Với việc liên kết các nước thành một thị trường chung, đẩy mạnh hợp tác với bên ngoài, Cộng đồng Kinh tế góp phần tăng cường tính cạnh tranh của các sản phẩm mang xuất xứ ASEAN trên trường quốc tế, đồng thời là công cụ giúp ASEAN khẳng định vị trí trung tâm ở khu vực Đông Á
Cộng đồng Kinh tế là một trong 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN mà các nước trong khu vực đang nỗ lực xây dựng. Việc hình thành Cộng đồng Kinh tế là nhằm cụ thể hóa và hiện thực hóa mục tiêu liên kết kinh tế đã được xác định tại tầm nhìn ASEAN 2020.
Ý tưởng về một hình thức liên kết kinh tế khu vực cao hơn đã được cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong đưa ra tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 8 vào năm 2002. Và đến Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 9, các lãnh đạo ASEAN đã chính thức ủng hộ ý tưởng này và coi đây là 1 trong 3 trụ cột để xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Mục tiêu của Cộng đồng Kinh tế ASEAN là hình thành một khu vực kinh tế ổn định, phồn vinh và có khả năng cạnh tranh cao, có sự chu chuyển cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, nguồn vốn kinh tế phát triển đồng đều; nghèo đói và sự chênh lệch về xã hội và kinh tế được thu hẹp đáng kể. Không chỉ có vậy, Cộng đồng Kinh tế còn biến ASEAN thành một thị trường và khu vực sản xuất thống nhất, một bộ phận năng động và vững chắc hơn trong hệ thống cung cấp toàn cầu.
![]() |
Hiện tại, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký thông qua Tuyên bố về kế hoạch tổng thể, thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ trong việc hình thành cộng đồng kinh tế. Kèm theo đó là kế hoạch tổng thể và lộ trình chiến lược thực hiện kế hoạch tổng thể. Trong đó bao gồm mục tiêu xây dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất; Một khu vực kinh tế có sức cạnh tranh cao; Một khu vực phát triển kinh tế đồng đều và một khu vực hội nhập đầy đủ với nền kinh tế toàn cầu. Chiến lược tổng quát để hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN là củng cố liên kết kinh tế về cả chiều sâu và chiều rộng trên các thị trường sản phẩm và nhân tố sản xuất.
Kết thúc giai đoạn 1 triển khai các kế hoạch, lộ trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế (từ năm 2008 đến 2009), các quốc gia ASEAN đã ký Hiệp định Thương mại hóa để thay thế Hiệp định Thương mại tự do. Việc xây dựng Hiệp định thương mại hàng hóa là nhằm hợp nhất các cam kết trước đó về thương mại hàng hóa giữa các nước ASEAN trong phạm vi một hiệp định toàn diện, nhất quán và phù hợp với các mục tiêu đề ra.
Thứ hai, ASEAN cũng đã ký Hiệp định đầu tư toàn diện. Hiệp định này điều chỉnh tất cả các vấn đề liên quan đến tự do hóa và bảo hộ đầu tư. Biểu đánh giá Thực hiện Cộng đồng kinh tế ASEAN và Kế hoạch truyền thông về Cộng đồng này cũng đã được xây dựng nhằm tăng cường tính giám sát việc thực hiện và hoàn thành các cam kết theo các mốc thời gian định sẵn.
Hiện nay, ASEAN đang tập trung triển khai Kế hoạch Hành động thực hiện Sáng kiến Liên kết ASEAN giai đoạn 2 từ (2009-2015) với những mục tiêu và chiến lược nhằm hỗ trợ cho việc thúc đẩy hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Bên cạnh đó, ASEAN cũng đã thiết lập và triển khai nhiều chương trình hợp tác tiểu vùng như Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam; Chiến lược Hợp tác kinh tế Ayawaydy-ChaoPhraya-Mekong chương trình Hợp tác Phát triển hạ lưu sông Mekong, Tiểu vùng Mekong mở rộng.
Không chỉ chú trọng liên kết nội khối, việc gia tăng hợp tác với các đối tác bên ngoài cũng là trọng tâm lớn trong hoạt động của ASEAN. Trong đó, Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc là những đối tác nổi bật. ASEAN cũng đã ký Hiệp định Thương mại tự do với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Hiệp định đầu tư với Hàn Quốc.
Với việc liên kết các nước thành một thị trường chung, đẩy mạnh hợp tác với bên ngoài, Cộng đồng Kinh tế ASEAN không chỉ tạo nên thị trường chung, tăng cường tính cạnh tranh của các sản phẩm mang xuất xứ ASEAN trên trường quốc tế mà còn là công cụ để giúp ASEAN khẳng định vị trí trung tâm ở khu vực Đông Á./.