Chuyên gia giải mã khát vọng đưa đất nước “cất cánh” như Nghị quyết của Đảng
VOV.VN - Theo TS. Phạm Đình Đảng - nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, để đưa đất nước "cất cánh" cần bắt đầu từ tầm nhìn, từ định vị quốc gia, từ tầm nhìn thời thế, cần lựa chọn những giải pháp căn bản, đặc biệt cần chuẩn bị một lực lượng đủ để đi xa.
Nhân kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2022), tối 26/1, tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam đã diễn ra chương trình giao lưu nghệ thuật “Dưới lá cờ Đảng”. Chương trình do Truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện, được truyền hình trực tiếp từ Trung tâm Phát thanh Quốc gia trên kênh Truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài PTTH Quảng Ninh và các ứng dụng của Truyền hình VOVTV.
Chương trình nhằm tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam; những mốc son chói lọi của Đảng qua 92 năm thành lập, xây dựng và trưởng thành; những thắng lợi vĩ đại và thành tựu to lớn của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, uy tín và năng lực lãnh đạo, năng lực cầm uyền và sức chiến đấu của Đảng.
Đồng thời khẳng định chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam; tập trung nêu bật những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, nhất là trong hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cùng với các tiết mục nghệ thuật do các nghệ sĩ của Nhà hát Đài TNVN trình diễn, tham dự chương trình giao lưu còn có các khách mời là các chuyên gia đã phân tích làm rõ vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng; truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam; những mốc son chói lọi của Đảng qua 92 năm thành lập, xây dựng và trưởng thành; vai trò của Đảng trong việc đưa ra những đường lối, chủ trương để phát triển kinh tế đất nước; những cơ hội và thách thức đặt ra cho sự phát triển kinh tế Việt Nam...
Nói về vai trò không thể thay thế của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc đưa đất nước phát triển và hội nhập thế giới, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nêu rõ, vai trò lãnh đạo của Đảng đóng vai trò quyết định. Sự ra đời của Đảng vào ngày 3/2 mở ra một thời kỳ mới cho dân tộc, có một chính đảng duy nhất lãnh đạo đất nước. Việc chúng ta tiếp tục kiên định với con đường xã hội chủ nghĩa, tất cả vì nhân dân Việt Nam, vì nhân loại tiến bộ và hòa bình thế giới cũng thể hiện rất rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, thể hiện sự lựa chọn của dân tộc. Đảng đã thể hiện bản lĩnh một cách kiên định lãnh đạo nhân dân để có được những thành quả như ngày hôm nay.
Đánh giá về kết quả kinh tế năm 2021 của Việt Nam, PGS.TS. Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nêu rõ, năm 2021 đất nước đã đương đầu với những khó khăn vô cùng khốc liệt, đặc biệt trong quý III với làn sóng dịch do biến thể Delta. Tuy nhiên trong bối cảnh đó, Việt Nam đã vượt qua được khó khăn, nhờ vào truyền thống đoàn kết của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và quan trọng nữa là ý chí của toàn Đảng, toàn dân.
Theo PGS.TS Phạm Hồng Chương, các chuyên gia cũng thống nhất cho rằng, sự phát triển kinh tế của năm 2021 gắn liền với thành công trong phòng chống dịch. Nhờ có phòng chống dịch thành công chúng ta mới có tiền đề để phát triển kinh tế. Cùng với đó, chúng ta đã có một sự thích ứng hài hòa khi điều kiện cho phép, đó là thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế. Những thành công trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt trong quý IV, khi chúng ta đã khắc phục được phần nào sự đứt gẫy trong các chuỗi cung ứng, khi chúng ta bắt đầu hồi phục nguồn cung lao động, bắt đầu có những gam màu sáng, là nền tảng để chúng ta có thể lạc quan để bước vào năm 2022.
Với những tiền đề và lợi thế tự nhiên về địa - chính trị, địa - kinh tế… mang tầm chiến lược của đất nước, những điều kiện thời đại mang lại, theo PGS. TS Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương - Bộ Công Thương, chúng ta có thể nhìn thấy những cơ hội và thách thức cho sự phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025.
Đó là năm 2022 chúng ta sẽ quay trở lại với nhịp độ phát triển cao và mở ra một chương mới, đúng như lãnh đạo Đảng ta đã nói, chưa bao giờ vị thế của Việt Nam cao như vậy, cơ hội của Việt Nam tốt như vậy. Với mục tiêu của Đảng đề ra đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 sẽ phải đạt từ 6,2-6,4%, một mục tiêu rất cao, đòi hỏi chúng ta phải cố gắng rất nhiều.
PGS.TS Phạm Tất Thắng cũng cho rằng, nói chúng ta có cơ hội là bởi Đảng, Nhà nước đã ký tới 16 hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia, đặc biệt là 2 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với EU và khu vực châu Á-TBD đã mở ra “2 con đường cao tốc để Việt Nam đi ra thế giới, đi tới những thị trường phát triển cao”. Những cơ hội đó không chỉ có thuận lợi mà cũng có cả thách thức trong cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, chuỗi cung ứng…, đặc biệt là chủ trương sống chung với Covid-19 một cách an toàn có thực hiện được không. Những thách thức đó đòi hỏi chúng ta phải có một sự đồng lòng.
Để thực hiện khát vọng “cất cánh”, xây dựng một nền kinh tế hùng mạnh như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã hoạch định, câu hỏi đặt ra là “cất cánh khi nào, cất cánh từ đâu và cất cánh như thế nào?”. Trả lời câu hỏi này, TS. Phạm Đình Đảng - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng cần bắt đầu từ tầm nhìn, từ định vị quốc gia, từ tầm nhìn thời thế, cần lựa chọn những giải pháp căn bản, những điều kiện cần và đủ, đặc biệt cần chuẩn bị một lực lượng đủ để đi xa. “Như thế chúng ta sẽ hiểu vì sao trong 82 chữ chủ đề của Đại hội XIII, lần đầu tiên Đảng đặt vấn đề xây dựng chỉnh đốn Đảng với kiến tạo, phát triển hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đó chính là sự chuẩn bị để đi con đường rất xa với mục tiêu rất lớn”, TS. Phạm Đình Đảng phân tích thêm./.