Đại biểu Quốc hội băn khoăn quy định trích một phần tiền xử phạt cho CSGT

VOV.VN - “Cảnh sát giao thông rất cực khổ, tôi đồng tình trích lại cho lực lượng này nhưng phải có quy định cụ thể chứ không thể "trích một phần”, vì “một phần” có thể 90%, 70% và cũng có thể 50%”.

Về chính sách của Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định “trích một phần khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát giao thông”.

Thảo luận tại hội trường trong phiên làm việc chiều nay 22/5, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) cho rằng đề xuất trên là chưa hợp lý.

Vì công tác xử phạt vi phạm hành chính trong nhiều ngành, lĩnh vực phải tuân thủ theo luật xử lý vi phạm hành chính, luật ngân sách, do đó nữ đại biểu băn khoăn vì sao luật này lại  có quy định riêng trích % khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trât tự, an toàn giao thông đường bộ.

“Quy định trên, một mặt không thống nhất chính sách và quy định chung cũng như các luật liên quan. Mặt khác, vô tình làm cho lực lượng cảnh sát giao thông bị điều tiếng không hay” – bà Yến Nhi nói.

Báo cáo tiếp thu, giải trình về dự án luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Bộ Công an được Quốc hội phân bổ ngân sách theo hướng bố trí dự toán chi ngân sách từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước để tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Tuy nhiên, trình tự, thủ tục thực hiện việc bố trí ngân sách từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ quy định về nội dung này.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho rằng, việc tăng cường cơ sở, hiện đại hoá là cần thiết, nhưng nhiều ngành, lĩnh vực khác cũng quan trọng và cần quan tâm, không riêng gì lĩnh vực này.

“Đề nghị không quy định trích một phần khoản tiền xử phạt vi phạm, mà sẽ thực hiện theo Luật NSNN, nếu khó khăn về trình tự thủ tục trong bố trí ngân sách như báo cáo thẩm tra có đề cập thì cần có biện pháp tháo gỡ thỏa  đáng để thực hiện thông suốt” – bà Yến Nhi nêu ý kiến.

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) cho rằng, tiền xử phạt đã nộp ngân sách thì nên thực hiện phân bổ theo quy định của luật ngân sách.

Ủng hộ đề xuất trích một phần khoản tiền xử phạt vi phạm cho cảnh sát giao thông, nhưng đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) đề nghị quy định ngưỡng trích bao nhiêu % chứ không thể nói “một phần” vì không rõ là bao nhiêu.

“Trước đây, dự thảo đã có đề xuất trích 70% tiền xử phạt vi phạm giao thông cho lực lượng Cảnh sát giao thông, dư luận phản ánh rồi, tôi nghĩ không nên. Cảnh sát giao thông rất cực khổ, tôi đồng tình trích lại cho lực lượng này nhưng phải có quy định cụ thể chứ không thể trích “một phần”, vì “một phần” có thể 90%, 70% và cũng có thể 50%” – ông Phạm Văn Hòa nói.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vẫn còn ý kiến khác nhau về cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn
Vẫn còn ý kiến khác nhau về cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn

VOV.VN - Thảo luận về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến khác nhau về quy định tuyệt đối nồng độ cồn với lái xe.

Vẫn còn ý kiến khác nhau về cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn

Vẫn còn ý kiến khác nhau về cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn

VOV.VN - Thảo luận về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến khác nhau về quy định tuyệt đối nồng độ cồn với lái xe.