Cơ hội để quan hệ Việt - Mỹ ngày càng gắn bó

VOV.VN - Quan hệ Việt- Mỹ ngày càng được vun đắp trong mọi lĩnh vực, kể cả lĩnh vực vốn được coi là nhạy cảm - nhân quyền.

>> Bài nói chuyện phản ánh tầm nhìn toàn diện về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ

>> Ông John McCain: Quan hệ Việt – Mỹ phát triển hơn kỳ vọng

Từ khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt ra Tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước hóa (11/7/1995) đến nay đã được 20 năm. Trong 20 năm này, rào cản về nhân quyền đã được dựng lên nhiều lần bằng các Dự luật nhân quyền Việt Nam do Hạ viện thông qua. Nhưng chỉ mới có một lần hàng rào mỏng manh đó được dựng lên vào hai năm, 2004 và 2005 khi Tổng thống Hoa Kỳ phê chuẩn đưa Việt Nam vào danh sách “các quốc gia cần được “quan tâm đặc biệt” về tự do tôn giáo” (Countries of Particular Concern-CPC).

Tuy nhiên, chỉ một năm sau, năm 2006 thì Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách này trong dịp tổng thống Mỹ George W. Bush đến Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh APEC ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong nhiều năm tiếp theo Ủy ban đối Ngoại của Hạ viện Mỹ đã trình ra Hạ viện “Dự luật nhân quyền Việt Nam”, trong đó một số lần được Hạ viện thông qua nhưng lại không được Thượng viện chấp nhận.

Nhân quyền không còn là rào cản

Kể từ khi Việt Nam - Hoa Kỳ thiết lập quan hệ đối tác toàn diện sau sự kiện Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức Hoa Kỳ (tháng 7/2013) vấn đề nhân quyền đã được lãnh đạo hai nhà nước chia sẻ.

Có thể nói, từ đây nhân quyền không còn là rào cản trong quan hệ giữa hai quốc gia, tuy nhiên vẫn còn sự khác biệt về văn hóa, chế độ xã hội và thể chế quốc gia, bao gồm cả pháp luật về quyền con người. Hơn nữa từ đây nhân quyền còn có thể trở thành cơ hội cho cả hai nhà nước. Điều này bắt nguồn từ sự thay đổi tư duy chính trị giữa lãnh đạo hai nước và những xu thế của thời đại.

Trong buổi nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) ở Washington ngày 9/7 nhân chuyến thăm Hoa Kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Việt Nam hết sức coi trọng vấn đề quyền con người.

Ngày nay, tư duy chính trị dựa trên lợi ích dân tộc, sự bình đẳng giữa các quốc gia, không phân biệt lớn hay nhỏ. Tư duy này bắt nguồn từ Hiến chương Liên Hợp quốc và hệ thống luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển, 1982. Cũng có thể nói, tư duy chính trị mới trong các quan hệ quốc tế ngày nay không còn là lợi ích  của “phe” này hay “phe” khác mà hướng tới lợi ích hòa bình ổn định của mỗi quốc gia, khu vực cũng như của cộng đồng quốc tế. Đây là những xu thế mới của thời đại. Tư duy chính trị này đòi hỏi các quốc gia thành viên của cộng đồng quốc tế thực hiện nghĩa vụ của mình là phải góp phần bảo vệ quyền của các quốc gia, trong đó có tự do, an toàn, an ninh hàng hải, hàng không, trên vùng biển, vùng trời quốc tế. 

Sự tồn tại của các nước lớn, các nước phát triển cao cũng như “quan hệ các nước lớn” là một thực tế khách quan. Tuy nhiên, Việt Nam không cho rằng các nước lớn có quyền phân chia khu vực ảnh hưởng, gây áp lực về chính trị, quân sự đối với các nước nhỏ bằng cách hạn chế quyền của các nước trong đó có tự do hàng hải, hàng không đối với vùng biển, vùng trời quốc tế.

Trong vấn đề nhân quyền, có thể nói những thay đổi trong tư duy chính trị đối ngoại về nhân quyền đã được đưa về đúng địa chỉ của nó. Đó là các nhà nước phải là người chịu trách nhiệm chính. Hợp tác quốc tế trên lĩnh vực này là biện pháp hỗ trợ quan trọng. Như nhiều chuyên gia đã nói: không có quốc gia nào được xem là chuẩn mực về nhân quyền. Nói cách khác tất cả các quốc gia đều có những vấn đề nhân quyền của mình. Mỗi quốc gia phải giải quyết những vấn đề đó theo cách thức của mình. 

Việt Nam và Hoa Kỳ cũng không nằm ngoài quy luật đó. Năm 2013, Hiến pháp Việt Nam đã có một chương - Chương II: “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân”. Trong đó, Quốc hội Việt Nam đã Hiến định đầy đủ các nguyên tắc và nội dung quyền con người được quy định trong hai công ước quốc tế cơ bản: Công ước quốc tế về các quyền dân sự; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, năm 1966.

Chia sẻ trách nhiệm, kinh nghiệm

Trong thời gian qua, vấn đề nhân quyền đã được giải quyết đáng kể trong quan hệ Việt - Mỹ. Hàng ngàn hài cốt lính Mỹ trong số 58.256 người được ghi tên trên bức tường ở Washington DC (Đài tưởng niệm binh sỹ Mỹ chết ở Việt Nam) đã được trở về nơi họ đã ra đi, bởi sự giúp đỡ chân tình của quân đội và người dân Việt Nam.

Công việc nhân văn này luôn được hai dân tộc Việt Nam và Mỹ trân trọng. Trong thời gian qua, có nhiều sỹ quan, binh sỹ Mỹ trở lại Việt Nam, thăm lại chiến trường xưa, xin lỗi những người dân ở đây vì hành vi đã sát hại những người dân vô tội. Chẳng hạn như trung úy William Calley người tham vụ thảm sát ở Sơn Mỹ, tỉnh Quảng Ngãi, làm hơn 500 người thiệt mạng phần lớn nạn nhân là cụ già, phụ nữ và trẻ em (ngày 16/3/1968) đã nói rằng: “Ngày nào tôi cũng hối hận về những việc đã xảy ra”. Và ông chỉ được nhẹ lòng khi những người dân nơi đây chấp nhận lời xin lỗi muộn màng của mình.

Cơ hội quan trọng về nhân quyền giữa hai quốc gia là sự hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa. Cho đến nay, Hoa Kỳ đang là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam. Trong những năm qua, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng liên tục kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2007. Nếu như năm 2000, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu sang Mỹ khoảng 800 triệu USD thì đến năm năm 2014, Việt Nam sẽ xuất khẩu đạt 29,4 tỷ USD, tăng gần 36 lần.

Trên lĩnh vực xã hội, Hoa Kỳ là nhà tài trợ lớn cho Việt Nam trong phòng, chống HIV/AIDs, cả về tài chính và kỹ thuật. Chẳng hạn như Dự án xây dựng chính sách công phòng, chống HIV/AIDs giữa Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh với trường quản lý nhà nước mang tên tổng thống Kennerdy (John F. Kennedy School of Government) thuộc Đại học Harvard do Quỹ Pho (Ford Foundation) tài trợ. Có tới hàng ngàn cán bộ công chức các cấp từ Trung ương đến cơ sở đã được đào tạo về chính sách quốc gia về phòng, chống HIV/AIDs. Có thể nói đây là một Dự án “kép” về nhân quyền, bởi Dự án này không chỉ bảo vệ quyền cho những người có HIV mà còn là dịp cán bộ, chuyên gia của hai quốc gia chia sẻ khái niệm về nhân quyền trong cuộc sống.

Trong điều kiện hai quốc gia đã trở thành đối tác toàn diện, nhiều vấn đề nhân quyền sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Như các phương tiện truyền thông đã đưa tin Hoa Kỳ đã và đang triển khai nhiều hoạt động như rà phá bom mìn, tẩy rửa chất độc hóa học, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam…Việt Nam cũng có thể làm nhiều việc như phối hợp với đối tác Hoa Kỳ trong những hoạt động trên; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ đáp ứng của nhiều quan chức Hoa Kỳ- Hoa Kỳ sẽ trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong thời gian không xa.

Nhân quyền trong cuộc sống còn ngổn ngang các vấn đề, khi những vấn đề cũ chưa được giải quyết thì đã nảy sinh những vấn đề mới, chẳng hạn như bảo đảm quyền riêng tư trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao, tin tặc ngày càng phát triển. Quan trọng là các quốc gia phải cùng nhau chia sẻ trách nhiệm và kinh nghiệm nhằm nâng cao hơn nữa sự hưởng thụ các quyền của người dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ vòng 19: Thẳng thắn, cởi mở và xây dựng
Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ vòng 19: Thẳng thắn, cởi mở và xây dựng

VOV.VN - Hai bên thỏa thuận sẽ tiếp tục thảo luận, trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm nhằm tăng cường hiểu biết, góp phần phát triển quan hệ song phương.

Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ vòng 19: Thẳng thắn, cởi mở và xây dựng

Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ vòng 19: Thẳng thắn, cởi mở và xây dựng

VOV.VN - Hai bên thỏa thuận sẽ tiếp tục thảo luận, trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm nhằm tăng cường hiểu biết, góp phần phát triển quan hệ song phương.