Chuyến công tác nước ngoài của Chủ tịch nước có ý nghĩa hết sức quan trọng
VOV.VN - Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang, chuyến công tác của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Cuba và tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao ĐHĐ Liên hợp quốc Khóa 76 là chuyến thăm đa mục tiêu, có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Từ ngày 18/9 đến ngày 24/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ bắt đầu chuyến thăm hữu nghị chính thức Cuba, tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 76 Đại hội đồng LHQ và thực hiện một số hoạt động song phương tại Hoa Kỳ.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, chuyến công tác của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Cuba và tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 76, nhằm triển khai đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại” ở tầm lãnh đạo cấp cao của Việt Nam. Đây cũng là chuyến thăm đa mục tiêu, với nhiều ý nghĩa hết sức quan trọng”.
Trước thềm chuyến thăm, phóng viên VOV đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đặng Hoàng Giang về các nội dung này.
PV: Thứ trưởng đánh giá thế nào về mối quan hệ hai nước Việt Nam và Cuba cũng như bối cảnh chuyến thăm chính thức tới Cuba của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lần này?
Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang: Việt Nam và Cuba đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1960. Cuba luôn là nước đi đầu ủng hộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành độc lập và thống nhất đất nước của Việt Nam, với tinh thần trong câu nói bất hủ của Chủ tịch Fidel Castro là “vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Tinh thần ấy được truyền lại trong suốt 60 năm qua nhằm duy trì tình cảm, mối quan hệ chân thành giữa hai nước Việt Nam - Cuba, vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ, vượt qua mọi rào cản về địa lý giữa hai bán cầu.
Chính vì vậy, chuyến thăm Cuba lần này của Chủ tịch nước mang ý nghĩa hết sức đặc biệt. Đó là chuyến thăm khẳng định ưu tiên của chúng ta trong quan hệ với các nước truyền thống anh em. Đây cũng là một chuyến thăm lịch sử bởi lẽ đây là chuyến thăm Cuba lần đầu tiên sau khi chúng ta tổ chức thành công Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên thăm Cuba sau khi bạn tổ chức thành công Đại hội Đảng lần thứ VIII.
Chuyến thăm cũng thể hiện tình đoàn kết sự ủng hộ chặt chẽ chúng ta đối với Cuba, nhất là trong bối cảnh hai nước còn gặp rất nhiều khó khăn, thể hiện rõ bản sắc ngoại giao Việt Nam là chân tình và thủy chung.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hết sức đặc biệt hiện nay, sự giúp đỡ hỗ trợ vô tư trong sáng giữa hai nước càng có ý nghĩa đặc biệt. Việt Nam đang phải chịu làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư. Việc Cuba hỗ trợ Việt Nam vaccine và được sự chỉ đạo trực tiếp từ lãnh đạo cấp cao nhất của Cuba thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Cuba đối với Việt Nam. Đồng thời viện trợ lương thực của Việt Nam cho Cuba trong thời gian qua cũng là những nỗ lực của Đảng, Nhà nước Việt Nam dành cho nhân dân Cuba trong giai đoạn, thời khắc hết sức khó khăn hiện nay.
Với sự giúp đỡ chân tình trong sáng như vậy đã thể hiện rõ tinh thần “tối lửa tắt đèn có nhau” trong quan hệ giữa hai nước bạn bè anh em truyền thống.
PV: Trong chuyến công tác này, Chủ tịch nước sẽ tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 76 Đại hội đồng LHQ. Xin Thứ trưởng cho biết những đóng góp nổi bật của Việt Nam trong quá trình đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an từ đầu năm 2020 đến nay và trong thời gian tới?
Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang: Liên Hợp Quốc cho đến nay vẫn được khẳng định là tổ chức quốc tế hàng đầu có tính chất toàn cầu với thành viên là tất cả tuyệt đại đa số các nước trên thế giới và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là cơ quan quan trọng hàng đầu của Liên Hợp Quốc mang sứ mệnh của LHQ, duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Chính vì vậy, sự tham gia của Việt Nam mang ý nghĩa hết sức quan trọng.
Trong suốt 2 năm qua, chúng ta tham gia Hội đồng Bảo an đã thể hiện rõ tinh thần Việt Nam là thành viên tích cực có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và những đóng góp của Việt Nam tại HĐBA thể hiện rõ quan điểm của chúng ta. Đó là trong thế giới tùy thuộc hiện nay, không có một người dân nào, không có một quốc gia nào có thể an toàn nếu như vẫn còn nguy cơ, cho dù đó là chiến tranh hay dịch bệnh.
Chính vì vậy thông điệp xuyên suốt của chúng ta trong thời gian đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là: vì một nền hòa bình bền vững. Những đóng góp của chúng ta thể hiện rõ, Việt Nam mong muốn một nền hòa bình cho nhân loại, thông qua việc tôn trọng độc lập chủ quyền của mỗi nước, thông qua việc tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế và quan trọng nhất là mong muốn sự đoàn kết hợp tác trong việc giải quyết các thách thức chung trên toàn cầu hiện nay.
Chúng ta cũng thể hiện những đóng góp trong thời gian qua thông qua những hành động cụ thể như đã cử các chiến sĩ tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Liên Hợp Quốc, tại các khu vực bất ổn của thế giới để mong muốn duy trì, lập lại hòa bình, ổn định ở các khu vực này.
PV: Thứ trưởng có thể cho biết đôi nét về phiên thảo luận chung cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng như mục đích, ý nghĩa của việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự và phát biểu tại sự kiện này?
Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang: Có thể nói, phiên thảo luận cấp cao của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc hàng năm luôn là sự kiện đa phương lớn nhất hành tinh và quy tụ hầu hết các lãnh đạo, nguyên thủ các nước tham dự. Đây cũng là nơi, là dịp để các nước bày tỏ lập trường cũng như các nước hợp tác cùng chung tay giải quyết những thách thức chung toàn cầu. Chính vì vậy, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc lần này có sự tham dự của hơn 100 nguyên thủ quốc gia trên thế giới mặc dù trong bối cảnh Covid-19.
Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự phiên thảo luận cấp cao Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 76 lần này là dịp để chúng ta bày tỏ thông điệp về một nước Việt Nam độc lập tự cường, có khát vọng và tầm nhìn phát triển, có đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, đã đang và tiếp tục đóng góp vào công việc chung của cộng đồng quốc tế vì hòa bình và phát triển.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng./.