Đại biểu Quốc hội băn khoăn doanh nghiệp quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu
VOV.VN - “Bình ổn giá xăng, dầu vẫn là tiền của dân nên việc doanh nghiệp quản lý quỹ sẽ không rõ ràng mà thậm chí doanh nghiệp cũng kêu khổ”.
Đây là một trong những vấn đề trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi) nhận được nhiều ý kiến thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, sáng 6/4.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thống nhất phải đảm bảo có mặt hàng bình ổn giá ở trong luật và trong những trường hợp đặc biệt giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh những mặt hàng theo đề xuất của Chính phủ. Thường vụ thì một tháng họp một lần và có thể họp bất thường nên việc xem xét có gì khó khăn đảm bảo khách quan thay vì Chính phủ trình và Chính phủ quyết định.
“Vấn đề giá là một vấn đề ảnh hưởng tác động trực tiếp đến từng người dân, doanh nghiệp liên quan đến bình ổn giá thị trường. Do đó, cần được quy định cụ thể ngay trong luật để tạo sự công khai, minh bạch, đặc biệt là nhằm tránh lạm dụng để mở rộng phạm vi các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, hạn chế sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước” – ông Hòa nêu quan điểm.
Liên quan quy định về bình ổn giá, ông Phạm Văn Hòa cho rằng cần thiết, song phải hoàn thiện cơ chế quản lý đảm bảo công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích. Đại biểu đề xuất Nhà nước có thể đầu tư từ ngân sách để khi có sự đột biến sẽ can thiệp.
Tán thành việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, song vị đại biểu đoàn Đồng Tháp cho rằng hiện nay giao cho doanh nghiệp quản lý là không hợp lý. Ông đề nghị Nhà nước quản lý vì nếu giao cho doanh nghiệp thì có thể sử dụng vào mục đích khác là không công bằng đối với người dân.
Ông Phạm Văn Hòa cũng nhấn mạnh Chính phủ phải có lộ trình để thời gian nhất định nào đó không tiếp tục sử dụng Quỹ bình ổn xăng, dầu nữa.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) đồng tình quy định quỹ bình ổn giá, song đề nghị quy định rõ những cơ chế quản lý vận hành những quỹ công khai, minh bạch và đặc biệt là hài hòa được lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Về bình ổn giá xăng, dầu, ông Hạ nhấn mạnh vẫn là tiền của dân nên việc doanh nghiệp quản lý quỹ sẽ không rõ ràng mà thậm chí doanh nghiệp cũng kêu khổ.
“Lúc giá lên cao quá, mức bình ổn giá được áp dụng như thế này mà hết khoản quỹ đã trích rồi thì lúc bấy giờ cũng than trời. Tôi đề nghị xem xét kỹ và Nhà nước can thiệp bằng những công cụ chính sách và bằng dự trữ. Đề xuất về việc cần xây dựng kho dự trữ xăng dầu của Nhà nước cần phải xem xét một cách nghiêm túc” – ông Tạ Văn Hạ nói.
Liên quan danh mục hàng hóa được định giá, vị đại biểu đoàn Quảng Nam cho rằng cũng cần phải rà soát kỹ; phải đánh giá tác động để tránh tình trạng trong thực tế đã xảy ra là có những mặt hàng rất thiết yếu ảnh hưởng đến an sinh xã hội nhưng chúng ta không đưa vào danh mục.
“Tôi nghĩ rằng doanh nghiệp cũng là dân, doanh nghiệp đóng thuế cho Nhà nước cho nên chúng ta cũng cần phải có một góc nhìn thực sự công bằng và không mâu thuẫn với luật và các luật, các chủ trương mà chúng ta đã quy định ở các luật chuyên ngành khác” – ông Tạ Văn Hạ nêu quan điểm.
Làm rõ thêm vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng thời gian qua cho thấy bình ổn giá phát huy hiệu quả và hiện nay cũng cần thiết phải có công cụ bình ổn giá để quản lý.
“Hay nói cách khác là đảm bảo cho giá xăng, dầu ổn định, phục vụ cho sản xuất, đời sống của nhân dân. Không những chỉ có công cụ bình ổn giá mà nó liên quan đến công cụ thuế, phí mà vừa qua Quốc hội đã có cho phép Chính phủ thực hiện như là giảm thuế môi trường, giảm thuế nhập khẩu trong xăng, dầu, hoặc là doanh nghiệp phải đảm bảo tiết kiệm chi phí, đa dạng hóa nguồn cung, tăng dự trữ xăng, dầu. Nhiều giải pháp nhưng đây cũng là một giải pháp mà chúng tôi cho rằng nó rất hữu hiệu” – ông Hồ Đức Phớc nhấn mạnh./.