Chủ tịch Quốc hội: Rủi ro về hợp đồng dầu khí ai chịu trách nhiệm?

VOV.VN - Hợp đồng dầu khí rất quan trọng, có tính chất ràng buộc dài hạn và có thể xảy ra tranh chấp, rủi ro nên Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, quy định thành 2 bước phê duyệt là chưa rành mạch trách nhiệm.

Sáng 16/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Một trong những nội dung đáng chú ý là thẩm quyền phê duyệt hợp đồng dầu khí đang được thiết kế 2 phương án ở Điều 24 để xin ý kiến.

2 loại ý kiến về thẩm quyền phê duyệt hợp đồng dầu khí

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, loại ý kiến thứ nhất cho rằng, hợp đồng chia sản phẩm dầu khí có cấu trúc nội dung phức tạp do đặc thù của hoạt động dầu khí. Trong bối cảnh hiện nay thực hiện hoạt động dầu khí ngày càng hội nhập và đã có nhiều thay đổi so với thời điểm ban hành Luật Dầu khí năm 1993, cần có cơ chế mới về phê duyệt hợp đồng dầu khí bảo đảm tính chủ động cũng như nâng cao vai trò, trách nhiệm của Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) trong quá trình triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, việc giao PVN phê duyệt hợp đồng dầu khí không bảo đảm khách quan trong trường hợp PVN tham gia với tư cách nhà thầu độc lập ký kết hợp đồng dầu khí. Vì vậy, đề nghị tiếp thu ý kiến ĐBQH theo hướng quy định Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt nội dung chính của hợp đồng dầu khí; giao Bộ Công Thương phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí, trên cơ sở đó, PVN ký kết và quản lý hợp đồng dầu khí; đồng thời, bỏ quy định về Chính phủ ban hành hợp đồng dầu khí mẫu để bảo đảm sự thống nhất về chính sách.

“Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với loại ý kiến này” – ông Vũ Hồng Thanh nói.

Loại ý kiến thứ hai nhấn mạnh hợp đồng chia sản phẩm dầu khí là thoả thuận pháp lý quan trọng giữa Nhà nước và nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia tìm kiếm thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí quốc gia, có tính chất dài hạn với nhiều nội dung đặc thù có liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, mặt biển... Vì vậy, cần thiết quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí.

Ngoài ra, dự thảo Luật đã được thiết kế theo tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định một số nội dung quan trọng như: phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, nội dung hợp đồng dầu khí…; các nội dung khác giao Bộ Công Thương và PVN thực hiện. Đây cũng là phương án Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.

"Khi có rủi ro thì ai chịu trách nhiệm?"

Băn khoăn về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu thêm để thiết kế phương án phù hợp. Bởi, theo phương án 1 thì có bất cập là chưa rành mạch thẩm quyền, chưa rõ trách nhiệm.

“Hợp đồng rất quan trọng, ràng buộc trách nhiệm và nghĩa vụ, có tính chất dài hạn hàng chục năm, quá trình đó có thể có tranh chấp, rủi ro, quy định thành 2 bước phê duyệt thì sau này ai chịu trách nhiệm? Một việc chỉ nên giao một người. Giờ PVN trình lên Bộ và Bộ lại trình Thủ tướng và xin ý kiến các nơi trước khi phê duyệt rồi lại xuống Bộ duyệt nữa thì chưa rành mạch trách nhiệm giữa Thủ tướng và Bộ Công thương, chưa rõ cải cách hành chính, tôi sợ kéo rê, kéo dài” – ông Vương Đình Huệ nói “nên chăng Thủ tướng phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng, còn phân cấp thì luật quy định nguyên tắc cơ bản để Bộ Công Thương chịu trách nhiệm”.

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nêu quan điểm hợp đồng dầu khí là quan trọng nhất, tất cả các tranh chấp đều liên quan đến hợp đồng.

“Đây là cái quyết định cho tất cả, nhà đầu tư chỉ biết cái này, Chính phủ bị ràng buộc cũng chỉ bởi cái này. Với tầm quan trọng như vậy thì tôi nghĩ nên để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hai bên cùng phê duyệt hai nấc, không biết phê duyệt cái gì cả, mất rất nhiều thời gian. Hoạt động dầu khí liên ngành, đa ngành, đa lĩnh vực, Bộ công thương không thể tự quyết được và quyết thì phải có hội đồng gì đấy. Phương án 2 là hợp lý” – ông Ngọc nêu ý kiến.

Báo cáo thêm, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh hợp đồng dầu khí là mối quan hệ giữa nhà nước với nhà thầu dầu khí, nên trước khi PVN ký kết thì phải được cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt. PVN đề nghị luật quy định rõ trình tự và nội dung hợp đồng phải được phê duyệt.

“Như gợi ý của Chủ tịch Quốc hội là nên thống nhất thẩm quyền phê duyệt và thủ tục phê duyệt ngắn gọn” – ông Lê Mạnh Hùng cho biết.

Liên quan đến đề nghị bỏ hợp đồng mẫu, Tổng Giám đốc PVN cho rằng, cần cân nhắc vì hợp đồng mẫu giúp nhà thầu dầu khí sớm tiếp cận tài liệu liên quan đến quan điểm nước chủ nhà, giúp quá trình đàm phán ngắn hơn.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thì cho biết, tại dự thảo, Chính phủ đã phân cấp nhiều nội dung cho Bộ Công Thương và PVN, chỉ còn một số nội dung rất quan trọng thuộc thẩm quyền phê duyệt/chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ gồm: kết quả lựa chọn nhà thầu, nội dung hợp đồng dầu khí, gia hạn hợp đồng dầu khí trong trường hợp đặc biệt, chuyển nhượng quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí;

Hợp đồng dầu khí là thoả thuận ràng buộc pháp lý giữa Nhà nước và nhà đầu tư (nhà thầu dầu khí) có thời hạn rất dài (hơn 30 năm), có nhiều nội dung đặc thù liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, mặt biển,... Hơn nữa, các điều khoản của hợp đồng dầu khí liên quan mật thiết với nhau, do đó rất khó phân định các điều khoản chính, điều khoản phụ.

“Do vậy, việc quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí là phù hợp thực tiễn hoạt động dầu khí tại Việt Nam” – ông Nguyễn Hồng Diên giải trình.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị tiếp tục rà soát căn cứ pháp lý, thực tiễn, đánh giá đẩy đủ, toàn diện các tác động, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đánh giá kỹ ưu, nhược điểm của 2 loại ý kiến phân cấp phê duyệt hợp đồng dầu khí và xin ý kiến của Hội nghị đại biểu quốc hội chuyên trách các đoàn đại biểu Quốc hội để lựa chọn phương án phù hợp.

“Cần lưu ý về ý kiến của Chủ tịch Quốc hội về đảm bảo phân cấp cụ thể, minh bạch, làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương” – ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giải quyết vướng mắc cho lĩnh vực dầu khí
Giải quyết vướng mắc cho lĩnh vực dầu khí

VOV.VN - Việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

Giải quyết vướng mắc cho lĩnh vực dầu khí

Giải quyết vướng mắc cho lĩnh vực dầu khí

VOV.VN - Việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

Thủ tướng: Kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành điện, than, dầu, khí
Thủ tướng: Kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành điện, than, dầu, khí

VOV.VN - Thủ tướng nhấn mạnh, kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, "xin-cho", "giấy phép con" trong ngành điện, than, dầu, khí, hướng tới mục tiêu phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Thủ tướng: Kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành điện, than, dầu, khí

Thủ tướng: Kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành điện, than, dầu, khí

VOV.VN - Thủ tướng nhấn mạnh, kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, "xin-cho", "giấy phép con" trong ngành điện, than, dầu, khí, hướng tới mục tiêu phục hồi nhanh và phát triển bền vững.