Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an về hộ chiếu mẫu mới
VOV.VN - Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Tô Lâm nói: "Về trách nhiệm, Bộ Công an chủ trì thực hiện việc cấp mẫu hộ chiếu mới, nên Bộ nhận trách nhiệm và có những giải pháp để giải quyết".
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 14 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10/8, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Một số quốc gia không chấp nhận hộ chiếu phổ thông theo mẫu mới hiện nay gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Vậy trách nhiệm trên thuộc về ai và biện pháp khắc phục như thế nào?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, việc cấp hộ chiếu mẫu mới thực hiện theo đúng Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Tất cả những chi tiết được ghi trên hộ chiếu được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Hộ chiếu mẫu mới phù hợp với thông lệ quốc tế, nhiều nước trên thế giới sử dụng mẫu hộ chiếu này.
"Nhiều nước trên thế giới dùng mẫu này và không ghi nơi sinh. Hộ chiếu Việt Nam đưa ra được đa số các nước trên thế giới chấp nhận. Chỉ có ba nước là Đức, Tây Ban Nha, Séc chưa chấp nhận. Gần đây, Tây Ban Nha đã chấp nhận hộ chiếu Việt Nam. Cũng có nước bị vướng về vấn đề hộ chiếu giống Việt Nam như Hàn Quốc" - ông Tô Lâm cho biết.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, quá trình Bộ thực hiện việc này đúng quy định pháp luật. Một số nước chưa chấp nhận vì có lý do rất thực tế, vì họ muốn tìm hiểu xem nguồn gốc công dân vào nước họ, ở địa phương nào cụ thể.
"Đây chỉ là vấn đề kỹ thuật" - Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh và cho biết, Bộ Công an đã có giải pháp để khắc phục việc này. Trước mắt, với công dân thấy cần bổ sung nơi sinh thì Bộ đã bàn với các cơ quan liên quan bổ sung vào phần bị chú nơi sinh, để tạo thuận lợi cho công dân.
Về lâu dài, nếu cần bổ sung nơi sinh thì Bộ sẽ báo cáo Chính phủ, thống nhất với các cơ quan, báo cáo Quốc hội đề xuất sửa Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam, trong đó bổ sung những thông tin này.
"Về trách nhiệm, Bộ Công an chủ trì thực hiện việc này, nên chúng tôi nhận trách nhiệm và có những giải pháp để giải quyết vấn đề này"- Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Căn cước công dân gắn chip có thể tích hợp thông tin của hơn 30 loại giấy tờ
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) về "giải pháp để sớm đồng bộ dữ liệu căn cước công dân và giấy tờ có liên quan?", Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, hiện các cơ quan như công an, y tế, bảo hiểm xã hội, tài nguyên môi trường, tài chính, ngân hàng đang tích hợp thông tin dữ liệu các ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân, thẻ căn cước công dân.
Thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử có thể tích hợp thông tin của hơn 30 loại giấy tờ khác nhau như giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, sổ hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng... Hiện nay, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở dữ liệu để kết nối liên thông, đáp ứng việc khai thác, sử dụng đồng bộ.
Bộ trưởng cũng thừa nhận vẫn có tình trạng chưa đồng bộ; một số cơ sở dữ liệu không đúng, không đủ, không sạch... chưa được kết nối. Thời gian tới, khi hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân được đồng bộ với các cơ sở dữ liệu khác, người dân sẽ thuận lợi hơn khi giao dịch, làm thủ tục hành chính./.