"Công bộc là phục vụ chứ không phải quát nạt dân"
VOV.VN - "Dân đóng thuế nuôi công bộc thì công bộc phục vụ thế nào, chứ không có chuyện đầy tớ lại quát ông chủ hoặc quát dân".
Đi 4 lần đến bộ phận một cửa để làm giấy khai sinh cho trẻ dưới 6 tuổi do công chức bộ phận một cửa liên tục yêu cầu bổ sung sổ Hộ khẩu, Giấy kết hôn. Sau khi chi 200.000 đồng, người dân mới được nhận kết quả. Hay lùm xùm trong việc cấp giấy chứng tử cho người đã chết nhưng chỉ vì không chịu "lót tay "nên bị cán bộ, bộ phận một cửa gây khó dễ. Đó là những câu chuyện gây bức xúc trong nhân dân làm xấu đi hình ảnh cán bộ, công chức.
Để chấn chỉnh tình trạng này mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 112/2020 về việc xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức. Vậy khi Nghị định được ban hành có là công cụ hữu hiệu để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Về vấn đề này, Phóng viên VOV trao đổi với Tiến sĩ Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII.
PV: Thưa bà, thời gian qua các cấp, các ngành, các địa phương đều cố gắng làm trong sạch, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Với những nỗ lực đó, bà nhìn nhận như thế nào về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay?
Bà Bùi Thị An: Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Bộ Chính trị, Trung ương, thông qua các cấp của địa phương, đạo đức công vụ của các cán bộ, công chức đã được nâng lên một bước. Trước hết, từ cách tổ chức, từ nhiều cửa, nhiều khóa vào một cửa, một khóa. Qua đó, thể hiện việc cố gắng cải cách thủ tục về mặt hình thức và điều kiện để cho các cán bộ làm việc ở một cửa rõ nhiệm vụ, chức năng của mình.
Về mặt hình thức, khi dân đến, tiếng chào đã nhẹ nhàng, lễ phép hơn hay tiếp xúc, đã có phân loại từng khu vực, và tiếp xúc như nào. Ở một số cơ cở, tôi thấy công khai những nội dung, lộ trình, thời gian và cá nhân ai là người tiếp. Thông qua những cái đó, tôi nhận thấy đã bắt đầu có những tiến bộ và thực tế việc này cũng đã cải thiện được chất lượng làm việc các cơ, quan nhất là hành chính các cấp từ cơ sở đến trung ương.
Nhưng để đánh giá được thực sự, tôi cho rằng phải có đánh giá kỹ hơn về mặt định lượng. Ví dụ như, tỉnh này có bao nhiêu cơ sở làm tốt, tỉnh kia có bao nhiêu cơ sở làm tốt. Và trong tỉnh này, trong cơ chế một cửa đồng chí nào làm tốt, đồng chí nào làm chưa tốt,...Bởi, tôi thấy vẫn có tiếng eo sèo của dân, và nếu như ta chưa làm được việc đấy thì nên có sự đánh giá, phân loại. Sau đó, nên công bố, công khai đánh giá lên để cho dân biết. Từ đó, ta mới có thể có nhận định chính xác hơn.
PV: Thưa bà, trong công cuộc đổi mới hội nhập và phát triển đất nước, đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng được kiện toàn cả về số lượng và chất lượng. Khi phải đi làm thủ tục hành chính thì tôi thấy là có rất nhiều sự đổi khác từ cách tiếp dân và cách làm thủ tục. Bà có cảm nhận việc đó ở nơi bà sinh sống như thế nào?
Bà Bùi Thị An: Nhận xét đó hoàn toàn chính xác. Giai đoạn gần đây, thái độ tiếp dân của cán bộ làm ở cơ quan công quyền, từ cơ sở trở lên đã tốt hơn, đón tiếp dân nhiệt tình và có hướng dẫn dân chu đáo hơn trước.
Ví dụ, trước đây, khi ra phường, câu đầu tiên họ hỏi tôi là: Đi đâu, có việc gì, gặp ai?... Tuy nhiên, bây giờ thì khác hẳn, họ chào cô, chào chị,...rồi bác gặp ai, và có nội dung gì.... Tôi cho rằng, qua đây, thể hiện sự văn hóa công sở đã khá hơn trước.
Bởi, đây là câu chuyện hội nhập, cạnh tranh một cách bình đẳng trên sân chơi của thế giới. Và Việt Nam chúng ta đã ký cam kết với rất nhiều nước và văn hóa công sở không chỉ ảnh hưởng đến người Việt Nam còn ảnh hưởng đến chuyện đầu tư nước ngoài.
Nếu người nước ngoài đến làm việc với một thái độ niềm nở, sẽ hấp dẫn hơn, và họ sẽ đủ kiên kiên trì để theo đuổi công việc.Còn nếu như, chúng ta khó khăn quá thì đến lúc họ cũng chán. Qua đó, nó ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển kinh tế
PV: Dù công chức ở tất cả các ngành, các cấp từ Trung ương tới cơ sở đều cố gắng hoàn thiện nâng cao chất lượng, phục vụ nhân dân nhưng vẫn còn không ít người làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh các công bộc của dân. Qua đó, làm tổn hại đến niềm tin, cái nhìn của xã hội đối với người cán bộ, công chức. Bà có ý kiến như thế nào trước những vụ việc này?
Bà Bùi Thị An: Theo tôi, nguyên nhân còn nhiều hình ảnh công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu cho dân là do nhận thức. Trước đây, nền kinh tế của chúng ta là kế hoạch hóa, quan liêu, bao cấp, cầu nhiều hơn cung. Cho nên, công chức họ cho rằng, họ có quyền ban phát cho mọi người. Khi đến gặp công chức, người dân thường xin giấy giới thiệu, xin bằng lái xe, xin cấp giấy chứng nhận, đến xin nộp thuế,....tức là toàn đến xin. Vì vậy, họ cho rằng, họ có quyền ban phát, khi đã ngồi được vị trí đấy.
Nhưng bây giờ phải nói thật, phải thay đổi nhận thức tận gốc. Hiện, chúng ta đã chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế thị trường là thị trường sẽ điều tiết. Tức là có cung có cầu, có người bán phải có người mua. Cán bộ, công chức chỉ là người cung cấp các dịch vụ, còn khách hàng là nhân dân, khách hàng là các tổ chức đến làm việc cho nên phải hiểu rằng, khi khách hàng là thượng đế thì thái độ của những người người công chức phải khác.
Mặt khác, Đảng ta quy định là “công bộc của dân”, vì dân đang đóng thuế nuôi công bộc, thì công bộc phục vụ thế nào, chứ không có chuyện đầy tớ lại quát ông chủ hoặc quát dân. Cho nên, chính vì vậy, tôi nghĩ, phải bắt đầu từ nhận thức, phải thay đổi nhận thức ta là công bộc của dân, ta phải phục vụ dân; ta là người bán hàng, phải phục vụ khách hàng và khách hàng là thượng đế,... Với một tâm niệm như vậy, tôi nghĩ chắc chắn sẽ thay đổi mọi chứ. Chứ còn có suy nghĩ, ta ngồi đây, ta có quyền ban phát, ta có quyền cho vì người ta đến xin thì không giải quyết được
Nhưng muốn thế thì phải có người giám sát cán bộ, công chức để xem họ có thay đổi không và nếu không thay đổi thì sẽ xử lý sao thì mới giải quyết được. Còn nếu, chỉ gọi là động viên không thì cũng sẽ rất khó.
PV: Những hình ảnh bôi trơn đã làm xấu đi hình ảnh cán bộ công chức, thậm chí xấu đi hình ảnh của những cán bộ của Đảng và Nhà nước đúng không thưa bà?
Bà Bùi Thị An: Cái này là quá xấu, chứ không phải là xấu đi. Qua đây, không chỉ ảnh hưởng trong nước mà còn có cả khách quốc tế, hoặc những người thuộc đơn vị đầu tư ngoài họ coi thường mình. Cho nên, tôi cho rằng, chuyện này là phải trị tận gốc, trị đến nơi đến trốn. Mà muốn như thế thì các đồng chí đứng đầu các đơn vị, các tổ chức phải thật sự là người gương mẫu, trong sạch.
PV: Có ý kiến cho rằng, có những cán bộ vi phạm có khuyết điểm đáng ra họ bị kỷ luật nhưng người có chức vụ, quyền hạn lại có biểu hiện như “cất nhắc”, “giơ cao đánh khẽ”,.. Thậm chí còn được luân chuyển lên một cái chức cao hơn. Vậy, bà có nhìn nhận gì về vấn đề này?
Bà Bùi Thị An: Hiện tượng này là có thật, và không phải là ít. Nhiều vùng, nhiều tỉnh, nhiều địa phương đưa ra hình thức kỷ luật lại không bị kỷ luật, chỉ bị phê bình, cảnh cáo xong lại luân chuyển. Thậm chí, còn ở vị trí khác cao hơn. Điều đó là có thật.
Và tôi nghĩ, đây là vấn đề, là trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm người bổ nhiệm người ấy. Đáng lẽ ra, ai là người ký luân chuyển, người ấy phải chịu trách nhiệm. Bởi, khi không đánh giá đúng thực chất, đạo đức của cán bộ là đã làm mất uy tín của Đảng, mất lòng tin của dân. Qua đây, gây hậu quả, tức là dân không tin thì sẽ ảnh hưởng đến công tác, chiến lược công tác. Cho nên tôi đề nghị quy định trách nhiệm người đứng đầu, ai ký luân chuyển, ai ký bổ nhiệm những người có khuyết điểm như thế thì phải phải chịu trách nhiệm với với Đảng với dân.
PV: Mới đây nhất vào ngày 18/ 9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 112 đã đồng thời hướng dẫn kỷ luật cả 3 đối tượng là cán bộ, công chức và viên chức. Theo bà nhìn nhận nghị định này có đủ mạnh để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của chúng ta hiện nay hay không?.
Bà Bùi Thị An: Trước hết, tôi rất hoan nghênh các nội dung mới và có bổ sung của Nghị định này. Theo Quy định này, sẽ làm cho cán bộ có ý thức hơn, kể cả những người khi đã đã nghỉ hưu, để họ có trách nhiệm hơn trong quá trình họ còn đang làm việc chứ còn khái niệm “hạ cánh an toàn”.
Trước đây, rất nhiều hiện tượng, trước khi nghỉ thì bổ nhiệm bao nhiêu cán bộ không đủ tiêu chuẩn, cho tăng lương, ... Bây giờ, theo tôi hiện tượng đó đã hạn chế đi nhiều, nhưng đủ mạnh chưa thì tôi nghĩ là phải có qua thực tiễn thực hiện các Nghị định.
PV: Trước đây, có những người khi về hưu thì thở phào nhẹ nhõm là mình không còn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình trước đây. Nghị định này ban hành thì những việc làm sai, kể cả sau khi nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm. Theo bà, đây có phải là một bước tiến lớn?
Bà Bùi Thị An: Nội dung này rất tốt, làm cho cán bộ có ý thức, trách nhiệm hơn. Trước đây, chuẩn bị hạ cánh ta thường thấy có hiện tượng như báo chí vẫn nói “hoàng hôn trước nhiệm kỳ, cuối nhiệm kỳ”.
Trong những trường hợp này, có lẽ, một trong những biện pháp tốt nhất là phải minh bạch toàn bộ quy trình làm việc. Chỉ rõ ai làm tốt, ai không làm tốt, nếu không sẽ rất khó phân loại
Trong trường hợp này, tôi thấy, nội dung mới này rất tốt. Nhưng phải tổ chức thực hiện thế nào cho quyết liệt, bài bản, lâu dài chứ không chỉ được một giai đoạn đầu rồi chìm dần trong thực tiễn. Cho nên, tôi nghĩ phải liên tục có sự giám sát của trên và quyết liệt hơn.
PV: Xin cảm ơn bà./.