khoa học, Công nghệ toàn cầu thường niên VinFuture.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, điều đặc biệt và khác biệt so với mùa Giải lần thứ nhất đó là có thể cảm nhận rất rõ sự thoải mái, an toàn khi dịch Covid-19 gần như đã được kiểm soát hoàn toàn ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Điều này có được là nhờ sự đóng góp quan trọng của các công trình nghiên cứu sản xuất vaccine phòng chống Covid-19. Trong đó, nổi bật là công trình phát triển công nghệ mRNA, nền tảng của vaccine Covid-19 đã được chứng minh sức ảnh hưởng với hơn 150 quốc gia hưởng lợi từ nghiên cứu này. Các nhà khoa học là tác giả của công trình khoa học đã được vinh danh với Giải thưởng Chính tại Lễ trao giải thưởng VinFuture lần thứ nhất. Một lần nữa, trong Lễ trao giải VinFuture lần thứ 2, Chủ tịch Quốc hội trân trọng biết ơn, nhắc tới họ một lần nữa vì cống hiến, phụng sự nhân loại của Tiến sĩ Katalin Karikó, Giáo sư Pieter Cullis và Giáo sư Drew Weissman.
Tiếp nối thành công tốt đẹp của Giải thưởng VinFuture mùa đầu tiên với việc vinh danh các công trình khoa học đột phá, có tầm ảnh hưởng tích cực tới cuộc sống của con người ở quy mô toàn cầu, VinFuture mùa thứ hai đã được tổ chức trong sự mong đợi của cộng đồng khoa học quốc tế.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu bảo vệ sức khỏe là thách thức của nhân loại năm 2021, thì “Tái thiết và Hồi sinh” chính là vấn đề cấp thiết mà thế giới phải đối mặt năm 2022 và nhiều năm tiếp theo. Đây cũng là chủ điểm mà VinFuture 2022 đặt ra hậu đại dịch Covid 19, thể hiện tầm nhìn và sứ mệnh “Khoa học phụng sự nhân loại” của VinFuture.
Một trong những điểm khác biệt nổi bật của VinFuture là tác động lan toả toàn cầu và truyền cảm hứng tới cộng đồng khoa học ở khắp nơi trên thế giới. Điều này đã được thể hiện rõ rệt ở Giải thưởng mùa thứ 2. Đó là sự gia tăng của tỉ lệ đối tác đề cử đến từ các nhà khoa học châu Á với 34,6%. Đặc biệt, tỉ lệ đối tác đề cử đến từ châu Phi lên đến 12,4%, tăng hơn 6 lần so với năm 2021, không chỉ cho thấy nguồn cảm hứng mạnh mẽ từ Giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu do người Việt Nam khởi xướng, mà còn mang tới cho niềm hi vọng lớn lao về những công trình khoa học hữu ích với cuộc sống của hàng triệu người ở các quốc gia đang phát triển, hướng tới một thế giới phát triển công bằng hơn được khởi tạo từ khoa học và công nghệ.
Chủ tịch Quốc hội chúc mừng Giải thưởng VinFuture đã bước đầu khẳng định được uy tín và vị thế với giới khoa học quốc tế dù giải thưởng mới khởi động được một mùa; đồng thời nhấn mạnh, khoa học công nghệ đã thúc đẩy sự phát triển vượt bậc văn minh nhân loại. Khoa học công nghệ cũng giúp con người vượt qua những cơn đại hồng thủy - như đại dịch Covid-19 vừa qua. Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, khoa học công nghệ tiếp tục là động lực thúc đẩy sự tiến bộ của cả nhân loại trong thời đại mới, giúp cho con người có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, ấm no hơn, hạnh phúc hơn.
“Tôi tin rằng, Giải thưởng Khoa học Công nghệ toàn cầu VinFuture với việc tôn vinh những nhà khoa học có công trình nghiên cứu xuất sắc mang tính ứng dụng cao, kiến tạo môi trường sống bền vững cho thế hệ tương lai, đang thực hiện rất tốt sứ mệnh của mình. Không chỉ là sợi dây bền chặt gắn bó các nhà khoa học Việt Nam và thế giới, VinFuture còn là nhịp cầu để các nhà nghiên cứu, phát minh trên toàn cầu hiện thực hoá những khát vọng khoa học lớn lao để phụng sự nhân loại, đúng như Tiến sỹ Katalin Kariko, một trong những chủ nhân của Giải thưởng Chính VinFuture lần thứ nhất đã nói: “từ VinFuture, các nhà khoa học thế giới đã hiểu hơn về một Việt Nam đang mạnh mẽ vươn ra quốc tế”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Giải thưởng Chính trị giá 3 triệu USD đã được trao cho 5 nhà khoa học vì đã có những phát minh đột phá trong việc kết nối công nghệ mạng toàn cầu. Thay đổi toàn diện phương thức giao tiếp, làm việc của con người, đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế – xã hội hiện đại. Ban tổ chức cũng đã trao 3 Giải Đặc biệt dành cho các nhà khoa học nữ, các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực mới.
Thay mặt những chủ nhân nhận giải thưởng, Giáo sư David Neil Payne - một trong 5 chủ nhân Giải thưởng Chính chia sẻ: Vượt qua mục đích vinh danh các phát minh khoa học công nghệ, giải thưởng còn là cầu nối giữa các trí tuệ kiệt xuất để cùng nhau tạo ra những đột phá có ý nghĩa và thay đổi cuộc sống của hàng trăm triệu người trên toàn thế giới. Ở thời điểm hiện tại của sự nghiệp, ông tự hào khi mình đã làm được một điều gì đó góp phần thay đổi thế giới./.