Cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị cần xử lý nghiêm các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng giả

“Đợt tiếp xúc cho thấy nỗi băn khoăn, lo lắng của cử tri về tình hình phát triển kinh tế và thực hiện an sinh xã hội”, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Trần Hoàng Thám cho biết sau khi kết thúc đợt tiếp xúc cử tri kéo dài từ 22/9 -8/10.

Hôm nay (8/10), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và các đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 1, thành phố Hồ Chí Minh tiếp xúc cử tri quận 3, chuẩn bị cho kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa 12.     

Cử tri Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh nêu nhiều kiến nghị về môi trường đô thị; ùn tắc giao thông và chăm lo đời sống cho người nghèo, người về hưu trong tình hình giá cả tăng. Cử tri cho rằng, Nhà nước cần tập trung giải quyết từng vấn đề cụ thể, đảm bảo quyền lợi của người dân và thực hiện an sinh xã hội.

Cử tri Trần Thị Nguyệt Oanh, ở quận 3, thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề an ninh chính trị ở thành phố tương đối bảo đảm. Tuy nhiên, về an ninh xã hội, trong đó có trật tự xã hội cần được quan tâm hơn

Tại cuộc tiếp xúc, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chia sẻ những bức xúc của cử tri về một số tồn tại trong công tác quản lý Nhà nước, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Chủ tịch nước nhấn mạnh: Trong tình hình hiện nay, giá cả tăng cao, kinh tế đất nước gặp khó khăn, nhưng phải cố gắng bù đắp phần nào đời sống cho bà con, vì biến động giá cả thì người về hưu, người nghèo, người vùng sâu vùng xa chịu nhiều khó khăn nhất. Đây cũng là tấm lòng của Đảng và Nhà nước…

Đợt tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh kéo dài từ22/9 -8/10.

Đánh giá về tình hình lạm phát và giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao, cử tri TP Hồ Chí Minh cho rằng, ngoài những nguyên nhân khách quan của tình hình kinh tế thế giới còn có những yếu kém của nền kinh tế trong nước, thực lực nền kinh tế chưa mạnh cũng như sự chủ quan trong điều hành và quản lý vẫn còn tồn tại.

Cử tri đã đưa ra 6 nhóm giải pháp ưu tiên đề nghị với Chính phủ “lắng nghe và chỉ đạo các cơ quan chức năng áp dụng”, bao gồm việc kiểm soát nhập khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu, thắt chặt chính sách tiền tệ song phải linh hoạt cho các dự án, công trình quan trọng; thực hiện tốt niêm yết giá bán hàng hóa và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, gây rối loạn thị trường. “Việc điều chỉnh giá bán một số mặt hàng phải được thực hiện từng bước và tuân theo nguyên tắc thị trường có kiểm soát. Cân nhắc kỹ khi muốn điều chỉnh giá điện, xăng, nước sạch và than… vì người nghèo, người thu nhập thấp chiếm đa số trong xã hội”, đề nghị của ông Lê Vĩnh Trương, một chuyên gia tài chính được rất nhiều cử tri chia sẻ.

Cử tri TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương thông tin kịp thời và phối hợp chặt chẽ với các địa phương để xử lý khi có những biến động bất thường về giá cả các mặt hàng thiết yếu, rút kinh nghiệm về việc vẫn còn những nguồn tin không phù hợp với chính sách và thực tiễn xuất phát từ các cơ quan Trung ương xung quanh giá xăng dầu, tính thanh khoản của ngân hàng, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt và phương thức đền bù khi thu hồi đất.

Nhiều người đề nghị Chính phủ chỉ đạo các phương tiện truyền thông tổ chức các kênh thông tin nhanh nhất, phát sóng trực tiếp các thông tin cần thiết khi xảy ra những biến động thị trường, an toàn thực phẩm, tránh hoang mang cho dân. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần quyết liệt hơn trong quản lý hoạt động kinh doanh, thương mại, xử lý nghiêm minh và công khai các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém phẩm chất và độc hại, gây ô nhiễm môi trường.

Ở góc độ địa phương, cử tri đề nghị Chính phủ sớm xem xét cơ chế phát triển TP Hồ Chí Minh thành một trung tâm tài chính, có định chế riêng về tổ chức bộ máy và chế độ ưu đãi phục vụ cho việc quản lý của chính quyền đô thị, giao Bộ GTVT đẩy nhanh thực hiện Quy hoạch phát triển giao thông vận tải trên địa bàn, nhất là Đề án di dời hệ thống cảng biển trên địa bàn đến năm 2020.

Nhiều cử tri nhận xét về chính sách liên kết 4 nhà (nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước) mà TP Hồ Chí Minh là nơi xuất phát đến nay vẫn còn trên lý thuyết, đề nghị Chính phủ xây dựng những chương trình cụ thể để triển khai, ưu tiên cho việc định hướng, dự báo, bảo hiểm rủi ro, sản xuất nông nghiệp trình độ cao và đảm bảo an ninh lương thực./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên