Còn mãi tinh thần ngày Nam Bộ kháng chiến
VOV.VN - 75 năm đã trôi qua, tinh thần chiến đấu và truyền thống đoàn kết vẫn in mãi trong trái tim người dân miền Tây Nam bộ.
Chỉ 3 tuần sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn – Gia Định thực hiện âm mưu xâm lược nước ta lần thứ 2.
Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Nam Bộ đã họp khẩn để bàn việc thực hiện chủ trương kháng chiến của Trung ương Đảng. Trên cơ sở phân tích tình hình, nhận định về âm mưu của thực dân Pháp, Hội nghị đã quyết định thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ; phát động toàn dân tổng đình công, bãi công, bãi chợ, không hợp tác với giặc Pháp; phát động chiến tranh du kích rộng khắp, bao vây, cầm chân địch trong thành phố; tiêu hao dần lực lượng và làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của quân Pháp. Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ cũng ra lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ đoàn kết xông lên đánh đuổi thực dân Pháp cứu nước.
Thực hiện chủ trương kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và Nghị quyết của Hội nghị Xứ ủy Nam bộ, nhân dân Nam bộ đã đoàn kết đứng lên, mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Quân và dân Sài Gòn - chợ Lớn đã anh dũng đánh trả bọn xâm lược bằng mọi hình thức và mọi thứ vũ khí, như triệt nguồn tiếp tế của địch ở trong thành phố, tổng bãi công, bãi thị, bãi khóa, dựng chướng ngại vật và chiến lũy trên đường phố. Tại khu vực miền tây người người, nhà nhà cũng tràn ngập khí thế đánh giặc cứu nước.
Ông Ngô Ngọc Bỉnh - nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Long, cho biết: "Lúc đó mình không có vũ khí, nhưng có tinh thần cách mạng sẵn sàng đoàn kết để đánh giặc, sẵn sàng hy sinh và chiến đấu quyết liệt. Đó là tinh thần đoàn kết của nhân dân ta. Tất cả già, trẻ, nam, nữ đều tham gia cách mạng".
Nam Bộ đứng lên không chỉ ngăn chặn một bước âm mưu xâm lược của kẻ thù, đập tan mưu đồ đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp, kìm giữ và tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương chuẩn bị mọi mặt cho kháng chiến lâu dài, góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền nhân dân.
Ông Lê Văn Tỷ (ở xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) vẫn còn nhớ sự kiện ngày 23/9 cách đây 75 năm. Lúc đó, gia đình ông đang nuôi chứa cán bộ cách mạng, khi hay tin giặc Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, các thành viên trong gia đình cùng quyết tâm đánh giặc cứu nước. Bản thân ông lúc đó tham gia thanh niên tiền phong tại địa phương để có cơ hội đi đánh giặc.
Phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng, sau ngày 30/4/1975 khi đất nước được giải phóng, nhân dân Nam Bộ bắt tay vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đời sống của người dân ngày càng khấm khá. Các công trình giao thông liên tỉnh, liên huyện, liên xã được xây dựng và phát triển. Nhiều xã vùng sâu, vùng xa vùng căn cứ cách mạng nằm heo hút trong rừng sâu, vùng căn cứ cách mạng cũ nay đã thay da đổi thịt, điện- đường-trường-trạm đồng bộ, đời sống người dân không ngừng được nâng cao.
Nổi bật gần đây nhất là chủ trương xây dựng nông thôn mới được người dân đồng tình ủng hộ hiến đất, hiến công trình để chính quyền xây dựng giao thông, xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở làm cho quê hương ngày càng giàu đẹp.
Chị Nguyễn Thị Lan ở xã Đông Bình, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ cho biết, từ ngày gia đình chị tham gia hiến đất để chính quyền xây dựng giao thông, thấy bộ mặt nông thôn thay đổi, đường lớn, xe cộ qua lại đông đúc hơn.
75 năm đã trôi qua, tinh thần chiến đấu và truyền thống đoàn kết vẫn còn in mãi trong mỗi trái tim người dân miền Tây Nam bộ. Ngày 23/9 luôn nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày nay luôn giữ tinh thần chiến đấu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hơn lúc nào hết, nhiệm vụ cách mạng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đang cần những người tài, đức, vì dân, vì nước, để tiếp tục thắp sáng ngọn lửa Ngày Nam Bộ kháng chiến năm xưa trong công cuộc xây dựng và bảo đất nước, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.