Cơ chế nào để Hà Nội thực sự thu hút được nhân tài?
VOV.VN - Bên cạnh ban hành các chính sách ưu đãi, thu hút nhân tài một cách thụ động, Hà Nội cũng cần quan tâm, có biện pháp chủ động tìm kiếm các nhân tài, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài để bảo đảm đáp ứng nhu cầu của địa phương.
Chính phủ vừa gửi Quốc hội tờ trình dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Một nội dung đáng lưu ý là việc đề xuất cơ chế đặc thù vượt trội để thu hút nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp phát triển của Thủ đô.
Chính sách thu hút nhân tài phải hấp dẫn hơn
Chính phủ phân tích, hiện nay, chính sách thu hút, sử dụng nguồn nhân lực của Thủ đô đang được thực hiện theo các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, để thu hút được người có năng lực, trình độ, Điều 13 Luật Thủ đô 2012 quy định “Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được ban hành chính sách trọng dụng nhân tài”.
Thực tiễn triển khai chính sách này ở Hà Nội thời gian qua cho thấy các chính sách thu hút chưa đủ sức hấp dẫn, mới chỉ tập trung vào tuyển dụng đối với một số đối tượng cụ thể để thu hút đầu vào; chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế về môi trường làm việc, mức lương, thu nhập, cơ hội học tập và thăng tiến cũng như các điều kiện đãi ngộ khác; chưa tạo được sự cạnh tranh so với khu vực tư.
Vì vậy, để khắc phục các bất cập này, Điều 17 dự thảo Luật sửa đổi thiết kế 2 khoản, khoản 1 là về thu hút, trọng dụng nhân tài và khoản 2 là về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô.
Đối tượng thu hút là người có năng lực vượt trội, trình độ chuyên môn cao, tài năng đặc biệt trong một số lĩnh vực và có kinh nghiệm thực tiễn, có công trình, sản phẩm, thành tích đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô.
Các đối tượng này sẽ được hưởng những chế độ đãi ngộ như được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức và hưởng các chế độ, chính sách do HĐND thành phố Hà Nội quy định; được ký hợp đồng vào làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập; được ký hợp đồng để thực hiện một số nhiệm vụ trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục với chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp.
Cần chủ động tìm kiếm nhân tài
Thẩm tra sơ bộ dự án luật này tại phiên họp 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá cao việc đề xuất các cơ chế, chính sách để thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố Hà Nội.
Để những quy định này bảo đảm tính khả thi và có thể áp dụng được trên thực tiễn, cơ quan thẩm tra đề nghị cần làm rõ các đối tượng được coi là nhân tài và có sự phân hóa đối tượng một cách rõ ràng (sinh viên mới tốt nghiệp, người đang công tác tại cơ quan nhà nước, người đang công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, người đang làm việc ở khối tư nhân; người Việt Nam và người nước ngoài; người đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn thành phố Hà Nội và người sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn tỉnh, thành phố khác hoặc nước ngoài...) để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ.
Có ý kiến cho rằng, người có năng lực về chuyên môn không đồng nghĩa với việc có năng lực về điều hành, quản lý. Do đó, việc hỗ trợ, tạo điều kiện để người giỏi chuyên môn có thể chuyên tâm phát triển khả năng về chuyên môn, trở thành chuyên gia về từng lĩnh vực có thể phát huy tác dụng tốt hơn là cứ phải trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Hơn nữa, theo quy định Đảng và pháp luật hiện hành thì việc bổ nhiệm người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cần tuân thủ các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể nên việc thành phố Hà Nội được phép ban hành các chính sách ưu đãi trong bổ nhiệm nhân tài vào chức vụ lãnh đạo, quản lý cũng cần kèm theo các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể được quy định ngay trong dự thảo luật.
Bên cạnh các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với nhân tài thì thành phố Hà Nội cũng cần quan tâm xây dựng môi trường và văn hóa làm việc hiện đại, thân thiện, dân chủ, cạnh tranh lành mạnh; cải thiện điều kiện, cơ sở vật chất để qua đó góp phần khích lệ tinh thần sáng tạo và nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động. Đồng thời, tiếp tục quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đối tượng này để phát huy phẩm chất, tài năng phục vụ Thủ đô.
Theo Ủy ban Pháp luật, cũng có ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu, quy định các chế độ, chính sách đãi ngộ tốt hơn nữa (ví dụ như ưu đãi về nhà ở, ưu tiên trong tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục cho người thân trong gia đình,…) để tạo ra bước đột phá giúp thành phố Hà Nội thu hút được nhân tài; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các lĩnh vực mà thành phố Hà Nội cần thu hút nhân tài (ví dụ như lĩnh vực văn hóa).
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả thì ngoài việc ban hành các chính sách ưu đãi, thu hút nhân tài một cách thụ động, chính quyền thành phố Hà Nội cũng cần quan tâm, có biện pháp chủ động tìm kiếm các nhân tài, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài để bảo đảm đáp ứng nhu cầu của địa phương.
Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng khi tham gia thẩm tra cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung hoặc có thể giao cấp có thẩm quyền quy định chi tiết về về đào tạo, bồi dưỡng; đánh giá, bổ nhiệm, luân chuyển, đãi ngộ; khen thưởng, kỷ luật với người lao động của thành phố Hà Nội.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu, rà soát, bổ sung và làm rõ các chính sách đặc thù về cải cách chế độ công chức, công vụ, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là trong việc trọng dụng nhân tài (chế độ lương thưởng, thuê chuyên gia, nhà khoa học, thi tuyển và thuê các chức danh lãnh đạo, quản lý…).
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, dự kiến khai mạc vào 23/10 tới.