“Chúng ta có một lộ trình chung - hướng tới chủ nghĩa xã hội”

VOV.VN - Tổng biên tập báo "Sự thật" Boris Komotsky khẳng định, Việt Nam giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ có những thành công mới về kinh tế.

Những năm qua, Đảng cộng sản Việt Nam đã dẫn dắt đất nước đi theo con đường mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn, đó là vận dụng sáng tạo học thuyết Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Hơn nữa, Đảng còn được chỉ lối, soi đường bằng những tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh”.

Những thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội, uy tín ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế là minh chứng rõ nhất về tính đúng đắn và hiệu quả của mô hình này. Những thành công của Việt Nam được nhiều chuyên gia, học giả nước ngoài, trong đó có Nga quan tâm ngưỡng mộ và đánh giá cao, đồng thời tin tưởng vào những đường hướng chiến lược tiếp tục được thông qua tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam. Về vấn đề này, VOV xin giới thiệu ý kiến của Tổng biên tập báo "Sự thật"(Pravda), Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên bang Nga Boris Olegovich Komotsky.

PV: Thưa Tổng biên tập báo "Sự thật" Boris Komotsky, ông đánh giá như thế nào về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam sau gần 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam?

Ông Boris Komotsky: Việt Nam ngày nay là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất không chỉ ở Đông Nam Á mà trên toàn thế giới. Tăng trưởng hàng năm từ 5-7% là một chỉ số tốt trong điều kiện hiện đại. Nếu những năm 1970 của thế kỷ trước, theo Liên Hợp Quốc, Việt Nam nằm trong nhóm 25 nước nghèo nhất thế giới, thì đến giữa những năm 1990, Việt Nam nhanh chóng vươn lên nhóm các nước dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế và trong 1/4 thế kỷ đã giữ được vị trí của mình.

Đảng Cộng sản Việt Nam có mọi lý do để tin tưởng rằng, chính sách đổi mới có một vai trò quan trọng trong thành công này. Đường lối “Đổi mới” được Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua cách đây 35 năm, đã tự chứng minh. Nền kinh tế nhiều thành phần trong điều kiện của thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, xét theo kinh nghiệm sẵn có trên thế giới, là một trong những quy luật của thời kỳ quá độ. Mô hình này bắt đầu "phát huy tác dụng" từ 100 năm trước, khi theo sáng kiến ​​của Vladimir Ilyich Lenin, sau khi kết thúc cuộc nội chiến, một chính sách kinh tế mới bắt đầu được thực hiện ở Nga, khi thành phần tư bản tư nhân và chủ nghĩa tư bản nhà nước được đưa vào đời sống kinh tế của xã hội đang xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong năm 2020, đại dịch COVID-19 đã là một thử thách nghiêm trọng đối với trật tự xã hội của hầu hết các quốc gia trên hành tinh. Cơ cấu xã hội của Việt Nam đã vượt qua thử thách này một cách thành công. Ở đất nước 100 triệu dân, chỉ có 35 người tử vong là câu trả lời thuyết phục nhất cho câu hỏi của bạn.

Việt Nam giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ có những thành công mới về kinh tế, bởi vì Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ đánh giá một cách tỉnh táo những thành tựu mà còn cả những tồn tại. Trong các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam được Đảng và nhân dân đưa ra thảo luận, có thể thấy rằng, nền kinh tế Việt Nam, mặc dù đã đạt được những thành công rõ ràng, nhưng xét về tổng thể thì vẫn còn tụt hậu so với nhiều nước ASEAN. Việt Nam có thể khắc phục thành công sự tụt hậu này là do Đảng đã đặt ra nhiệm vụ phát triển nền kinh tế trên nền tảng khoa học hiện đại và công nghệ mới.

PV: Ông vừa nhấn mạnh về mô hình phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, trong đó có vai trò dẫn dắt xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vậy ông có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này, đặt trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường?

Ông Boris Komotsky: Câu hỏi này có thể được trả lời bằng một cụm từ: Đảng Cộng sản là trụ cột của hệ thống chính trị Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình phát triển của mình. Nếu giải mã ý tưởng này, thì tốt nhất nên tham khảo hai tài liệu. Đầu tiên là báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trình Đại hội XII của Đảng, kết thúc bằng việc liệt kê sáu nhiệm vụ chủ yếu mà Đảng đang thực hiện trên đường tiến tới Đại hội lần thứ XIII. Văn kiện thứ hai là bài viết gần đây của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Phú Trọng "Chuẩn bị kỹ lưỡng và tổ chức thành công Đại hội Đảng lần thứ XIII, xây dựng đất nước ở giai đoạn mới", trong đó nêu 5 biện pháp góp phần thực hiện các kế hoạch phát triển xã hội Việt Nam được đề xuất để những người cộng sản Việt Nam thông qua tại Đại hội XIII.

Một mặt, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam có sự kế thừa, không thay đổi các định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng. Cả trong 5 năm qua và trong thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra đối với Đảng là nâng cao vai trò và uy tín của mình. Và muốn vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ chỉnh đốn hàng ngũ đảng mà còn phải đảm bảo công bằng xã hội, định hướng nhà nước theo hướng tăng cường cơ sở pháp lý, v.v. Mặt khác, Đảng, trong khi giữ nguyên các chủ trương chính của mình, đang nâng cao mức độ yêu cầu đối với cả các thành viên và vai trò lãnh đạo của mình. Vì vậy, nếu tại Đại hội XII đặt ra nhiệm vụ “tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị” thì Đại hội XIII lại đề cao yêu cầu: đó là yêu cầu về tính chất hài hòa công việc của cả hệ thống chính trị, về bảo đảm hài hòa lợi ích xã hội.

PV: Cùng với việc giải quyết những vấn đề nội bộ, theo ông, chính sách đối ngoại nhằm hội nhập quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đang mang lại những lợi ích gì?

Ông Boris Komotsky: Vị trí địa chính trị của Việt Nam như vậy nên lợi ích của các quốc gia khác nhau giao cắt trong khu vực này. Điều này đòi hỏi đảng cầm quyền phải theo đuổi chính sách đối ngoại mềm dẻo. Và chúng tôi thấy rằng nhiệm vụ này đang được giải quyết thành công. Hoạt động chính sách đối ngoại của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và các cơ quan chức năng của Nhà nước đảm bảo chính sách đa phương và nhiều mặt, sử dụng cho vấn đề này là các kênh của cả quan hệ song phương và đa phương. Nhờ chính sách đối ngoại có trách nhiệm và chu đáo như vậy, Việt Nam đã góp phần quan trọng vào hội nhập quốc tế, giữ gìn hòa bình, ổn định ở khu vực và bảo vệ chủ quyền. Uy tín quốc tế cao của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được minh chứng bằng việc năm 2020 Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc,  Chủ tịch ASEAN. Trong cả hai trường hợp, Việt Nam đều đảm nhiệm thành công với những trách nhiệm có liên quan.

PV: Vậy ông có niềm tin như thế nào vào khả năng thực hiện các mục tiêu đã được nêu trong các Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam để đạt được những thành tựu phát triển mới?

Ông Boris Komotsky: Những kinh nghiệm hoạt động trước đây của Đảng Cộng sản Việt Nam cho thấy sự tin tưởng rằng, Đảng sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Ban Chấp hành Trung ương đã đề ra trong các văn kiện trình Đại hội XIII. Ở đây chỉ có thể bày tỏ mong muốn, những thành quả đã tích lũy trong lịch sử 90 năm của Đảng phải được giữ gìn cẩn thận. Và đây là câu chuyện về sự tin tưởng đi theo học thuyết của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng của Hồ Chí Minh. Kinh nghiệm thế giới đã chứng minh chân lý và thắng lợi của lý thuyết vĩ đại này, chứng minh rõ ràng rằng, sự sai lệch nghiêm trọng trong vận dụng dẫn đến sự thất bại của chủ nghĩa xã hội, dẫn đến những bất hạnh và khổ đau của nhân dân lao động.

Các văn kiện do Ban Chấp hành Trung ương trình Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt mục về tiêu kinh tế - xã hội, Việt Nam trở thành nước phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại vào năm 2025. Điều này sẽ không chỉ củng cố nhà nước Việt Nam và nền kinh tế, mà còn dẫn đến sự lớn mạnh của giai cấp công nhân, có nghĩa là nó sẽ củng cố cơ sở xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, cơ quan báo in của Đảng Cộng sản Liên bang Nga, báo “Sự thật”-tờ báo của Lenin, càng thêm tin tưởng vào con đường thắng lợi của Đảng Cộng sản Việt Nam, và Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ trở thành một mốc son trên con đường này.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông Boris Komotsky!

*Tiêu đề bài trả lời phỏng vấn do ông Komotsky đặt.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đại sứ Lào tại Việt Nam: “Nhân sự Đại hội XIII của Đảng CSVN được chuẩn bị kỹ lưỡng”
Đại sứ Lào tại Việt Nam: “Nhân sự Đại hội XIII của Đảng CSVN được chuẩn bị kỹ lưỡng”

VOV.VN - "Công tác nhân sự của Đại hội XIII của Đảng CSVN có nhiều đổi mới, trong đó tập trung phát huy quyền dân chủ, khách quan, công khai, trong sáng, kỹ lưỡng, đúng nguyên tắc".

Đại sứ Lào tại Việt Nam: “Nhân sự Đại hội XIII của Đảng CSVN được chuẩn bị kỹ lưỡng”

Đại sứ Lào tại Việt Nam: “Nhân sự Đại hội XIII của Đảng CSVN được chuẩn bị kỹ lưỡng”

VOV.VN - "Công tác nhân sự của Đại hội XIII của Đảng CSVN có nhiều đổi mới, trong đó tập trung phát huy quyền dân chủ, khách quan, công khai, trong sáng, kỹ lưỡng, đúng nguyên tắc".