Chuyện nhà sáng chế của nông dân dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ X
VOV.VN - Trong hai ngày 9/12 và 10/12, tổng số 2.300 đại biểu là những điển hình đẹp, tiên tiến sẽ quy tụ tại Hà Nội để tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.
72 năm đã trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào “thi đua ái quốc”. Theo đó, Người căn dặn: “Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”. Quãng thời gian ấy chứng kiến 9 kỳ đại hội thi đua yêu nước, với tên gọi ban đầu là Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
Tư tưởng thi đua nhưng không phải ganh đua, thi đua nhưng đoàn kết, vì mục đích chung đã gắn sâu vào mỗi tầng lớp, thế hệ người dân Việt Nam. Bởi thế mà những phong trào gần đây do Đảng và Nhà nước phát động như “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” hay “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”... đều nhận được sự ủng hộ và tham gia rộng rãi của nhân dân. Ở đó, chúng ta thấy được trong sự thi đua phấn đấu có sự đùm bọc lẫn nhau, “nhiễu điều phủ lấy giá gương” vốn đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X diễn ra tại Hà Nội từ ngày 9/12 - 10/12/2020, quy tụ 2.300 đại biểu tham dự. Với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Đại hội Thi đua yêu nước lần này tôn vinh các điển hình tiên tiến, đồng thời tiếp tục khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc.
Gặp gỡ phóng viên VOV.VN khi vừa đến Hà Nội để dự Đại hội Thi đua yêu nước, nhà sáng chế Đinh Phú Hiệp (39 tuổi, đại biểu tỉnh An Giang) chia sẻ về những trăn trở của anh trong việc hiện đại hóa máy móc, tối ưu năng suất cho từng dây chuyền đóng gói gạo để xuất khẩu ra quốc tế.
Hiện đang công tác tại tập đoàn Lộc Trời (lĩnh vực nông nghiệp), anh Đinh Phú Hiệp đã được Cục Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO cấp chứng nhận sáng chế cho hệ thống máy đóng bao tự động. Đây là dây chuyền do anh Hiệp thực hiện toàn bộ từ khâu lên bản vẽ đến lắp ráp, viết phần mềm để chạy hệ thống…
“Ban đầu, tôi trăn trở vì để xếp các bao gạo nhỏ vào các bao lớn để đóng gói tốn nhiều nhân công. Nhiều khi dây chuyền năng suất lớn, các bao gạo nhỏ bị ùn ứ khiến đơn hàng không kịp tiến độ, bị hủy đơn hàng. Sau 5-6 lần thử nghiệm thất bại, cuối cùng tôi đã thành công và đưa hệ thống vào sử dụng, giúp tăng năng suất và giảm thiểu sự vất vả cho nhân công.” - Nhà sáng chế Đinh Phú Hiệp chia sẻ.
Một hệ thống máy đóng bao của anh Đinh Phú Hiệp có thể chạy xuyên suốt, làm thay công việc của 12 nhân công. Hệ thống được lập trình để xếp 5 túi gạo vào một bao theo khuôn định sẵn, tự đưa bao gạo đến vị trí để may đóng bao. Mỗi năm, các sáng chế của anh Đinh Phú Hiệp làm lợi cho công ty ước tính hơn 800 triệu đồng.
Dành nhiều giải thưởng sáng chế trong nước và quốc tế, năm nay anh Đinh Phú Hiệp vinh dự là một trong 9 đại biểu của tỉnh An Giang. Nhà sáng chế 39 tuổi mong muốn những cải tiến của mình không chỉ giúp ích cho công ty mà có thể mang đến lợi ích chung cho đất nước.
Nói về lần tham dự Đại hội thi đua yêu nước này, anh Hiệp chia sẻ: “Lúc mới nhận được tin mình được dự Đại hội, tôi cũng hơi bất ngờ. Không nghĩ rằng một sự kiện lớn như vậy mà mình có cơ hội tham dự. Đây là một niềm vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm với tôi. Trách nhiệm để mình sáng tạo, cải tiến nhiều hơn nữa, không chỉ giúp ích cho công ty mà cho cả đất nước”.
Ở tuổi 62, Hòa thượng Thích Trí Minh (đại biểu tỉnh Trà Vinh, Ủy viên Hội đồng trị sự TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam) vẫn miệt mài, âm thầm đi xây dựng các bếp ăn từ thiện cho học sinh nghèo, nhà tình thương trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Hòa thượng ủng hộ việc các chùa trên địa bàn mở nhiều bếp ăn miễn phí cho học sinh. Tại đây, các em không chỉ được ăn uống đầy đủ mà còn được học về đạo lý, về luật nhân quả, qua đó gieo mầm thiện trong con người. Biết được tấm lòng của Hòa thượng Thích Trí Minh, nhiều nhà hảo tâm đã chung tay, số tiền ủng hộ mỗi năm lên đến hàng chục tỷ đồng.
Ngoài việc duy trì các bếp ăn miễn phí, Hòa thượng dùng số tiền quyên góp được để xây nhà tình thương, xây cầu, sửa đường…, giảm thiểu tối đa các loại cầu khỉ trên địa bàn có thể gây trơn trượt, ảnh hưởng đến an toàn của người dân.
Chia sẻ với VOV.VN, Hòa thượng Thích Trí Minh cho biết: “Chúng tôi xác định: Các công tác từ thiện phải làm đúng đối tượng, đúng mục đích, thực hiện minh bạch. Nhờ đó được sự tin tưởng của tăng ni, Phật tử nên công tác từ thiện, an sinh xã hội có được sự thành công trong nhiều năm”.
Theo Hòa thượng Thích Trí Minh, Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc là nơi để gặp gỡ, trao đổi và rút kinh nghiệm giữa các đại biểu. Qua đó, trong những năm tiếp theo Hòa thượng cùng chư tăng ni tỉnh Trà Vinh sẽ có cơ hội để làm tốt hơn nữa công tác an sinh xã hội, giúp đỡ người nghèo trên địa bàn.
Những đại biểu đến dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ X đến từ nhiều địa phương, tỉnh thành phố khác nhau. Họ có thể làm nhiều ngành nghề, công tác trên nhiều lĩnh vực đa dạng, nhưng đều là những gương mặt tiêu biểu, đóng góp lớn cho sự phát triển của địa phương nói riêng và đất nước nói chung. Mỗi đại biểu là một điển hình đẹp, là một bông hoa tươi thắm trong vườn hoa rực rỡ sắc màu của dân tộc./.