Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng
VOV.VN - Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành thời gian buổi chiều nay 10/8 để các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng về nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ VH-TT-DL.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Nội dung chất vấn tập trung vào việc thực hiện chính sách, pháp luật để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn.
Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch. Chính sách khuyến khích xã hội hóa trong phát triển ngành du lịch.
Công tác quản lý, bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử Quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội.
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, bước vào thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ này, bên cạnh những thuận lợi, Bộ cũng gặp nhiều khó khăn và thách thức. Nhưng được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, của Chính phủ, của Quốc hội, của các Bộ, ngành Trung ương, sự vào cuộc của cử tri cả nước nên VH-TT-DL đã nỗ lực hoàn thành được trách nhiệm của mình trên phương diện quản lý nhà nước trên 3 lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Nói một cách hình ảnh được ví như cỗ xe tam mã, trong đó văn hóa là giữ dây cương, du lịch mang đậm dấu ấn sản phẩm văn hóa, thể thao vì sức khỏe con người với tư cách là chủ thể xây dựng, kiến tạo, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bộ VH-TT-DL đã quyết tâm chỉ đạo khá toàn diện ba trọng tâm công tác này. Vì vậy, phương châm xuyên suốt của Bộ đặt ra là phải quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến để tổ chức thực hiện.
Bộ VH-TT-DL đã tham mưu và được các cấp có thẩm quyền chấp nhận sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII do Bộ Chính trị chủ trì thành công rất tốt đẹp. Hội nghị đã mang lại động lực mới cho toàn ngành. Chính vì vậy, trên lĩnh vực văn hóa đã có sự chuyển biến về mặt nhận thức, về mặt hành động, cán bộ văn hóa đã tích cực, chủ động tham mưu để các cấp ủy Đảng lãnh đạo, chỉ đạo.
Đến thời điểm này, 63 tỉnh, thành đã có các chương trình hành động cụ thể để tổ chức thực hiện Kết luận của Tổng bí thư với 6 nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp. Nhiều địa phương không chỉ chuyển biến bằng cách ban hành nghị quyết mà đã dành các nguồn lực để đầu tư cho văn hóa.