Chủ tịch Quốc hội gặp mặt các đại biểu tiêu biểu các dân tộc thiểu số

VOV.VN - Chiều nay, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gặp mặt 100 Đại biểu tiêu biểu các các dân tộc thiểu số dự Đại hội dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ II năm 2020, đây là những đại biểu ưu tú của 54 dân tộc.

Cùng dự buổi gặp mặt có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến...

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, những đại biểu tiêu biểu ưu tú hôm nay sẽ là hạt nhân tích cực lan tỏa, truyền cảm hứng để xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc vững mạnh hơn. Đó là cội nguồn sức mạnh, là truyền thống quý báu của dân tộc ta, từ đó khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển phồn thịnh, hạnh phúc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài; cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị. Với tinh thần đó, trong giai đoạn vừa qua mặc dù đất nước còn gặp nhiều khó khăn nhưng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở đã dành nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Vì thế, chính sách dân tộc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực như kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ở địa bàn đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư đồng bộ hơn: Đến nay 100% đường từ tỉnh đến trung tâm huyện lỵ được rải nhựa hoặc bê tông hóa; 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới đạt 96,7%; 100% xã có trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,5% xã có trạm y tế; 76,7% thôn có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng.

Công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt kết quả ấn tượng, là một điểm sáng được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao. Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm 2-3%; các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm 3-4%; các huyện nghèo giảm 4-5%, có nơi giảm trên 5%. Công tác xóa mù chữ, chống tái mù chữ đạt kết quả tốt. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Chính sách hỗ trợ cho con em ở địa bàn đặc biệt khó khăn được quan tâm. Sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng. Phát triển cả về mạng lưới, trang thiết bị và đội ngũ; chất lượng khám chữa bệnh đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân. Hệ thống y tế dự phòng được quan tâm đầu tư, phát triển, góp phần nâng cao ý thức phòng chống bệnh của người dân, không để xảy ra dịch bệnh lớn. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đạt được kết quả rõ nét hơn. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, không để xảy ra các điểm nóng về an ninh trật tự. Đồng bào tích cực tham gia các phong trào giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nếp sống mới ở các buôn làng. Vai trò của các già làng trưởng bản ngày càng được phát huy. Công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số được quan tâm; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số phát triển cả số lượng và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn. Sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc không ngừng được củng cố và tăng cường, niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước được nâng lên rõ rệt.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao đồng bào các dân tộc thiểu số cả nước đã đóng góp xứng đáng công sức của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn vừa qua; đồng thời đề nghị những đại biểu tiêu biểu ưu tú hôm nay sẽ là hạt nhân tích cực lan tỏa, truyền cảm hứng để xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc vững mạnh hơn. Đó là cội nguồn sức mạnh, là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được bao thế hệ cha anh bền bỉ vun đắp; từ đó khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển phồn thịnh, hạnh phúc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các cấp, các ngành phải tập trung cao độ, triển khai thực hiện thật tốt Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030. Phấn đấu giảm dần tiến tới không còn địa bàn đặc biệt khó khăn vào năm 2030. Cùng với phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, chúng ta phải đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Đặc biệt phải kiên quyết bài trừ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết, phòng chống bệnh tật để nâng cao thể trạng, trí tuệ và tầm vóc con cháu chúng ta. Bảo tồn, phát triển văn hóa của các dân tộc kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào.

Bên cạnh đó, đồng bào các dân tộc thiểu số làm tốt hơn nữa phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, cùng với các cơ quan chức năng giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển; cùng nhau lên án và chặn đứng tệ nạn khai thác, chặt phá rừng trái phép.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, tại kỳ họp thứ 10 vừa qua, diễn đàn Quốc hội cũng nóng bởi vấn đề trồng rừng, chăm sóc rừng và các chính sách cho đồng bào phải sống được vì rừng. Đặc biệt, trong đợt thiên tai, bão lũ vừa qua, chúng ta cũng đã rút ra một bài học xương máu đó là, nếu chúng ta không giữ được rừng, không giữ được hệ sinh thủy, xâm hại hệ sinh thái rừng thì đời sống của đồng bào luôn bị bấp bênh và tại họa có thể ập đến bất cứ lúc nào. Vì thế, Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu để ban hành cơ chế, chính sách phù hợp hơn với thực tế; từng bước để đồng bào có thu nhập tốt hơn, đảm bảo lợi ích nhiều mặt từ bảo vệ và phát triển rừng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn, đồng bào các dân tộc phải thường xuyên nhắc nhớ lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ muôn vàn kính yêu rằng: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jrai hay Ê đê, Xơ đăng hay Ba na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Chúng ta phải thương yêu nhau, kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.

Từ đó, mỗi một suy nghĩ, hành động đều phải hướng tới củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng lên tầm cao mới; kết nối đồng bào các dân tộc trên mọi miền đất nước, cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân xây dựng đất nước ngày càng phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trước thềm Đại hội đại biểu Toàn quốc các Dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ 2
Trước thềm Đại hội đại biểu Toàn quốc các Dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ 2

VOV.VN - Đại hội đại biểu Toàn quốc các Dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ 2 năm 2020 là diễn đàn giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các dân tộc...

Trước thềm Đại hội đại biểu Toàn quốc các Dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ 2

Trước thềm Đại hội đại biểu Toàn quốc các Dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ 2

VOV.VN - Đại hội đại biểu Toàn quốc các Dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ 2 năm 2020 là diễn đàn giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các dân tộc...

Đoàn đại biểu các dân tộc thiểu số vào Lăng viếng Bác
Đoàn đại biểu các dân tộc thiểu số vào Lăng viếng Bác

VOV.VN - Sáng 3/12, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng dẫn đầu đoàn 1.600 đại biểu các dân tộc thiểu số vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tưởng niệm tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Bắc Sơn.

Đoàn đại biểu các dân tộc thiểu số vào Lăng viếng Bác

Đoàn đại biểu các dân tộc thiểu số vào Lăng viếng Bác

VOV.VN - Sáng 3/12, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng dẫn đầu đoàn 1.600 đại biểu các dân tộc thiểu số vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tưởng niệm tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Bắc Sơn.