Chuyện từ chức trên thế giới: Phải chăng chỉ do văn hóa?

VOV.VN - Sẽ rất phiến diện nếu cho rằng. yếu tố văn hóa quyết định nhiều đến việc các quan chức trên thế giới nhất quyết “ôm khư khư” chiếc ghế quyền lực.

Nhật Bản: Khi từ chức đã thành văn hóa

Một điểm rất đáng chú ý tại Nhật Bản chính là việc “đất nước Mặt trời mọc” có truyền thống đề cao sự trung thành của mỗi cá nhân làm việc trong các tổ chức và luôn trân trọng những cống hiến của họ cũng như tạo điều kiện để những người này có thể làm việc trọn đời cho tổ chức dù năng lực của họ có thể không bằng được những ứng viên trẻ khác đủ khả năng thay thế và chấp nhận mức lương thấp hơn nhiều.

Ông Shinzo Abe là một trong 2 vị Thủ tướng Nhật Bản hiếm hoi làm hết một nhiệm kỳ 3 năm kể từ năm 1998. Ảnh: AP

Chính vì thế, không ít người đã rất ngạc nhiên khi biết rằng, chỉ trong vòng 21 năm, Nhật Bản đã có tới 10 vị Thủ tướng khác nhau (trong đó ông Shinzo Abe nắm quyền tới 2 lần, lần đầu từ 26/09/2006-26/09/2007 và lần thứ 2 từ 26/12/2012-nay). Ông cùng với ông Junichiro Koizumi là 2 vị Thủ tướng hiếm hoi làm hết một nhiệm kỳ 3 năm trong khi hầu hết các vị Thủ tướng khác chỉ tại nhiệm được trên dưới 1 năm.

Tuy nhiên, sự khác biệt này vẫn xuất phát từ chính yếu tố văn hóa của Nhật Bản luôn đề cao trách nhiệm của những nhà lãnh đạo và sự kỳ vọng của người dân dành cho họ cũng rất lớn. Về phần mình, bản thân các nhà lãnh đạo này cũng ý thức được trách nhiệm nặng nề của họ với vận mệnh quốc gia và sẵn sàng từ chức nếu không đạt được những mục tiêu mà họ nêu ra hoặc khi sự tín nhiệm của người dân dành cho họ ở mức thấp chứ chưa cần đến lúc mắc sai phạm hay dính vào những bê bối có thể khiến “thân bại danh liệt”.

Chính nét văn hóa đặc biệt này khiến Nhật Bản có thể duy trì ổn định kinh tế xã hội ngay cả trong những thời điểm các vị Thủ tướng liên tục xin từ chức và được thay thế bởi những nhân vật mới, điều mà nếu xảy ra ở các quốc gia khác sẽ bị coi là khủng hoảng chính trị có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng về an ninh, trật tự quốc gia.

Từ chức vì cơ chế giám sát chặt chẽ

Một quốc gia châu Á khác cũng rất được chú ý khi đề cập đến câu chuyện từ chức của các quan chức trong Chính phủ là “con rồng châu Á” Singapore. Quốc gia nhỏ bé trong khu vực Đông Nam Á này có tiềm lực kinh tế rất mạnh và tỉ lệ tham nhũng thấp thứ 3 trên thế giới và thấp nhất trong nhóm G20.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chủ trương tạo điều kiện cho quan chức Chính phủ nước này nhận lương cao để họ yên tâm công tác, không tham nhũng và sẵn sàng từ chức do có nền tảng tài chính tốt sau một thời gian làm việc cho chính quyền. Ảnh: Reuters

Những thành tích đáng kinh ngạc của Singapore xuất phát từ nỗ lực kiến tạo Chính phủ liêm chính. Trong đó, mỗi thành viên Chính phủ sẽ nhận được mức lương rất cao (bản thân Thủ tướng Lý Hiển Long nằm trong số những nhà lãnh đạo thế giới có mức lương cao nhất, khoảng 3 triệu USD/năm, trong khi các quan chức khác dao động từ 1,5-2,3 triệu USD tùy theo chức vụ). Đổi lại, họ sẽ bị giám sát rất chặt chẽ trong mọi phát ngôn và hành động để đảm bảo rằng, những quan chức này “không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng, không cần phải tham nhũng và không được tham nhũng”.

Sự giám sát chặt chẽ đó không chỉ giúp Singapore đạt được mục tiêu chống tham nhũng mà còn khiến các quan chức nước này sẵn sàng từ chức bất kỳ lúc nào. Điều này là bởi, khoản thu nhập cao trong thời gian nắm quyền có thể đảm bảo cuộc sống cho bản thân họ và gia đình trong một thời gian dài sau khi họ từ chức để có thể tìm được công việc mới. Trong khi đó, nếu cứ kiên quyết “giữ ghế bằng được” trong mọi hoàn cảnh, họ cũng khó có thể tại vị được lâu mà lại rất khó tìm được việc do “tiếng xấu tham quyền cố vị” khi còn làm việc trong Chính phủ.

Từ chức… để kiếm việc khác nhiều tiền hơn

Ở chiều ngược lại, các quan chức Mỹ được cho là sẵn sàng từ chức vì những bổng lộc khi họ nắm quyền là không mấy hấp dẫn so với khi họ làm việc cho khu vực tư nhân. Điều này là bởi, Chính phủ Mỹ quy định rất chặt chẽ về mức lương cho các thành viên trong Nội các. Theo đó, Tổng thống Mỹ hưởng lương cao nhất là 400.000USD/năm, Phó Tổng thống là 230.000USD, các quan chức khác dao động từ 160.000-210.000USD.

Tổng thống Mỹ Donald Trump lựa chọn rất nhiều tỷ phú làm việc trong Nội các của mình để họ có thể hết lòng với công việc trong khi không mấy quan tâm đến thu nhập và các khoản bổng lộc từ chức vụ trong Chính phủ. Ảnh: AP

Mức lương này dù cao hơn từ 5-10 lần so với mức thu nhập trung bình hàng năm của người dân Mỹ (khoảng 40.000USD), nhưng vẫn được cho là “chưa thấm vào đâu” so với năng lực kiếm tiền thực sự của họ. Điều này là bởi, hầu hết các quan chức Mỹ, dù thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa thường xuất thân từ các gia đình “danh gia vọng tộc”, bản thân là những nhà tài phiệt giàu có hoặc tốt nghiệp từ các trường luật danh giá để tiện theo đuổi sự nghiệp chính trị. Hơn thế nữa, họ đều nằm trong số những “tinh anh của tinh anh” trong xã hội Mỹ và được các thành viên trong 2 chính đảng lớn lựa chọn cẩn thận cho từng vị trí sao cho phù hợp nhất với năng lực của họ.

Đối với những người xuất thân từ những gia đình có thế lực hoặc bản thân là những tỷ phú như Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, mức lương theo quy định của Chính phủ chỉ là “muối bỏ bể” so với thu nhập thực tế của họ. Bản thân những người này cũng không hề qua tâm đến mức lương đó.

Điển hình là Tổng thống Trump khi ông chỉ nhận lương danh nghĩa 1USD (do Chính phủ Mỹ quy định, mọi thành viên đều phải nhận lương để tránh xung đột lợi ích). Nội các “tỷ USD” của ông cũng có rất nhiều người từng là Chủ tịch hoặc Giám đốc điều hành các siêu tập đoàn của Mỹ như Bộ trưởng Tài chính Willbur Ross với khối tài sản lên đến 2,5 tỷ USD, Bộ trưởng Giáo dục Betsy Devos (1 tỷ USD), Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin (385 triệu USD).

Đối với những người xuất thân từ các trường luật như cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, mức lương 400.000USD có thể hấp dẫn ông hơn so với ông Donald Trump nhưng vẫn còn khá thấp so với những gì ông có thể kiếm được nếu hành nghề luật sư tại các hãng luật danh tiếng.

Thực tế, đối với một người từng tốt nghiệp luật tại Đại học Havard và từng là Tổng Biên tập tạp chí Harvard Law Review như ông Obama, việc được các hãng luật hàng đầu của Mỹ như Cravath, Swaine & Moore; Wachtell, Lipton, Rosen & Katz hay Skadden, Arps, Slate, Meagher & Flom mời thực tập và làm việc lâu dài sau khi tốt nghiệp là “hoàn toàn nằm trong tầm tay” và ông có thể nhận mức thu nhập lên tới 315.000USD/năm sau 7 năm làm việc, cao hơn nhiều so với mức lương khi làm việc cho Chính phủ Mỹ trong thời gian tương tự.

Chính sự khác biệt về thu nhập này đã khiến nhiều quan chức trong Chính phủ Mỹ sẵn sàng từ chức vì nhiều lý do khác nhau, từ không đạt được mục tiêu đề ra, không phù hợp với công việc đến bất đồng quan điểm với lãnh đạo hoặc thậm chí là Tổng thống. Với năng lực tốt cùng mối quan hệ sâu rộng trong thời gian làm việc cho Chính phủ, họ hoàn toàn có thể kiếm được cho mình những công việc có sự đãi ngộ tốt hơn nhiều trong khi áp lực trách nhiệm không quá nặng nề. Những gì diễn ra ở Mỹ cũng khá tương đồng với nhiều quốc gia phương Tây khác như Anh, Pháp, Đức…

Như vậy có thể thấy, có nhiều yếu tố quyết định việc quan chức sẵn sàng từ chức. Điều quan trọng là mỗi quốc gia cần phải đề ra được những chính sách hiệu quả, phù hợp để họ làm điều này, trong đó, cần đặc biệt lưu ý đến việc tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ sẵn sàng “ra đi trong danh dự” vì sự phát triển chung của đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Cán bộ không còn lòng tin của dân thì nên từ chức“
“Cán bộ không còn lòng tin của dân thì nên từ chức“

VOV.VN- Cán bộ, công chức phải có được lòng tin của dân, coi lòng tin của công chúng là thước đo đạo đức. Khi không còn lòng tin của dân thì nên từ chức.

“Cán bộ không còn lòng tin của dân thì nên từ chức“

“Cán bộ không còn lòng tin của dân thì nên từ chức“

VOV.VN- Cán bộ, công chức phải có được lòng tin của dân, coi lòng tin của công chúng là thước đo đạo đức. Khi không còn lòng tin của dân thì nên từ chức.

“Cả đời làm công tác tổ chức, tôi chưa thấy ai từ chức vì sai phạm”
“Cả đời làm công tác tổ chức, tôi chưa thấy ai từ chức vì sai phạm”

VOV.VN - “Cán bộ tham nhũng, đút lót nhau hàng trăm tỷ, nhưng chưa thấy ai từ chức vì sai phạm. Cả cuộc đời 60 năm làm công tác tổ chức cán bộ, tôi cũng chưa thấy ai từ chức”. 

“Cả đời làm công tác tổ chức, tôi chưa thấy ai từ chức vì sai phạm”

“Cả đời làm công tác tổ chức, tôi chưa thấy ai từ chức vì sai phạm”

VOV.VN - “Cán bộ tham nhũng, đút lót nhau hàng trăm tỷ, nhưng chưa thấy ai từ chức vì sai phạm. Cả cuộc đời 60 năm làm công tác tổ chức cán bộ, tôi cũng chưa thấy ai từ chức”. 

Cử tri Hà Nội: Lãnh đạo có con được nâng điểm thi nên chủ động từ chức
Cử tri Hà Nội: Lãnh đạo có con được nâng điểm thi nên chủ động từ chức

VOV.VN - Cử tri cho rằng, cần tìm ra đầu mối vụ gian lận điểm thi. Nếu cán bộ có con được nâng điểm thì nên chủ động từ chức và chịu kỷ luật.

Cử tri Hà Nội: Lãnh đạo có con được nâng điểm thi nên chủ động từ chức

Cử tri Hà Nội: Lãnh đạo có con được nâng điểm thi nên chủ động từ chức

VOV.VN - Cử tri cho rằng, cần tìm ra đầu mối vụ gian lận điểm thi. Nếu cán bộ có con được nâng điểm thì nên chủ động từ chức và chịu kỷ luật.

Văn hóa từ chức đã nói nhiều nhưng vẫn ở dạng “chơi chữ”
Văn hóa từ chức đã nói nhiều nhưng vẫn ở dạng “chơi chữ”

VOV.VN -“Vì “chơi chữ” nên làm người ta tưởng rằng từ chức là một hành vi văn hóa trong khi thực sự nó là nỗi nhục lớn nhất cho một cá nhân trước khi ra tòa”

Văn hóa từ chức đã nói nhiều nhưng vẫn ở dạng “chơi chữ”

Văn hóa từ chức đã nói nhiều nhưng vẫn ở dạng “chơi chữ”

VOV.VN -“Vì “chơi chữ” nên làm người ta tưởng rằng từ chức là một hành vi văn hóa trong khi thực sự nó là nỗi nhục lớn nhất cho một cá nhân trước khi ra tòa”