Vụ Trịnh Xuân Thanh và quyết tâm làm trong sạch đội ngũ:

Có nhiều uẩn khúc trong việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh

VOV.VN - Vì sao ông Trịnh Xuân Thanh có thể ung dung leo qua bao chức vụ, tiến thẳng tới cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đó là Quốc hội?

Một trong những vấn đề lớn nhất trong tình hình hiện nay được thể hiện trong Báo cáo của Đại hội Đảng XII là nâng cao năng lực và sự lãnh đạo của Đảng; trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ như Bác Hồ căn dặn, đó là chí công vô tư, cần kiệm liêm chính. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể làm cho Nhân dân tin và làm theo những gì Đảng đề ra.  

Thời gian qua, công tác cán bộ của chúng ta còn tồn tại không ít vấn đề. Tại sao vẫn có những cán bộ như ông Trịnh Xuân Thanh? Một người mắc nhiều sai phạm trong điều hành, quản lý từ phía doanh nghiệp, chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình, lại được bố trí ở vị trí cao hơn. Cán bộ, đảng viên suy nghĩ thế nào về công tác cán bộ như vậy khi đã có Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”? Những trường hợp này làm cho người dân nghĩ rằng, hiện nay, cái gì cũng có thể mua được bằng tiền. Đó cũng là tâm tư của cán bộ về hưu, nhất là những đồng chí lão thành cách mạng.

Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh cho thấy, lời nói đi đôi với việc làm. Sự chỉ đạo kịp thời đó như “phát súng lệnh” cho toàn Đảng, toàn dân tập trung hành động, quyết tâm làm trong sạch đội ngũ.

Loạt bài: “Vụ Trịnh Xuân Thanh và quyết tâm làm trong sạch đội ngũ” của nhóm phóng viên VOV.VN và VOV-ĐBSCL (Đài Tiếng nói Việt Nam) phân tích vấn đề này.

Trịnh Xuân Thanh trong thời kỳ công tác ở PVC

Bài 1: Có nhiều uẩn khúc trong việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh

Không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn nhưng "vượt" qua tất cả các yêu cầu được cho là chặt chẽ nhất, khoa học nhất của quy trình về công tác bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ, ông Trịnh Xuân Thanh đã thẳng tiến tới gần Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước ta, đó là Quốc hội.

Phải chăng có nhiều uẩn khúc trong quy trình bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh?

Trong giai đoạn từ năm 2007-2013, trên các cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), ông Trịnh Xuân Thanh đã để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng. Với cương vị là người đứng đầu, ông Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm, vi phạm này. Tuy nhiên, thật bất thường khi ông này lại được đưa về tỉnh Hậu Giang, giữ vị trí lãnh đạo quan trọng của tỉnh này, rồi trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XIV. Vụ việc này tạo dư luận xấu, làm giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

TS. Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV đã rất bất ngờ khi được biết, ông Trịnh Xuân Thanh không nằm trong danh sách luân chuyển của Bộ Chính trị: “Tôi bất ngờ vì trong lĩnh vực rất quan trọng như thế này, mật thiết đến sự sống còn của đất nước thế này mà lại có những trường hợp không nằm trong luân chuyển mà vẫn bố trí đi luân chuyển”.

Vì sao ông Trịnh Xuân Thanh có thể ung dung leo qua bao chức vụ, tiến thẳng tới cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đó là Quốc hội? Phải chăng, đó là vì có cả một đường dây “tiền hô, hậu ủng”, nâng đỡ, bao bọc cho ông ta?

Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương đặt vấn đề, chẳng nhẽ, Bộ Công thương không hiểu rõ về ông Trịnh Xuân Thanh? Người ta vẫn nói “con ruồi chui qua lỗ kim” tưởng chừng không thể nhưng nó đang xảy ra: “Người ta vẫn nói chạy chức, chạy việc mất cả trăm triệu, thậm chí những ngành quan trọng khi lên chức cũng mất cả tỷ bạc. Vì vậy, tôi nghi ngờ có chạy chọt trong việc này. Cần phải xem lại những chữ ký của các cơ quan từ dưới lên trên đã đề bạt, luân chuyển ông Trịnh Xuân Thanh, những ai đã ký và ký vì sao?”.

Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương

GS. Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, chắc chắn có lợi ích nhóm chen vào, làm sai lệch quy trình đối với việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh: "Tổng Bí thư nói là nghe râm ran có chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển; rồi chạy đi, chạy về. Cả bộ máy mình làm mà để những con người như vậy. May mình phát hiện ra được, chứ không mà vào Quốc hội rồi thì nguy. Tôi nghĩ phía sau có lợi ích nhóm".

Theo PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh là rất “điển hình”, đó là chạy chức chạy quyền, chạy án chạy tội, chạy khen thưởng để đánh bóng tên tuổi mình, chạy luân chuyển khi không nằm trong diện được luân chuyển.

Mỗi khi có một trường hợp đáng tiếc về công tác cán bộ xảy ra, chúng ta thường nói, đã làm "đúng quy trình". Cụm từ "đúng quy trình" đang bị lạm dụng để đưa lên những người, cá nhân có lợi cho riêng họ. Đã đến lúc, phải nhìn nhận lại quy trình, nội dung quy trình; và điều quan trọng hơn, đó là những người làm công tác này.

Theo PGS.TS Ngô Thành Can, Phó Trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, với chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, ông Trịnh Xuân Thanh là cán bộ cấp cao nên ngoài Bộ Công thương, tỉnh Hậu Giang, rõ ràng, còn có trách nhiệm của các cơ quan cấp cao hơn.

"Trước hết, đơn vị cử anh ta đi phải có trách nhiệm bởi anh đã quản lý công chức này. Vi phạm ở đơn vị anh kiểm soát, nhưng vẫn đưa về bộ, rồi gửi đi cơ sở, mà lại đánh giá rất cao. Cơ quan nhận, lại là cơ quan xin, anh cũng phải có trách nhiệm, không thể nói không được. Đặc biệt là cơ quan cấp cao chịu trách nhiệm về đội ngũ này. Chúng ta phải xem xét một cách có hệ thống các đơn vị, tổ chức quản lý đội ngũ này”, PGS.TS Ngô Thành Can nói.

Ông Lê Phước Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, tỉnh Hậu Giang và Bộ Công thương có một phần trách nhiệm. Nhưng quy trách nhiệm thật nhiều cho Bộ và tỉnh này cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề. “Bộ Chính trị quản lý Bộ trưởng, Bí thư Thành uỷ, Tỉnh ủy,.v.v…còn Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh là Ban Bí thư. Hậu Giang đề nghị Ban Tổ chức Trung ương cho thêm một Phó Chủ tịch và được đồng ý. Quyền luân chuyển, tăng cường cán bộ là do trên. Anh Trịnh Xuân Thanh sai phạm ở dầu khí, không được kiểm thảo, không làm đứt mạch chỗ này. Khi Bộ Công thương xảy ra chuyện đó, Bộ Nội vụ có biết không, Ban Tổ chức Trung ương có biết không? Ai là người chịu trách nhiệm? Không được đồng ý, ai điều động cán bộ này được?” – ông Lê Phước Thọ nêu vấn đề.

Nghị quyết Trung ương 4 nhận định, một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên phai nhạt lý tưởng, suy thoái đạo đức. Bộ phận này đã tham nhũng, không chỉ làm suy yếu nền kinh tế mà còn có thể liên quan đến "sự tồn vong của một chế độ".

Ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương từng chỉ rõ, các “nhóm lợi ích” kết hợp cùng mục tiêu lợi ích, cùng hành động, cùng phân chia lợi ích, giữa những người có nhiều tiền với những người có quyền lực trong Nhà nước và trong Đảng cầm quyền. Có tiền chuyển hóa thành có quyền lực. Có quyền lực chuyển hóa thành có tiền. Người có tiền sẽ có quyền lực và người có quyền lực sẽ có tiền. Họ cùng nhau hành động để có quyền lực và có tiền ngày càng nhiều hơn, tạo thành sức mạnh khống chế, lũng đoạn tổ chức và xã hội.

Đã qua nhiều đợt cũng cố, xây dựng đảng và chính quyền nhưng tại sao một số cán bộ có chức có quyền có thể sử dụng quyền lực cùng với bộ máy được giao để mưu cầu lợi ích cá nhân, lộng quyền, vi phạm pháp luật? 

Đó là vì quyền lực giao cho họ nhưng không bị kiểm soát, sai phạm chưa bị phát hiện và trừng trị kịp thời. Vì vậy, vụ việc này nếu giải quyết triệt để sẽ giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Tuy nhiên, giải quyết vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh mới chỉ là phần ngọn. Phần gốc là một hệ thống các tổ chức đứng sau ông Trịnh Xuân Thanh.

Đại tá Trần Hùng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thành phố Cần Thơ yêu cầu, Đảng ta cần xem xét, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có liên quan đến việc đề bạt, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh: "Lúc này, với tinh thần chiến đấu của Đảng, đảm bảo sự trong sạch của Đảng và sự đồng thuận của Nhân dân, tạo niềm tin của người dân với Đảng thì việc xử lý một cán bộ, không phải chỉ là ông Thanh, mà những cán bộ đảng viên khác có vi phạm, phải nghiêm khắc xử lý".

Chắc chắn, lần này, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những người có “lợi ích” trong vụ này buộc phải lộ mặt! Chỉ đạo của Tổng Bí thư thể hiện quyết tâm chiến lược của Đảng trong việc chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; thể hiện quyết tâm chiến lược trong chống tiêu cực, tham nhũng, đặc biệt trong công tác cán bộ. Đó là tinh thần quyết tâm của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chứ không chỉ nhất thời; qua đó, củng cố niềm tin trong toàn Đảng, toàn dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên