Chủ tịch Quốc hội: Không ngừng cải thiện năng lực quản trị quốc gia, doanh nghiệp

VOV.VN - Phát biểu bế mạc tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Chúng ta phải tự cường, có ý thức đứng trên đôi chân của mình, không ngừng cải thiện năng lực quản trị quốc gia cũng như năng lực quản trị doanh nghiệp".

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 được tổ chức với phiên toàn thể tọa đàm cấp cao và 2 phiên chuyên đề, thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Diễn đàn có 10 báo cáo đề dẫn, 15 diễn giả tại phiên toàn thể và 2 phiên chuyên đề với rất nhiều các ý kiến tham gia trao đổi và thảo luận, tương tác lẫn nhau nhằm chia sẻ các thông tin về tình hình thế giới, tình hình trong nước, công tác phòng, chống dịch bệnh, về tăng trưởng, hồi phục, phát triển kinh tế đất nước.

Diễn đàn có sự tham dự của gần 200 đại biểu, gồm: 4 Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; 20 Uỷ viên Trung ương Đảng và 25 Bộ trưởng, Trưởng Ban Đảng, Trưởng ngành, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; 9 vị Đại sứ, Đại biện lâm thời của các nước trong khu vực và trên thế giới; 20 Tổng Giám đốc (CEO) của các doanh nghiệp. Diễn đàn được kết nối trực tuyến với 57 điểm cầu trong cả nước, kết nối với điểm cầu tại Hoa Kỳ, Pháp, Thuỵ Sỹ, Thái Lan và đại diện 5 tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Phát biểu kết luận tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã điểm lại các nội dung được thảo luận. Diễn đàn đã dành nhiều thời gian, trọng tâm thảo luận chính sách tài khoá và tiền tệ, các chính sách an sinh xã hội và các vấn đề lao động trong tổng thể chương trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tác động của đại dịch Covid-19 bất ngờ, chưa có tiền lệ, không lường trước được và cũng chưa biết bao giờ chấm dứt. Đó vẫn là câu chuyện phía trước. Dịch bệnh đã gây ra hậu quả tổn thất rất nặng nề và sâu rộng cho các nước trên thế giới mà Việt Nam không phải là ngoại lệ.  2 năm qua, Việt Nam đã bị thiệt hại khoảng 37 tỷ USD. Vì vậy, trong bối cảnh đặc biệt, cần thiết phải có giải pháp đột phá với các cơ chế khác trong điều kiện bình thường.

"Theo đó, cần tập trung tăng cả tổng cung và tổng cầu, trong đó ưu tiên nhiều hơn cho tổng cung, phối hợp chặt chẽ, hài hoà cả chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Chúng ta cần có gói hỗ trợ có quy mô đủ lớn, diện bao phủ rộng hơn, liều lượng hợp lý, thời điểm phù hợp có lộ trình khoảng 2 năm  với những mục tiêu dài hạn và những dự án đầu tư công. Phải có mục tiêu cụ thể, dễ dàng trong tổ chức thực hiện, đảm bảo tính khả thi, nhanh chóng kịp thời, vừa đáp ứng yêu cầu hỗ trợ người dân doanh nghiệp, hợp tác xã, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn phục hồi kinh tế vừa giữ được ổn định kinh tế vĩ mô và nền tảng cho giai đoạn phát triển mới.

Như đại diện Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế đánh giá, vĩ mô giữ được là rất lâu dài và rất khó, nhưng để mất ổn định vĩ mô thì rất nhanh, rất dễ. Ta phải thấm thía điều này, mất ổn định vĩ mô là mất hết. Do đó giải pháp trước mắt phải gắn với lâu dài".

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đại biểu đều đánh giá cần thiết phải có chính sách hỗ trợ và sớm thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh - tế xã hội. Điều này cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam. Tăng cường niềm tin của người dân, doanh nghiệp và tín nhiệm của quốc gia với các tổ chức, cộng đồng quốc tế.

Các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 được các đại biểu đưa ra đó là, cần bám sát chủ trương định hướng của Đảng và Nhà nước để cụ thể hóa kết luận Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương khóa 13, trong đó bảo đảm tính nhất quán kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế Việt Nam; tập trung tăng cả tổng cung và tổng cầu, vì hiện nay kể cả cầu của nền kinh tế cũng rất yếu; phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, như chính sách thương mại; quy mô phải đủ lớn, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, nếu không đủ liều lượng sẽ không giải quyết được những vấn đề cấp bách, không tạo ra được sự thay đổi, gây ra lãng phí.

Các đại biểu đã chỉ ra, tốc độ tăng trưởng của tín dụng cũng như các vấn đề liên quan đến thực thi trong giải ngân đầu tư công, triển khai các dự án khác của các thành phần kinh tế còn rất chậm, vướng mắc. Vì vậy, cần cải thiện cả năng lực hấp thụ của nền kinh tế.

Đặc biệt, các đại biểu cũng nhấn mạnh, cần bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đây là yêu cầu bắt buộc và rất quan trọng; đánh giá kỹ lưỡng tác động của chính sách và lưu ý đến độ trễ của chính sách; huy động, quản lý, phân bổ các nguồn lực hợp lý, minh bạch, công khai, chống tiêu cực và lợi ích nhóm.

Một trong những luận điểm trong diễn đàn này đó là, khủng hoảng kinh tế-xã hội lần này xuất phát từ dịch Covid-19, không phải xuất phát từ khủng hoảng kinh tế-tài chính. Cho nên, không chỉ khắc phục hậu quả của khủng hoảng do y tế, mà còn tính toán đến cả về lâu dài là cơ cấu, cấu trúc lại nền kinh tế để hướng tới phát triển theo hướng xanh, số và bền vững. Vì vậy, các chính sách kinh tế vĩ mô và công cụ mang tính hỗ trợ, trong đó chính sách tài khóa đóng vai trò chủ đạo, song vẫn cần có sự kết hợp hài hòa với chính sách tiền tệ, sự đóng góp của chính sách tiền tệ và phối hợp giữa hai chính sách.

Chủ tịch Quốc hội cũng đã tóm tắt những ý kiến về chính sách tài khóa và cách thức huy động nguồn lực; về chính sách tiền tệ, nhiều ý kiến đề nghị ngân hàng Trung ương có thể bằng các công cụ của chính sách tiền tệ như phấn đấu giảm lãi suất điều hành, các công cụ của thị trường mở cùng với cắt giảm chi phí của ngân hàng thương mại để tiếp tục chia sẻ khó khăn với các đối tượng tiếp cận tín dụng; về sử dụng nguồn lực, cần tập trung cho lĩnh vực y tế, trong đó ưu tiên tăng chi ngân sách cho củng cố hệ thống y tế cơ sở các cấp, chú trọng y tế cơ sở, y tế dự phòng, đầu tư hiện đại hóa các trung tâm kiểm soát bệnh tật, đẩy mạnh mua vaccine cùng nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, tăng cường năng lực xét nghiệm, trang thiết bị y tế, đào tạo huấn luyện nghiệp vụ y tế, chủ động phòng chống dịch Covid-19, hiện đại hóa ngành y tế...

Về lao động việc làm, cần phân bổ nguồn lực hợp lý để bảo đảm an sinh xã hội, ưu tiên khôi phục thị trường lao động, hỗ trợ cho lao động quay trở lại làm việc, khắc phục đứt gãy thị trường lao động, thiếu lao động…Tăng quy mô đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo trong hợp tác công tư, chuyển đổi số... Cần hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi thị trường đối với những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề.

Vấn đề an sinh xã hội, các ý kiến đề nghị nghiên cứu tiền hỗ trợ tiền thuê nhà của lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại các khu vực kinh tế trọng điểm, hỗ trợ đào tạo nghề; khẩn trương sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội Việt Nam để giải quyết những vấn đề bất cập hiện nay đối với lĩnh vực này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, giải quyết các tồn tại, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế trong thời gian tới, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cần tích cực, khẩn trương nghiên cứu, căn cứ các ý kiến rất quý báu của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức trong nước và quốc tế, các doanh nhân hôm nay để  đưa ra các giải pháp kịp thời và phù hợp, đồng thời hoàn thiện chương trình tổng thể phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, trong đó lưu ý đến vấn đề cải cách và hoàn thiện về thể chế.

"Qua Diễn đàn đã toát lên một số thông điệp như: chúng ta phải tự cường, phải có ý thức đứng trên đôi chân của mình, không ngừng cải thiện năng lực quản trị quốc gia cũng như năng lực quản trị doanh nghiệp. Nhiều diễn giả cho rằng chúng ta phải lạc quan, tự tin vào chính mình, tự tin vào dân tộc mình, tự tin với khả năng biến nguy thành cơ, tự tin trong tìm kiếm cơ hội…

Thông điệp rất nhất quán, rất thống nhất và được nói nhiều ở Diễn đàn là chúng ta đồng hành với nhau. Ngạn ngữ có câu muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau. Muốn đi xa trong điều kiện đường xá khúc khuỷu, gập ghềnh, khó khăn, thách thức như thế thì càng phải đoàn kết, sát cánh cùng nhau, không chỉ đoàn kết trong nước mà còn tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế, khu vực.  Sau cơn mưa trời lại sáng và sẽ rực rỡ hơn, hãy biến Covid-19 thành cơ hội của chúng ta", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thủ tướng họp trực tuyến với 8 tỉnh về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ
Thủ tướng họp trực tuyến với 8 tỉnh về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ

VOV.VN - Thủ tướng yêu cầu các địa phương nắm chắc tình hình, nhanh chóng khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất kinh doanh và cuộc sống bình thường người dân và chống dịch.

Thủ tướng họp trực tuyến với 8 tỉnh về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ

Thủ tướng họp trực tuyến với 8 tỉnh về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ

VOV.VN - Thủ tướng yêu cầu các địa phương nắm chắc tình hình, nhanh chóng khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất kinh doanh và cuộc sống bình thường người dân và chống dịch.

Thần tốc hơn nữa trong việc tiêm chủng, thuốc điều trị, đảm bảo an toàn, hiệu quả...
Thần tốc hơn nữa trong việc tiêm chủng, thuốc điều trị, đảm bảo an toàn, hiệu quả...

VOV.VN - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải thần tốc hơn nữa trong việc tiêm chủng, thuốc điều trị, đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả và đề cao hơn nữa ý thức của người dân trong phòng chống dịch Covid-19.

Thần tốc hơn nữa trong việc tiêm chủng, thuốc điều trị, đảm bảo an toàn, hiệu quả...

Thần tốc hơn nữa trong việc tiêm chủng, thuốc điều trị, đảm bảo an toàn, hiệu quả...

VOV.VN - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải thần tốc hơn nữa trong việc tiêm chủng, thuốc điều trị, đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả và đề cao hơn nữa ý thức của người dân trong phòng chống dịch Covid-19.

Thủ tướng chủ trì họp về nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vaccine ngừa Covid-19
Thủ tướng chủ trì họp về nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vaccine ngừa Covid-19

VOV.VN - Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi chủ trì cuộc họp về nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine và thuốc chữa bệnh Covid-19.

Thủ tướng chủ trì họp về nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vaccine ngừa Covid-19

Thủ tướng chủ trì họp về nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vaccine ngừa Covid-19

VOV.VN - Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi chủ trì cuộc họp về nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine và thuốc chữa bệnh Covid-19.