“Chưa nhiệm kỳ nào chống tham nhũng quyết liệt, hiệu quả như thế”

VOV.VN - Phòng, chống tham nhũng phải tiến hành liên tục, "không ngừng," "không nghỉ”. Điều này được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nhiều lần và kết quả năm 2020 tiếp tục khẳng định quyết tâm trên, cho thấy “nói đi đôi với làm”.

Covid-19 với sự ảnh hưởng toàn diện và mang tính lịch sử đã và đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Việt Nam cũng trải qua những giai đoạn “chống dịch như chống giặc” ngay từ đầu năm và cho đến thời điểm này, dù dịch bệnh được kiểm soát rất tốt, chúng ta cũng chưa bao giờ lơ là trước nguy cơ hiện hữu. Và cũng không vì trong bối cảnh đó mà công tác phòng chống tham nhũng bị sao nhãng. Ngược lại, “lò” chống tham nhũng vẫn “đỏ lửa”.

Báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp cuối năm, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, việc thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp phòng ngừa tham nhũng kết hợp với việc phát hiện và xử lý nghiêm minh một số vụ án liên quan đến tham nhũng, cùng với hiệu ứng tích cực có được từ công tác vận động, tuyên truyền và các đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng, các ngành, các cấp trong hệ thống nhà nước nhất là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII) đã có tác dụng răn đe và hạn chế tham nhũng.

Báo cáo của Chính phủ nêu ra những con số tích cực trong công tác này, nổi bật là: Toàn ngành thanh tra đã triển khai 6.875 cuộc thanh tra hành chính và 210.199 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Phát hiện nhiều vi phạm; kiến nghị thu hồi 44.582 tỷ đồng và trên 1.401 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.656 tập thể và nhiều cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 155 vụ, 135 đối tượng (so với cùng kỳ năm 2019, tăng 53 vụ).

Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 54.770,44 tỷ đồng; chuyển hồ sơ 4 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan điều tra; 2 vụ việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Các Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân thụ lý điều tra 531 vụ án, 1.245 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 290 vụ, 616 bị can (tăng 70 vụ, 101 bị can so với cùng kỳ năm 2019). Viện KSND các cấp thụ lý giải quyết 350 vụ/962 bị can.  TAND các cấp thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 436 vụ với 1.175 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 269 vụ, 645 bị cáo phạm các tội tham nhũng.

Nhiều đại án tiếp tục được đưa ra xét xử như vụ cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận hàng triệu USD trong thương vụ Mobifone mua AVG; Cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm nâng khống giá máy xét nghiệm trong khi cả nước gồng mình chống dịch Covid-19 và chăm lo cho người yếu thế, cùng nhiều cựu cán bộ cấp cao hầu toà vì vi phạm pháp luật và phải nhận các mức án nghiêm minh.

Cùng với số lượng vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý tăng cao thì công tác thu hồi tài sản tham nhũng có nhiều chuyển biến.

Những con số trên là cơ sở để Chính phủ báo cáo Quốc hội rằng “nhìn chung, tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm; góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế”.

Kết quả nổi bật trên một lần nữa khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước rằng "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào" và rõ ràng không “chùng xuống” như một số ý kiến băn khoăn mà thậm chí còn làm quyết liệt hơn.

Như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 rằng không phải như một số ý kiến cho rằng nếu quá tập trung vào chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ làm giảm sự đổi mới, sáng tạo, làm "chùn bước" những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và làm "chậm" sự phát triển đất nước. Ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Điều đó được chứng minh sinh động qua số liệu khách quan: Tạp chí The Economist tháng 8/2020 xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo Ngân hàng thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% một năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất. 

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, trong khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái, với việc chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt “mục tiêu kép”, Việt Nam vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương ở mức khá. Tổng cục Thống kê mới công bố số liệu về kinh tế năm 2020 cho thấy GDP Việt Nam tăng 2,91%. Việc Việt Nam đối diện, kiểm soát và đẩy lùi đại dịch Covid 19 được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đã góp phần vào thành tựu chung của đất nước. Dù còn những hạn chế, tồn tại trong công tác này, nhưng đáng mừng hơn khi đấu tranh phòng chống tham nhũng đã trở thành phong trào quần chúng, đã trở thành xu thế không ai có thể cưỡng lại được.

Theo ông Nguyễn Đức Hà- nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng- Ban Tổ chức Trung ương, ít có nhiệm kỳ nào tập trung cao độ cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đến như vậy, khi chỉ nửa đầu nhiệm kỳ có 4 nghị quyết và 1 quy định về công tác xây xựng Đảng được ban hành; Bộ Chính trị, Ban Bí thư ra hơn 100 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

“Chưa có nhiệm kỳ nào mà công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đẩy lên giai đoạn cao như thế, quyết liệt như thế, mạnh mẽ và hiệu quả như thế!” – ông Nguyễn Đức Hà nhấn mạnh và dẫn ra con số hàng chục nghìn cán bộ đảng viên, trên 110 cán bộ cao cấp cả đương chức và nguyên chức bị xử lý, kỷ luật.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý đây là cuộc chiến đầy cam go, phức tạp nên phải kiên quyết, kiên trì, không ngừng nghỉ, thậm chí “không được phép để cán bộ, đảng viên và nhân dân có cảm giác công tác này đang chững lại, chùng xuống mặc dù chúng ta không thế”.

Đó cũng là cơ sở để xây dựng niềm tin rằng công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ tiếp tục được thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ. 

“Lửa” chống tham nhũng vẫn sẽ “đượm” dù trước hoàn cảnh nào!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng

VOV.VN - Sáng nay (12/12), Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013- 2020 diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng

VOV.VN - Sáng nay (12/12), Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013- 2020 diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Không để suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong Quân đội
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Không để suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong Quân đội

VOV.VN - Tại Hội nghị Quân chính toàn quân năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Đấu tranh chống các biểu hiện cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, giảm sút niềm tin, mơ hồ, mất cảnh giác, không để suy thoái tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Không để suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong Quân đội

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Không để suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong Quân đội

VOV.VN - Tại Hội nghị Quân chính toàn quân năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Đấu tranh chống các biểu hiện cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, giảm sút niềm tin, mơ hồ, mất cảnh giác, không để suy thoái tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ.